Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở Bắc Tây Nguyên; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây giáp các tỉnh Attapư, Sêkông (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) và tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia), có đường biên giới dài 292,522 km (giáp Lào 154,222 km, giáp Campuchia 138,3 km); có 09 huyện và 01 thành phố với 102 xã, phường, thị trấn, 756 thôn, tổ dân phố; có 92/102 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); có 52 xã và 371 thôn đặc biệt khó khăn; có 13 xã biên giới; có 3 huyện nghèo (Kon Plong, TuMơRông, Ia H”Dai). Diện tích tự nhiên gần 10.000 km2; dân số toàn tỉnh đến cuối năm 2023 là 597.033 người (trong đó đồng bào DTTS chiếm 59,93% với 357.800 người) với 43 dân tộc cùng sinh sống, có 7 DTTS tại chỗ gồm: Xê đăng, Ba Na, Gia Rai, Brâu, Rơ Mâm, Giẻ Triêng, Hre.
Kết quả thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đã góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực vùng DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, phục vụ đời sống dân sinh, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc được củng cố, niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền ngày càng nâng cao.
Ảnh: Nguồn Internet
Tuy nhiên, Kon Tum vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, kết cấu hạ tầng còn yếu kém, chưa đồng bộ; việc huy động nguồn lực để đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, năng suất lao động chưa cao; trình độ học vấn, dân trí của đồng bào DTTS không đồng đều; đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường còn hạn chế; công tác giáo dục, đào tạo tại vùng đồng bào đồng bào DTTS còn khó khăn, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Chất lượng một số dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tuyến cơ sở; trang thiết bị y tế một số nơi còn thiếu, chưa đạt tiêu chuẩn. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, một số hủ tục, phong tục không còn phù hợp chưa được xoá bỏ triệt để; việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc có lúc chưa kịp thời; công tác giải quyết đất ở, đất sản xuất, tái định canh, tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số còn bất cập, hạn chế; quản lý nhà nước về công tác dân tộc còn nhiều hạn chế về nhận thức, quán triệt về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc chưa toàn diện; các thế lực thù địch luôn âm mưu tìm mọi cách gây chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc. Những tồn tại hạn chế nêu trên, cũng chính là những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến xung đột xã hội hoặc xuất hiện điểm nóng về chính trị - xã hội trên địa bàn. Từ thực tiễn kết quả thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, có thể xác định một số vấn đề cần quan tâm giải quyết hiệu quả trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, cụ thể như sau:
1. Vấn đề giảm nghèo vùng đồng bào DTTS&MN
Trong nhiều năm qua, các chương trình chính sách xoá đói, giảm nghèo ở Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng được triển khai, thực hiện rất hiệu quả. Mặc dù, đến nay tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực giảm nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS còn khá cao. Theo kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, tổng số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh tính đến cuối năm 2023 là 10.220 hộ, chiếm tỷ lệ 6,94% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh (trong đó hộ nghèo DTTS là 9.716 hộ); số hộ cận nghèo 6.568 hộ, chiếm tỷ lệ 4,39% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh (trong đó hộ cận nghèo DTTS là 6.867 hộ); kết quả điều tra các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo cụ thể như sau: Việc làm: 1.992 hộ, chiếm tỷ lệ 19,49%; Người phụ thuộc trong hộ gia đình: 2.917 hộ, chiếm tỷ lệ 28,54%; Dinh dưỡng: 1.600 hộ, chiếm tỷ lệ 15,66%; Bảo hiểm y tế: 6.678 hộ, chiếm tỷ lệ 65,34%; Trình độ giáo dục của người lớn: 2.354 hộ, chiếm tỷ lệ 23,03%; Tình trạng đi học của trẻ em: 270 hộ, chiếm tỷ lệ 2,64%; Chất lượng nhà ở: 2.046 hộ, chiếm tỷ lệ 20,02%; Diện tích nhà ở bình quân đầu người: 3.538 hộ, chiếm tỷ lệ 34,62%; Nguồn nước sinh hoạt: 1.395 hộ, chiếm tỷ lệ 13,65%; Nhà tiêu hợp vệ sinh: 5.987 hộ, chiếm tỷ lệ 58,58%; Sử dụng dịch vụ viễn thông: 4.494 hộ, chiếm tỷ lệ 43,97%; Phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin: 3.090 hộ, chiếm tỷ lệ 30,23%.
