Nỗi niềm thổ cẩm
4-10-2020

Trong việc phát triển các nghề truyền thống, việc khôi phục và giữ gìn nghề thổ cẩm là một những yếu tố làm nên bản sắc dân tộc. Ý thức được điều này, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Ban Dân tộc tỉnh, người Gia Rai ở làng Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) phát triển nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, việc phát triển nghề dệt thổ cẩm vẫn còn nhiều nỗi niềm và cần tiếp tục có sự quan tâm nhiều hơn nữa.

Thời quá vãng

Nghe có nhà báo đến thăm, mấy chị em trong Tổ dệt thổ cẩm làng Kà Đừ (Hợp tác xã Hoa Plang) không đi rẫy, ở nhà dệt thổ cẩm. Gặp các chị, tôi thấy ai cũng vui. Dường như các chị có mong muốn được giãi bày, được giới thiệu thổ cẩm làng Kà Đừ lên báo.

Tiếp chuyện với tôi tại nhà, chị Y By Dứt tay vẫn thoăn thoắt, miệt mài bên khung dệt. Ngừng một lát, chị trầm tư nghĩ về thời quá vãng: Người Gia Rai ở làng Kà Đừ từ bao đời có truyền thống dệt thổ cẩm. Ngày trước, dân làng trồng bông, xe sợi, nhuộm sợi bằng lá cây hlamo mọc hoang trong làng, trong rừng. Không như bây giờ, dệt thổ cẩm bằng sợi chỉ, sợi len... Chị biết dệt thổ cẩm hồi còn nhỏ, khi mới 12 tuổi. Đến khi có chồng, chị dệt thành thạo các sản phẩm thổ cẩm.

“Ngày ấy, các chàng trai thường hay để ý tới các cô gái chăm làm, giỏi dệt vải. Nếu như cô gái nào không biết dệt thì khó bắt được chồng. Và từ trong tâm thức, các bà, các mẹ coi việc phải truyền nghề cho con biết dệt vải là bổn phận và là trách nhiệm. Các mẹ, các bà cũng thường hãnh diện khi thấy con mình sáng dạ, chăm chú học hỏi, sớm biết xe sợi, nhuộm vải, dệt vải. Chính vì vậy, thường thì các cô gái Gia Rai nào cũng biết dệt vải, họa hoằn lắm mới có người không biết dệt”- chị Y By Dứt bày tỏ. 

Chị Y By Dứt dệt thổ cẩm. Ảnh: V.N

Chị Y By Dứt cũng nhớ như in ngày trước cứ vào khoảng tháng 3-4, bà con phát dọn nương rẫy. Sau những cơn mưa đầu mùa khi đất đủ ẩm, bà con bước vào trỉa lúa, bắp và xen hạt bông vải trong rẫy. Cây bông vải có đời sống dài ngày hơn lúa, bắp. Thường thì khi thu hoạch lúa, bắp trước 1 tháng, bà con mới thu hoạch bông vải.

Nghe chị Y By Dứt ôn lại chuyện cũ, chị Y Quý (ở làng Rắc, xã Ia Xiêr là thành viên trong Tổ dệt thổ cẩm làng Kà Đừ) đang dệt vải gần bên như sống lại thời con gái của mình. Chị Y Quý cho biết, mình dệt vải lúc mới 14, 15 tuổi.  Nặng nợ với nghề, chị theo đuổi với thổ cẩm từ nhiều năm nay.

Người Gia Rai ở làng Rắc ngày ấy cũng dùng lá cây hlamo nhuộm vải. Bẻ một cành hlamo để giới thiệu, chị Y Quý cho hay: Cây này đem về bỏ vào xoong nồi, vò lá và đổ nước ngâm. Sau khi ngâm qua một đêm, vắt lá cho ra màu, vớt xác lá bỏ đi, lấy vôi (làm bằng vỏ ốc) đổ vào xoong nồi ngâm cho màu lắng xuống đáy xoong và lấy nước màu để ngâm sợi vải. Màu lá xanh đậm, xanh đen, xanh lợt... là do lượng lá ngâm và pha trộn nước nhiều hay ít. Tuy nhiên, việc trồng bông, xe sợi, nhuộm sợi vải, dệt vải... tốn nhiều công sức nên lâu rồi không ai còn làm nữa. Ngày nay, các chị giữ nghề dệt thổ cẩm bằng sợi chỉ, sợi len thôi; không ai còn trồng bông nữa.

Nhìn cặp mắt suy tư chị Y Quý, tôi như thấy có những nhiều nỗi niềm lắng đọng theo thời gian. Rồi chị “rút ruột” rằng: Vải thổ cẩm làm bằng sợi bông mềm, mát hơn thổ cẩm sợi chỉ, sợi len. Mặc áo váy thổ cẩm làm bằng sợi bông mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Thổ cẩm xưa ai cũng thích, nhưng chuyện đã xa rồi...!

Trăn trở việc phát triển

Trong buổi gặp gỡ với các chị trong Tổ dệt thổ cẩm, A Lâm - Bí thư Chi bộ thôn Kà Đừ hôm ấy cũng có mặt. A Lâm chia sẻ: Bằng công tác tuyên truyền, vận động, bằng quyết tâm chính trị, đến nay, Tổ dệt thổ cẩm làng Kà Đừ có 29 chị em, trong đó có một số chị em làng Rắc. Trong quá trình khôi phục, việc trồng bông, xe sợi, chi bộ, thôn, Tổ dệt thổ cẩm làng Kà Đừ cũng từng tính đến để nâng cao giá trị sản phấm thổ cẩm. Tuy nhiên, việc trồng bông, xe sợi, dệt vải, giá thành sản phẩm thổ cẩm cao - cây bông trên địa bàn lại mất gốc cách đây trên 30 năm rồi. Muốn trồng bông, phải đưa giống từ nơi khác về. 

