Nghề rèn của người Xơ Đăng ở Măng Ri
24-3-2020

Sáng sớm vào Pu Tá - ngôi làng nằm trên sườn núi, được bao quanh bởi những ruộng lúa bậc thang đang dần chín vàng- tôi gặp ông A Hình (63 tuổi), một trong những thợ rèn lâu năm của làng.

Hôm nay ông A Hình nghỉ đi rẫy, ở nhà để rèn tiếp lưỡi dao và lưỡi rìu mà ông đang rèn dở mấy hôm nay. Thấy ông chuẩn bị dụng cụ để rèn, cháu ngoại là A Thiện (13 tuổi) cũng ra phụ giúp.

Dù tuổi còn nhỏ nhưng A Thiện đã biết lấy củi để nhóm bếp lửa nung sắt. Từ đống củi được chất gọn gàng ở góc bếp, cậu bé lấy củi thông và củi dẻ lần lượt đưa cho ông của mình. Đã thành thói quen, hai ông cháu vừa làm vừa ngâm nga: “Củi thông khi cháy lửa to

Củi dẻ khi cháy sẽ cho than nhiều”

Theo kinh nghiệm của người Xơ Đăng, cây thông được dùng để mồi lửa cháy cho nhanh, còn than của cây dẻ khi cháy sẽ cho nhiệt độ vừa phải, giúp các công cụ được rèn ra có độ cứng và bền cao. Vì thế, ông A Hình nghĩ ra câu ca trên để truyền dạy kinh nghiệm cho các cháu của mình.

Lò rèn của ông A Hình khá đơn giản, bếp lửa nung sắt chỉ dựng một tấm bê tông dày khoảng 10cm, cao 40cm và dài 60cm để che chắn. Xuyên qua tấm bê tông nằm sát mặt đất là ống sắt dài 80cm, một đầu của ống sắt được nối với bễ, đầu còn lại là nơi chất củi để đốt. Đe (nơi thợ rèn để sắt vừa nung lên trên rồi lấy búa đập) là vỏ một quả bom và được chôn cách bếp lửa nung sắt khoảng 1m. Ngay bên cạnh đe là bể nước để tôi thép.  Dụng cụ để rèn của ông A Hình chỉ có 1 cây búa tạ, 2 cây búa nhỏ, kìm kẹp sắt, đột cắt nhíp và đá mài.

Khi thấy bếp lửa đủ than và cháy đều, ông A Hình lấy lưỡi dao và lưỡi rìu bỏ vào nung, A Thiện ngồi bên cạnh  chăm chú theo dõi.

Vừa vùi than ông A Hình vừa hỏi A Thiện: “Cháu có nhớ, để rèn được dao hay rựa chúng ta phải dùng sắt gì không?”, A Thiện nhanh nhảu đáp: “Thưa ông, để rèn được dao hay rựa chúng ta phải dùng cây sắt thẳng ạ!”. “Thế còn rèn cuốc, rèn rìu chúng ta dùng sắt gì?” ông A Hình hỏi tiếp, “Rèn cuốc chúng ta dùng sắt chữ V, còn rèn rìu dùng sắt ống dày và to ạ!” A Thiện trả lời.

“A Thiện thông minh lắm, chắc chắn sau này cháu nó sẽ là thợ rèn giỏi”, ông A Hình khẳng định về cháu ngoại của mình với vẻ tự hào.

A Thiện (trái) chăm chú nhìn ông A Hình rèn. Ảnh: ĐT

Ông A Hình chia sẻ với chúng tôi, ở làng Pu Tá, ngoài ông ra còn có hơn 10 người khác cũng làm công việc này. Hầu hết đều trạc tuổi ông.

Dù đã qua tuổi lục tuần nhưng ông A Hình vẫn rất khỏe, động tác rèn của ông nhanh, dứt khoát và linh hoạt. Vừa nung vừa gõ, cứ thế lưỡi dao và lưỡi rìu cũng dần được tạo hình hoàn chỉnh.