Các nguyên nhân chính dẫn đến nghèo bao gồm: Không có đất sản xuất: 2.668 hộ; Không có vốn sản xuất kinh doanh: 2.994 hộ; Không có lao động: 2.572 hộ; Không có công cụ/phương tiện sản xuất: 3.291 hộ; Không có kiến thức về sản xuất: 5.282 hộ; Không có kỹ năng lao động, sản xuất: 6.452 hộ; Có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn: 2.095 hộ; Nguyên nhân khác (đông nhân khẩu, già yếu, khuyết tật không có sức lao động, tách hộ, chây lười lao động): 2.573 hộ.
Điều đó cho thấy vấn đề giảm nghèo thiếu tính bền vững, nguy cơ tái nghèo và khoảng cách giàu - nghèo có chiều hướng tiếp tục gia tăng, từ đó dẫn đến những tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định đời sống chính trị - xã hội.
2. Vấn đề giải quyết thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS
Trong giai đoạn từ năm 2004 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ chính sách đất ở, đất sản xuất cho 16.173 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó, có 7.013 hộ được hỗ trợ đất ở; có 9.160 hộ được hỗ trợ đất sản xuất), thông qua các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của các huyện, thành phố, tính đến hết năm 2023 toàn tỉnh Kon Tum có 3.895 hộ thiếu/không có đất ở, đất sản xuất; trong đó, có 1.557 hộ thiếu/không có đất ở; 2.338 hộ thiếu/không có đất sản xuất. Nguyên nhân thiếu đất ở, đất sản xuất cụ thể như sau:
* Đối với đất ở:
- Các hộ đang ở trên các loại đất như: đất nông nghiệp, đất lấn chiếm, đất lâm nghiệp,.. nhưng địa phương chưa có kế hoạch di dời các hộ thuộc diện này đi nơi khác hoặc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai để thực hiện các chính sách hỗ trợ; hộ đang ở trên các loại đất thuộc hành lang giao thông, đất quy hoạch thực hiện dự án, đất có nguy cơ sạt lở hoặc đất thuộc vùng thiên tai… nhưng địa phương chưa có kế hoạch dự kiến hỗ trợ, giải quyết đất ở từ các chương trình, chính sách, dự án, đề án,...
- Tăng dân số (tự nhiên và cơ học) vùng DTTS dẫn đến việc tách hộ gia đình, những hộ mới hầu như đều thiếu hoặc không có đất. Các hộ nghèo DTTS cuộc sống gặp nhiều khó khăn, khi mất mùa, làm ăn không hiệu quả, gặp bệnh tật, thiên tai làm mất đất… nhiều hộ đã phải sang nhượng và không có khả năng mua lại, trở thành các hộ không có đất.
* Đối với đất sản xuất:
- Đặc điểm cư trú, tập quán sản xuất lạc hậu, nhiều hộ vẫn sản xuất theo phương thức phát nương làm rẫy; đất sản xuất ngày càng bạc màu, diện tích rừng giảm nhanh; hàng năm xảy ra lũ quét, sạt lở, làm giảm nhiều diện tích đất sản xuất.
- Diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong tổng diện tích tự nhiên của tỉnh; tuy nhiên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 30% diện tích đất nông nghiệp, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao.
- Yêu cầu phát triển, xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, dự án thủy lợi, thủy điện, khai thác khoáng sản, …
- Mặt bằng dân trí của người dân vùng đồng bào DTTS còn thấp, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao; một số địa phương chưa nắm chắc tình hình mua, bán, sang nhượng, lấn chiếm đất, rừng trái pháp luật.
Quá trình triển khai thực hiện việc chỉ tiêu đất ở, đất sản xuất gặp một số khó khăn vướng mắc như: số hộ DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất còn nhiều; công tác điều tra, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách chưa được thường xuyên liên tục, số liệu báo cáo chưa chính xác; công tác kiểm tra, hướng dẫn chưa kịp thời, đồng bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất, động viên phát huy nội lực của người dân và cộng đồng còn hạn chế; các cấp chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025; trong đó, giao kế hoạch thực hiện chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có đất ở, đất sản xuất. Như vậy, thời gian thực hiện mục tiêu nêu trên của Nghị quyết không còn nhiều, cùng với sự không đồng bộ trong giải quyết các vấn đề đất đai đã và đang đặt đồng bào các DTTS trước những khó khăn về đời sống kinh tế, xã hội. Đó là mâu thuẫn giữa mất đất, mất môi trường sinh thái, sinh kế với công ăn việc làm khi phải hy sinh lợi ích gia đình, cộng đồng cho lợi ích chung của quốc gia. Do đó, cùng với vấn đề gia tăng khoảng cách giàu nghèo, thì vấn đề đất đai, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở vùng đồng bào DTTS nếu không kịp thời giải quyết sẽ dễ trở thành vấn đề nổi cộm, kéo theo nhiều hệ luỵ đối với lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.
