Trong 1,5 ngày từ ngày 30 tháng 6 năm 2023, đồng chí Đinh Quốc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tham dự Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai Chương trình giai đoạn 2026-2030 do Ủy ban Dân tộc phối hợp cùng Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tham dự Hội nghị, Hội thảo; về phía tỉnh Kon Tum có đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Kon Tum: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các huyện: Kon Plông, Đăk Glei, Tu Mơ Rông.
Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Quang Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Y Vinh Tơr, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Dân tộc, các sở, ban, ngành thuộc 17 tỉnh miền trung, Tây Nguyên.
Qua đánh giá của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Dân tộc, sau 3 năm thực hiện Chương trình đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các nguồn lực, chính sách của chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm. Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc và các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đã thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực.
Tại Hội thảo, đồng chí Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tỉnh đã có phát biểu tham luận. Theo đó, tại tỉnh Kon Tum đã chủ động và kịp thời trong công tác rà soát, xác định mục tiêu, đối tượng, nội dung, hoạt động, danh mục đầu tư, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn và nhu cầu thực tế của địa phương, đặc điểm của đơn vị để xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện thông qua các hoạt động cụ thể như: hỗ trợ cho các đối tượng được thụ hưởng thuộc Chương trình; các hoạt động về hội thảo, hội thi tìm hiểu pháp luật, hội nghị tập huấn, hội nghị biểu dương; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Chương trình. Ước đến 30 tháng 6 năm 2023, giải ngân kế hoạch năm 2022 được 367.611 triệu đồng, đạt 78% dự toán Trung ương giao; giải ngân kế hoạch năm 2023 được 164.240 triệu đồng, đạt 20%.
Đồng chí Đinh Quốc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum phát biểu ý kiến tham luận tại Hội thảo
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình gặp một số khó khăn, vướng mắc chung của cả nước như giao vốn chậm, hệ thống văn bản quy định về cơ chế chính sách và hướng dẫn thực hiện Chương trình chậm ban hành. Tỉnh Kon Tum còn có các khó khăn, vướng mắc cụ thể như: Việc phân bổ vốn theo lĩnh vực chi sự nghiệp (y tế, giáo dục, văn hoá, kinh tế...) chưa phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương, làm giảm tính chủ động trong việc phân bổ nguồn kinh phí và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình; Một số Dự án, Tiểu dự án (như Tiểu dự án 1 là Dự án 3; Tiểu dự án 3, Dự án 5) Trung ương giao vốn các năm 2022, 2023 lớn so với nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ chi theo đối tượng, nội dung thực tế của địa phương nên gặp khó khăn trong việc đảm bảo hoàn thành giải ngân kinh phí được giao. Vì vậy, đề nghị Uỷ ban Dân tộc kiến nghị với cấp có thẩm quyền cho điều chuyển kinh phí thực hiện các nội dung không thực hiện do không có đối tượng, nhiệm vụ chi sang nội dung khác có khả năng giải ngân hoặc giảm dự toán kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương một số dự án, tiểu dự án nêu trên; Trùng lắp về đối tượng, địa bàn và nội dung thực hiện giữa các chương trình mục tiêu quốc gia như giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Ngoài ra tại Hội thảo, tỉnh Kon Tum đề xuất quan điểm, định hướng xây dựng Chương trình giai đoạn 2026-2030: Xây dựng Chương trình trên cơ sở đánh giá, làm rõ kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện Chương trình trong 03 năm (2021-2023) để rà soát rà soát lại mục tiêu cụ thể, làm căn cứ xác định đối tượng thụ hưởng, nội dung đầu tư, hỗ trợ và nguồn lực thực hiện Chương trình phù hợp với tình hình cụ thể của từng khu vực, vùng miền. Xây dựng tiêu chí tổng hợp phân định vùng dân tộc thiểu số làm căn cứ để xác định đối tượng, phạm vi của chương trình theo hướng mở rộng địa bàn, mở rộng đối tượng thụ hưởng, nâng cao định mức đầu tư, hỗ trợ phù hợp với thực tế. Sắp xếp lại nội dung 10 dự án thành phần của Chương trình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Dân tộc để đảm bảo cho các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả. Chương trình cần thiết kế các Dự án, Tiểu dự án thành phần khoa học hơn về địa bàn, đối tượng thụ hưởng theo hướng mở cho cả nhóm xã mới thoát khỏi diện dặc biệt khó khăn; cần có tiêu chí đặc thù ưu tiên về phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho vùng còn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù và điều kiện kinh tế của từng địa phương.
Nguyễn Thanh Hưng
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.