Nghe vậy, chị Y Quý phân trần thêm: Nếu trồng bông, xe sợi, nhuộm, dệt vải như hồi xưa thì việc làm ra 1 cái áo nam mất khoảng nửa tháng, 1 váy - áo nữ mất 1 tháng, 1 tấm chăn đắp (chăn đôi) mất khoảng 2 tháng. Trong khi đó, việc dùng sợi chỉ, sợi len thì dệt áo nam mất khoảng 1 tuần, váy áo mất 2 tuần và tấm chăn đắp mất khoảng 1 tháng. Hiện nay, giá thành sản phẩm thổ cẩm bằng sợi chỉ, sợi len như: 1 tấm chăn đắp dao động từ 800 nghìn đồng – 1 triệu đồng, 1 váy áo 500 – 600 nghìn đồng, áo nam 350 – 400 nghìn đồng. Nếu trồng bông, xe sợi, nhuộm, dệt vải, giá thành sản phẩm thổ cẩm phải cao hơn gấp đôi so với sản phẩm thổ cẩm bằng sợi chỉ, sợi len trên thị trường.

Chị Y Quý giới thiệu cây hlamo dùng để nhuộm vải. Ảnh: V.N

Giá thành cao, nếu trồng bông, xe sợi, dệt vải thì người sản xuất làm ra sản phẩm chủ yếu dùng trong gia đình, bán ít người mua. Để tiêu thụ được nhiều sản phẩm, người sản xuất trông chờ nhiều vào sự phát triển mạnh du lịch ở địa phương. Các sản phẩm khách du lịch ưa chuộng là ví cầm tay, túi xách tay... để đem về làm kỷ niệm. Tuy nhiên, du lịch ở huyện Sa Thầy chưa phát triển, việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm thổ cẩm hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, hiện nay, việc sản xuất thổ cẩm, chị em chỉ tranh thủ lúc nông nhàn, hàng làm ra có hạn, không thể dành nhiều thời gian và toàn  tâm, toàn ý cho thổ cẩm – chị Y Quý giãi bày.  

Miên man với nghề dệt thổ cẩm, chị Y By Dứt lo lắng: Do thu nhập từ sản xuất thổ cẩm thấp, lớp trẻ bây giờ ít chịu học nghề dệt thổ cẩm. Nếu du lịch không phát triển và Nhà nước không tiếp tục có những chính sách hỗ trợ kịp thời thì nghề dệt thổ cẩm ở địa phương khó phát triển mạnh. Rồi đến một ngày, thổ cẩm theo lớp người lớn tuổi “đi xa”.

Đem trăn trở của một số thành viên trong Tổ dệt thổ cẩm làng Kà Đừ, trao đổi với ông Bùi Quốc Tưởng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sa Thầy. Ông Bùi Quốc Tưởng cho biết, để khôi phục nghề truyền thống, trong khả năng mình, chính quyền địa phương tư vấn sản xuất, đồng thời từng bước tạo đầu ra cho sản phẩm của người dệt như: Giới thiệu, đưa sản phẩm ra chợ phiên, ngã ba làng Rắc, quầy hàng trong làng Kà Đừ, trưng bày ở một số sự kiện của huyện, gửi bán ở các quầy hàng lưu niệm ở thành phố Kon Tum. Đồng thời, chính quyền địa phương phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ cho Hợp tác xã Hoa Plang 16 khung dệt thổ cẩm. Ông Tưởng mong muốn Hợp tác xã Hoa Plang tiếp tục giúp đỡ các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Kà Đừ nâng cao chất lượng, hoàn thiện kỹ năng sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm.  

Ông A Nhưk – Phó Giám đốc Hợp tác xã Hoa Plang ghi nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc phối hợp với các cấp, các ngành hỗ trợ và tạo điều kiện cho các thành viên, nhất là các thành viên trong Tổ dệt thổ cẩm làng Kà Đừ phát triển nghề dệt thổ cẩm. Đồng thời, ông Nhưk mong muốn, các cấp chính quyền, các ngành tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ chỉ dệt, quảng bá sản phẩm thổ cẩm cho các thành viên và mở hướng phát triển mạnh du lịch để góp phần tiêu thụ sản phẩm, giúp nghề dệt thổ cẩm phát triển và giúp người dân gắn bó với nghề này nâng cao đời sống.

“Một khi đầu ra sản phẩm thổ cẩm thuận lợi hơn, Hợp tác xã sẽ tính đến tới chuyện trồng bông, nhuộm sợi, dệt thổ cẩm như xưa” – ông Nhưk nhấn mạnh.                                        

Trong nghi thức lễ hội truyền thống như lễ hội cầu mưa, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu..., người Gia Rai ở làng Kà Đừ và một số nơi trên địa bàn huyện Sa Thầy không thể thiếu sắc màu thổ cẩm. Chính sắc màu thổ cẩm với những yếu tố đặc sắc riêng đã làm nên bản sắc của một dân tộc.

Văn Nhiên - baokontum.com.vn

Số lượt xem:1067
Bài viết liên quan:
Icon  Giữ hồn dân tộc
Icon  Nghề rèn của người Xơ Đăng ở Măng Ri
Icon  Gùi của người Gia Rai
Icon  Nghề đẽo thuyền độc mộc của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum