banner
Thứ 6, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045
25-3-2022

Để cụ thể hóa Kết luận số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Ngày 28 tháng 01 năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ III/2019

Mục tiêu tổng quát là: Ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của Vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng phát triển. Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của Nhân dân, chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển. Đẩy mạnh phát triển đồng bộ các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xóa bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu, đồng thời bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp đặc trưng của các dân tộc. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%. Tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%. 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số. Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (hoặc câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.

Mục tiêu đến năm 2030: Tăng trưởng kinh tế bình quân các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt tối thiểu từ 6,0 đến 6,5%/năm. Thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Năng suất lao động xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tăng bình quân 6,5%/năm. Chỉ số phát triển con người là người dân tộc thiểu số thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (HDI) đạt trên 0,69. Tuổi thọ trung bình người dân tộc thiểu số đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35 - 40%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hằng năm thu hút 3% lao động sang làm việc các ngành, nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đến năm 2030 có 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ. Trên 95% cán bộ, công chức cấp xã của Vùng có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó trên 70% có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên; trên 90% được bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo 4 nhóm đối tượng. Phấn đấu có 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa. Xóa tình trạng nhà ở đơn sơ, nhà thiếu kiên cố; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái. Trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào dân tộc thiểu số. Quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Góp phần duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của cả nước đạt tối thiểu 42%. Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tầm nhìn đến năm 2045: Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt trên 1/2 bình quân chung của cả nước. Cơ bản không còn hộ nghèo; người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Chiến lược cũng đặt ra 02 nhóm nhiệm vụ để thực hiện đó là nhóm nhiệm vụ đột phá với 7 nội dung chính, nhóm nhiệm vụ chủ yếu với 8 nội dung chính như:

Về phát triển kinh tế: Tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển mạnh kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân, gắn sản xuất với chế biến, kết nối thị trường, tạo chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với đặc thù của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Về phát triển giáo dục - đào tạo: Rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo lộ trình hợp lý, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng củng cố và phát triển hợp lý số lượng, chất lượng, quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học phù hợp nhu cầu và điều kiện thực tế địa phương…

Về y tế và dân số: ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế, dân số có chất lượng cho đồng bào; giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường hướng dẫn, truyền thông về bình đẳng giới, tác hại của tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; thí điểm các mô hình, tiến tới nhân rộng các cơ sở y tế kết hợp quân - dân y để khám bệnh, chữa bệnh cho người dân…

Cùng với đó là thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm tạo ra sự đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa Việt Nam; công tác quốc phòng, an ninh; công tác đối ngoại; củng cố hệ thống chính trị cơ sở…

Đồng thời Chiến lược cũng đưa ra 5 nhóm giải pháp để thực hiện như: nâng cao nhận thức về công tác dân tộc; đảm bảo nguồn lực thực hiện Chiến lược công tác dân tộc; đổi mới việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc; kiện toàn bộ máy, đổi mới hoạt động và nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, chương trình, chính sách thực hiện Chiến lược công tác dân tộc.

Tại Nghị định này cơ quan Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược; bảo đảm việc lồng ghép thực hiện các mục tiêu của Chiến lược công tác dân tộc với các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030; kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của Trung ương và địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022…; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch bố trí nguồn lực tổ chức thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn quản lý; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác dân tộc và nội dung, nhiệm vụ của Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2025.

Để triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Nguyễn Thị Thanh Phước

Số lượt xem:5779
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

Chung nhan Tin Nhiem Mang


4619285 Tổng số người truy cập: 49 Số người online:
Phát triển:TNC