3. Vấn đề quan hệ dân tộc:
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở, và điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 thì dân số toàn tỉnh là 540.438 người; dân tộc Kinh là 243.572 người (45,07%); các DTTS là 296.866 người (54,93%). Có tổng số 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 07 DTTS tại chỗ gồm: Xơ Đăng (133.117 người), Ba Na (68.799 người), Gia Rai (25.883 người), Giẻ - Triêng (39.515 người), Brâu, Rơ Măm, Hre (2.810 người). Có 2 DTTS rất ít người là: dân tộc Rơ Măm 577 người; dân tộc BRâu 497 người); Kết quả cho thấy Kon Tum là một tỉnh đa dân tộc so với cả nước, quy mô dân số giữa các dân tộc không đồng đều, các dân tộc tại chỗ và các dân tộc di cư từ nơi khác đến sinh sống đan xen lẫn nhau, dẫn đến sự giao lưu kinh tế - văn hoá và cùng hỗ trợ nhau phát triển, tăng cường hơn sự hiểu biết, hoà hợp, xích lại gần nhau, cùng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, song cũng có thể dẫn đến sự va chạm, mâu thuẫn giữa các dân tộc khác nhau khi cùng sinh sống trên một địa bàn. Do đó khi có mâu thuẫn xảy ra, nếu không được phát hiện và xử lý sớm thì rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS hầu hết ở các vùng có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường của tỉnh cũng như của quốc gia. Đây cũng là nơi các thế lực phản động luôn lợi dụng địa bàn phức tạp, vùng sâu, vùng xa hẻo lánh, vùng biên giới, điểm cao để thâm nhập, tác động lôi kéo đồng bào phá vỡ những khu vực phòng thủ trọng điểm, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Đây cũng là vấn đề cần phải hết sức cảnh giác và quan tâm trong thời gian tới.
Vấn đề dân tộc và tôn giáo là hai lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, việc giải quyết vấn đề dân tộc phải đặt trong mối quan hệ vơi vấn đề tôn giáo và ngược lại. Bởi thực tế đây là hai vấn đề rất nhạy cảm và đồng bào DTTS phần đông có tín ngưỡng và tôn giáo. Tính đến tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh có 05 tôn giáo có đông tín đồ là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài và Hòa hảo với 230.357 tín đồ, chiếm khoảng 42% dân số toàn tỉnh (trong đó có 174.621 tín đồ là đồng bào DTTS). Đây cũng là lĩnh vực mà các thế lực thù địch luôn dùng mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo trong việc chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Kết luận số 65-KL/TW ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, nêu rõ “ Kiên trì thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc trong Nghị quyết 24 và các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII; xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị”. Do vậy, trong thời gian đến, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
1. Thực hiện nghiêm túc Văn bản số 981-CV/TU ngày 17-01-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới; Kết luận số 1202-KL/TU ngày 21-5-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU ngày 02-4-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.
2. Triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp số 4626/QCPH-UBND-UBMT ngày 29/12/2023 giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
3. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”; Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 18-3-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “về tăng cường lãnh đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân xoá bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh”.
4. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chính sách đặc thù đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh bảo đảm hiệu quả, tiến độ đề ra.
5. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dân tộc; phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tỉnh uỷ Kon Tum (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025).
2. Tỉnh uỷ Kon Tum (2020), Văn bản số 981-CV/TU ngày 17-01-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới.
3. Tỉnh uỷ Kon Tum (2023), Kết luận số 1202-KL/TU ngày 21-5-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tổng kết thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 02-4-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
4. Trần Trung (2017), Công tác dân tộc trong quá trình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX.
5. Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum (2020), Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, năm 2019 trên địa bàn tỉnh.
6. Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum (2023), Báo cáo số 180/BC-UBND ngày 14/6/2023 về triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
7. Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum (2023), Quyết định số 654/QĐ- UBND ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum, phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023.
8. Sở Nội vụ (2023), Công văn số 1601/SNV-TG ngày 26 tháng 6 năm 2023 của Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum về việc phối hợp cung cấp số liệu.
9. Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum (2024), Báo cáo số 64/BC-BDT, ngày 05 tháng 4 năm 2024 về Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hà Hồng Duy
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.