Trong thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực, triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc, qua đó đã cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng y tế, giáo dục, công nghệ thông tin..., tỉnh đã chú trọng triển khai các đề án, dự án, chính sách để “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”. Công tác tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe, giới tính, hôn nhân, gia đình, hệ quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được tăng cường, đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua sách báo, tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu,... đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ảnh: Ban Dân tộc tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân, dân số và gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ văn hóa, cán bộ các cấp tại cơ sở, người uy tín, tuyên truyền viên pháp luật tại huyện Tu Mơ Rông, năm 2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 1052/KH-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Công văn số 888/UBND-KGVX ngày 29 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉn; Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Văn bản số 851/UBND-KGVX ngày 14/3/2024 về tăng cường công tác triển khai thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum; chỉ đạo Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; rà soát tổng hợp tình hình trẻ em dưới 18 tuổi hiện đang làm mẹ đơn thân và đề xuất giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng nêu trên tại tại phiên họp Ủy ban nhân dân tỉnh thường kỳ tháng 02 năm 2024 theo Thông báo số 67/TB-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo đó, Ban Dân tộc đã tham mưu Văn bản số 618/BDT-TTĐB ngày 23/5/2024 gửi UBND các huyện, thành phố triển khai nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo Thông báo số 67/TB-UBND và yêu cầu các huyện, thành phố báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm trước 15/6, báo cáo năm trước 15/12 về Ban Dân tộc tổng hợp gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Dân tộc theo quy định.
Theo số liệu thống kê của các huyện, thành phố tính từ ngày 01/01/2024 đến 31/6/2024 trên địa bàn tỉnh tổng số cặp kết hôn kể cả sống chung với nhau như vợ chồng là 1.872 cặp. Trong đó đủ tuổi 1.825 cặp; Có 28 trường hợp tảo hôn vợ hoặc chồng chiếm 1,5% giảm 54 trường hợp so với năm 2023; có 19 cặp tảo hôn cả vợ cả chồng chiếm 1% giảm 7 cặp so với năm 2023; có 119 trường hợp số phụ nữ DTTS sinh con dưới 18 tuổi giảm 68 trường hợp so với năm 2023; Không có trường hợp kết hôn cận huyết thống.
Trong thời gian tới, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong thời gian tới cần có một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và phát huy vai trò trách nhiệm của già làng, trưởng thôn, người có uy tín, ông mai, bà mối trong cộng đồng; lồng ghép các hoạt động can thiệp và ngăn chặn hết sức kịp thời các trường hợp có biểu hiện tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tích cực xây dựng các gương điển hình trong công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để tạo sức lan tỏa.
Thứ hai: Phát huy vai trò của cán bộ, công chức trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành Luật hôn nhân và gia đình, nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, huyện, xã đến từng thôn, tổ dân phố.
Thứ ba: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại, hệ lụy của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các cháu học sinh, đưa nội dung tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa của các Trường Trung học cơ sở, Trường Trung học phổ thông để nhằm nâng cao nhận thức của các cháu học sinh.
Thứ tư: Chỉ đạo các đơn vị, địa phương xử lý nghiêm các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và hộ gia đình cá nhân không chấp hành, cố tình vi phạm để cho con em cưới tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trái quy định của pháp luật.
Thứ năm: Tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả các Mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại địa phương. Nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng.
Thứ sáu: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt thông tin, tăng cường quản lý và xử lý vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua việc quản lý chặt chẽ nhân khẩu trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, can thiệp đối với các cặp chưa đủ tuổi kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng.
Rơ Châm Lê
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.