Phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Hội nghị giải pháp phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum
Kon Tum là tỉnh miền núi có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn trên 902.000 ha đất quy hoạch cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; là một trong những tỉnh có tài nguyên thiên nhiên phong phú; khí hậu, thổ nhưỡng, rừng núi, sông suối phân bổ đa dạng ở hai vùng Đông và Tây Trưởng Sơn; có nhiều dân tộc sinh sống với truyền thống cách mạng và văn hóa truyền thống đặc sắc. Vì lẽ đó mà xuất hiện nhiều đặc sản quý mang tính đặc trưng và có tính truyền thống được truyền giữ qua nhiều thế hệ, tập trung chủ yếu là các sản phẩm từ nông nghiệp, dược liệu được khai thác từ thiên nhiên và sản phẩm do người xưa tự chế biến, truyền lại cho các thế hệ hôm nay, được người dân và thực khách trong nước và quốc tế ưu chuộng, nhiều sản phẩm đã có tiếng từ lâu, có thương hiệu trong dân gian như: rượu cần, gà nướng, cơm lam… Đặc biệt là các loại cây dược liệu như: Sâm Ngọc Linh, Hồng đảng sâm và các loại dược liệu quý hiếm khác.
Các sản phẩm đặc trưng của đồng bào các dân tộc ở Kon Tum
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Chương trình OCOP đang là bước đi quan trọng để các địa phương trong tỉnh thực hiện thắng lợi trong xây dựng nông thôn mới. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, Chương trình đã lan rộng đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo ra hàng trăm sản phẩm hàng hóa có giá trị, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết.
Kon Tum đã ban hành Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. Nhờ sự nỗ lực của người dân địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và sự quan tâm của lãnh đạo, các cơ quan chuyên môn của tỉnh trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, chứng nhận bảo hộ… Qua đó nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm truyền thống của tỉnh đã có bước phát triển đáng ghi nhận.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 148 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó: 01 sản phẩm được Trung ương công nhận đạt 5 sao cấp Quốc gia, 20 sản phẩm đạt 4 sao và 127 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm thuộc các bộ sản phẩm rau, củ, quả tươi; chế biến từ gạo, ngũ cốc; chế biến từ thịt, trứng, sữa; các sản phẩm từ trà; đồ uống có cồn; nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; đồ uống không cồn khác; thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, thuốc y học cổ truyền; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Các sản phẩm đặc trưng của xã Văn Lem, huyện Đăk Tô
Các sản phẩm đặc trưng của xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã mạnh dạn thử sức, đầu tư để đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng, giá trị cao (Như: Các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Khổ qua rừng, Trà Khổ qau rừng DATO, cà phê sạch nguyên chất Rạng Đông, Trà sâm dây Ngọc Linh Đăk Tô, Cao sâm dây Phượng Hoang, Trà sâm lạc tiên ĐAKTO, Trà gừng…). Với việc được công nhận OCOP, các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đã từng bước “gắn sao” trong lòng người tiêu dùng, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các sản phẩm dược liệu: Sâm dây, Đinh lăng, Trà sâm…
Tuy nhiên, khó khăn trong việc phát triển sảm phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình là về cơ sở vật chất, nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ sản xuất, nguồn nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ, nguồn nhân lực và năng lực quản trị, nên vấn đề phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Để khơi dậy tiềm năng sẵn có của các địa phương, các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP ở Kon Tum được giữ gìn và phát triển, sản xuất thành hàng hóa, có giá trị cao, đưa ra thị trường được người tiêu dùng lựa chọn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân, góp phần đổi mới và phát triển kinh tế nông thôn. Cần có cơ chế chính sách ưu tiên phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP bảo đảm chất lượng thông qua các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất để đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại nguồn lợi kinh tế cho các chủ thể, người dân; định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực của từng địa phương để có chỉ dẫn địa lý; gắn kết vùng sản xuất sản phẩm đặc trưng với các loại hình du lịch (du lịch trải nghiệm, sinh thái, sức khỏe, thư giãn…); hình thành vùng chuyên canh sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, nâng cao sản xuất theo hướng sản xuất an toàn, chế biến tinh; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ, khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến; thu hút nhà doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOIP.
U Minh Nam
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.