Kon Tum là một tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên là một tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao, với dân số toàn tỉnh năm 2023 có 597.033 người, trong đó DTTS 357.800 người, chiếm 59,93% so với dân số toàn tỉnh; với 43 dân tộc cùng sinh sống; trong đó có 07 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm. Năm 2023, toàn tỉnh còn 10.220 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,84% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) là 9.716 hộ. Hộ cận nghèo toàn tỉnh còn 6.568 hộ, chiếm tỷ lệ 4,39% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó hộ cận nghèo DTTS là 5.867 hộ.
Trong thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực, triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc, qua đó đã cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng y tế, giáo dục, công nghệ thông tin..., tỉnh đã chú trọng triển khai các đề án, dự án, chính sách để “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”. Công tác tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe, giới tính, hôn nhân, gia đình, hệ quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được tăng cường, đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua sách báo, tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu,... đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ảnh: Xã Đăk Ring, huyện Kon Plong thực hiện cam kết nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Toàn tỉnh xây dựng mới và duy trì 10 mô hình điểm về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS tại các xã thuộc 07 huyện, thành phố. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, tỷ lệ tảo hôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố tình tình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm 2023 toàn tỉnh có 3.371 cặp kết hôn (kể cả các cặp sống chung với nhau như vợ chồng). Trong đó, có 3.263 cặp đủ tuổi kết hôn và 26 cặp cả vợ và chồng tảo hôn chiếm 0,8%; có 82 trường hợp có vợ hoặc chồng tảo hôn chiếm tỷ lệ 2,4% và 187 trường hợp phụ nữ sinh con dưới 18 tuổi; Tỷ lệ các cặp tảo hôn so với tổng số cặp kết hôn chiếm 3,2% giảm 2,8 % so với năm 2022; không có kết hôn cận huyết thống.
Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số đạt mục tiêu Giảm bình quân 02% -03%/năm số cặp tảo hôn và 03% -05%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc đã phối hợp với các đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện thành phố tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ…; tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp thực hiện các nội dung thuộc Tiểu dự án 2, dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền; các ngành, đoàn thể chính trị-xã hội, già làng, trưởng thôn, người có uy tín và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện thông tin, tuyên truyền liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, dân số….Trong năm 2023 kết quả triển khai các nội dung đạt được một số kết quả nhất định như: tổ chức 04 hội thi tìm hiểu kiến thức, pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với hơn 500 người tham gia dự thi và hàng ngàn khán giả tham gia xem và cổ vũ; Xây dựng Bảo dưỡng thay bạt và làm mới 09 panô tuyên truyền tại các huyện Đăk Tô, Đăk Hà, Kon Rẫy, Kon Plong, Ngọc Hổi, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Đăk Glei và Thành phố Kon Tum; Xây dựng 190 cái khẩu hiệu tuyên truyền, 14.000 tờ rơi, 300 cuốn sổ tay về phòng chống tảo hôn và HNCHT để cấp phát cho các thôn, xã trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Đài phát thanh Truyền tỉnh xây dựng Phóng sự ngắn tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Phối hợp với Sở Y tế tổ chức 08 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân, dân số và gia đình cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật xã, thôn với 560 đại biểu tham dự là cán bộ không hưởng lương (cán bộ không chuyên trách cấp xã và cán bộ thôn) với 4 chuyên đề gồm các nội dung như khái niệm -Thực trạng tảo hôn -hôn nhân cận huyết thống; Vai trò của cán bộ cấp xã, thôn trong việc truyền thông chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số..; Kiến thức và kỹ năng truyền thông vềgiảm thiểu tình trạng tảo hôn -hôn nhân cận huyết thống; Pháp luật về hôn nhân gia đình, tảo hôn -hôn nhân cận huyết thống; kỹ năng truyền thông, vận động tư vấn pháp luật vềtảo hôn-HNCHT tại cơ sở. Tổ chức 01 đợt đưa đoàn đại biểu là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, huyện, xã, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Miền Trung với 34 người tham gia.
Ảnh: Ban Dân tộc tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và HNCH tại huyện Đăk Hà năm 2023
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 2023 tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn xảy ra một số tồn tại, hạn chế như:
Tình trạng tảo hôn, phụ nữ sinh con dưới 18 tuổi vẫn còn xảy ra đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực, thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức của người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên về Luật hôn nhân và gia đình, sức khỏe sinh sản còn hạn chế; Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở cơ sở chưa thật sự hiệu quả, đặc biệt là công tác tuyên truyền về vấn đề dân số và kế hoạch hoá gia đình; sự can thiệp từ phía chính quyền cấp xã ở một số nơi đối với các trường hợp tảo hôn chưa thật sự mạnh mẽ.
Đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, chưa am hiểu về pháp luật và hậu quả nặng nề từ việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Một bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn tư tưởng kết hôn, sinh con sớm, sinh nhiều con để có người lao động.
Một số cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa quyết liệt và thực hiện chưa hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; có nơi chưa kịp thời phát hiện sớm các trường hợp có ý định tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn; có nơi còn lúng túng trong việc xử lý vi phạm, xử lý chưa nghiêm theo quy định của pháp luật và hương ước, quy ước thôn làng; thống kê số liệu tảo hôn, phụ nữ sinh con dưới 18 tuổi chưa đầy đủ; chưa có các giải pháp can thiệp toàn diện, bền vững để phòng ngừa và xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa phương.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian tới, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Đề án. Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Văn bản số 851/UBND-KGVX ngày 14 tháng 03 năm 2024, yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt một số nội dung sau:
Đối với các đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ: tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Kế hoạch số 1052/KH-UBND ngày 01 tháng 4 năm 20211 ; Văn bản số 888/UBND-KGVX ngày 29 tháng 3 năm 20222; Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 20223 và các Văn bản có liên quan. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.
Tiếp tục phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường cung cấp thông tin, truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng, nhất là địa bàn vùng DTTS, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Thường xuyên đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán và nhận thức của đồng bào các DTTS. Nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, đảm bảo ngắn gọn, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện đến cán bộ, người dân, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu, làm thay đổi nếp nghĩ cách làm, ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên bám sát cơ sở, theo dõi, nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện các cặp chưa đủ tuổi kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng và các trường hợp mẹ đơn thân sinh con dưới 18 tuổi, từ đó có các biện pháp tuyên truyền, vận động, can thiệp và xử lý theo quy định của pháp luật, hương ước, quy ước thôn làng (đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ tảo hôn và sinh con dưới 18 tuổi cao). Triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình điểm “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các xã.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, thống kê đầy đủ các cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các trường hợp sinh con dưới 18 tuổi trên địa bàn, định kỳ báo cáo6 về Ban Dân tộc để theo dõi, tổng hợp báo cáo chung.
Đối với Ban Dân tộc: Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện; định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Dân tộc theo quy định.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, các chủ trương, chính sách về dân tộc và nội dung Đề án ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh; tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.
Rơ Châm Lê
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.