Lau vội mồ hôi trên mặt, ông A Hình tâm sự, tổ tiên người Xơ Đăng đã biết lấy quặng nung thành sắt và rèn ra công cụ, vũ khí để phục vụ sản xuất, cuộc sống và bảo vệ buôn làng. Người Xơ Đăng còn có truyền thống rèn thêm công cụ rồi qua làng khác trao đổi lấy chiêng, lấy vật nuôi… Ngày nay, các thợ rèn cũng đem sản phẩm đi bán. “Bản thân tôi rèn dao để đem đi bán, mỗi cây bán được 300.000 – 500.000 đồng”- ông A Hình nói.

Lưỡi rìu nung đỏ được đặt lên đe để gõ búa tạo hình. Ảnh: ĐT

Theo phong tục, vào thời gian đầu năm, làng Pu Tá sẽ tổ chức Ngày rèn truyền thống. Vào ngày này, già làng sẽ thông báo để tất cả thợ rèn trong làng tập trung vào một nơi để rèn. Ngoài ra, người làng còn tập trung rèn trước khi bước vào mùa làm cỏ và mùa thu hoạch lúa. Đây là những dịp để bà con trao đổi, mua bán sản phẩm rèn với nhau.

Chia tay 2 ông cháu A Hình và A Thiện, tôi đến làng Đăk Dơn để gặp anh A Bon (33 tuổi), người thợ rèn có tiếng ở xã Măng Ri.

Anh A Bon được mọi người biết đến bởi tay nghề điêu luyện và những sản phẩm anh làm ra với đủ chủng loại và kích cỡ, được mọi người ở xã Măng Ri và các xã lân cận ưa chuộng, tìm mua về sử dụng vào công việc đồng áng và sinh hoạt hàng ngày.

Đang rèn cùng 2 người em họ là A Hỷ (31 tuổi) và A Đuôi (21 tuổi), anh A Bon nghỉ tay khi thấy tôi đến.

Uống xong ngụm trà, anh A Bon kể, anh học nghề rèn từ cha của mình. Từ nhỏ, anh được cha dạy: “Trai Xơ Đăng khi đến tuổi trưởng thành phải biết rèn, biết săn bắn, biết đan gùi và biết chăm chỉ làm ăn”. Do vậy, anh A Bon cố gắng học nghề rèn và đến năm 18 tuổi anh đã tự rèn được hầu hết các công cụ để phục vụ sản xuất.

“Thời gian mới lập gia đình, 2 vợ chồng chỉ có mảnh rẫy do cha mẹ để lại. Nên tôi cố gắng rèn thêm nhiều dao, nhiều cuốc, nhiều rựa đem đi bán để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống gia đình. Dần dần trở thành nghề chính từ lúc nào không hay”, anh A Bon nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm để rèn công cụ cứng và sắc, anh A Bon cho hay, sau khi công cụ được mài thô và mài tạo hình lưỡi, công cụ sẽ được đem nung lại lần cuối rồi nhúng vào bể nước tôi, sau đó sẽ được mài mịn bằng tay với đá mài tự nhiên.

Chúng tôi được nghe A Hỷ và A Đuôi kể việc A Bon kiên trì đi khắp nơi để bán những sản phẩm do chính anh làm ra nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình mà không khỏi thán phục. Gùi trên lưng những sản phẩm rèn, anh A Bon cuốc bộ rong ruổi khắp nơi, từ Ngọc Linh, Mường Hoong của huyện Đăk Glei đến huyện Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam...

“Ngoài bán lấy tiền, tôi còn trao đổi để lấy cây sâm Ngọc Linh giống về trồng. Sau nhiều năm chịu khó làm lụng, việc buôn bán gặp nhiều thuận lợi, kinh tế gia đình khá dần lên, xây được nhà mới khang trang”- anh A Bon cười nói.

Rồi 3 anh trở lại công việc, tiếng gõ búa tiếp tục vang lên theo nhịp rộn rã, vang vọng núi rừng Măng Ri.

Nghề rèn được người Xơ Đăng truyền qua nhiều thế hệ. Ảnh: ĐT 

ĐỨC THÀNH - baokontum.com.vn

 

 

Số lượt xem:2196
Bài viết liên quan:
Icon  Gùi của người Gia Rai
Icon  Nghề đẽo thuyền độc mộc của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum