Triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các Sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Kon Tum năm 2021, ngày 03/6/2021 Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1823 /KH-UBND.
Đối tượng được đánh giá gồm 02 nhóm đối tượng là nhóm các sở, ban, ngành với 12 đơn vị và nhóm các huyện, thành phố với 10 đơn vị. Nhóm các sở, ban, ngành gồm có: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý Khu kinh tế, Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Thanh tra tỉnh.
Về phạm vi khảo sát, số lượng dự kiến khảo sát khoảng 1.200 doanh nghiệp, 600 hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Số lượng thu về dự kiến khoảng 450 đơn vị bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Bộ chỉ số DDCI của tỉnh Kon Tum năm 2021 gồm có 8 chỉ số thành phần sau: (1) Tính minh bạch (2) Tính năng động (3) Chi phí thời gian (4) Chi phí không chính thức (5) Cạnh tranh bình đẳng (6) Hỗ trợ doanh nghiệp (7) Thiết chế pháp lý (8) Vai trò người đứng đầu.
Chi tiết tiêu chí đánh giá của từng chỉ số thành phần như sau:
1. Tính minh bạch: Khả năng tiếp cận thông tin của sở, ban, ngành/địa phương; Cần có mối quan hệ để có thể tiếp cận được tài liệu của sở, ban, ngành/địa phương; Mức độ đầy đủ, rõ ràng của nội dung thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính hoặc công việc có liên quan tới các đơn vị; Thái độ của cán bộ khi cung cấp thông tin; Mức độ sẵn sàng cung cấp thông tin, văn bản khi DN yêu cầu; Mức độ doanh nghiệp truy cập vào website của các sở, ban, ngành/địa phương; Tính hữu ích của thông tin trên website của các sở, ban, ngành/địa phương với doanh nghiệp.
2. Tính năng động: Lãnh đạo các sở, ban, ngành/địa phương linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; Phản ứng của các sở, ban, ngành/địa phương trong việc giải quyết những vấn đề mới phát sinh; Kịp thời nắm bắt và có phương án xử lý những bất cập, vướng mắc của doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình; Chủ động tham mưu UBND tỉnh các đề xuất giải pháp hỗ trợ DN/cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn; Có hiện tượng trì hoãn/chậm trễ của sở, ban, ngành khi thực hiện các quyết định/chủ trương của cấp trên.
3. Chi phí thời gian: Số lần DN bị thanh tra, kiểm tra của sở, ban, ngành trong năm qua; Sự trùng lặp nội dung các cuộc thanh tra, kiểm tra; Sự tuân thủ nội dung thanh tra, kiểm tra theo quyết định thanh tra, kiểm tra; Đánh giá sự phối hợp, hợp tác giải quyết công việc doanh nghiệp của các đơn vị; Cán bộ hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ cho doanh nghiệp khi giải quyết công việc; Mức độ tuân thủ đúng quy định về thời gian khi giải quyết thủ tục hành chính; Doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần để hoàn tất các thủ tục hành chính liên quan.
4. Chi phí không chính thức: Tỷ lệ % doanh nghiệp có trả chi phí không chính thức; Hiện tượng nhũng nhiễu là phổ biến khi giải quyết thủ tục hành chính hoặc các công việc liên quan tại các sở, ban, ngành/địa phương; Các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được; Công việc đạt kết quả nếu chi trả chi phí không chính thức; Sự giảm bớt về chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chi trả.
5. Cạnh tranh bình đẳng: Tồn tại các doanh nghiệp sân sau và doanh nghiệp thân hữu tại các sở, ban, ngành và địa phương; Có sự ưu ái trong việc tiếp cận các nguồn lực nhà nước (bao gồm: đất đai, tài chính và đấu thầu) cho doanh nghiệp sân sau và doanh nghiệp thân hữu; Sự ưu ái dành cho các doanh nghiệp lớn hơn doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận thông tin; Sự ưu tiên các doanh nghiệp lớn hơn doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình giải quyết kiến nghị, khó khăn và thủ tục hành chính; Các doanh nghiệp lớn được nhiều cơ chế ưu đãi hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa; Sự ưu ái gây khó khăn cho doanh nghiệp; Mức độ quan tâm của sở, ban, ngành và địa phương tới doanh nghiệp nhỏ và vừa.
6. Hỗ trợ doanh nghiệp: Cung cấp thông tin về các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; Chất lượng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; Cung cấp thông tin về các chương trình trao đổi thông tin, đối thoại doanh nghiệp; Việc giải quyết vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong và sau các buổi đối thoại, trao đổi thông tin;
7. Thiết chế pháp lý: Thực thi văn bản pháp luật nghiêm minh, theo đúng quy trình, quy định; Giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp thỏa đáng; Phản ánh, kiến nghị, khiếu nại vượt cấp mới có thể giải quyết được vấn đề; Cơ chế đảm bảo công bằng, minh bạch trong giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại; Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị, khiếu nại hành vi sai trái.
8. Vai trò người đứng đầu: Có ảnh hưởng quyết định đến công tác CCHC tại cơ quan; Dám quyết/dám làm và dám chịu trách nhiệm; Có hành động cụ thể và thiết thực để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp; Lắng nghe và tiếp thu góp ý của doanh nghiệp; Giải quyết nhanh chóng và triệt để các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp; Trong cơ quan không có hiện tượng "Cấp trên bảo cấp dưới không nghe".
Bùi Văn Thắng
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.