Trong chuyến đi công tác cùng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để thực hiện phóng sự “Nâng cao vai trò của đội ngũ già làng trong vùng dân tộc và miền núi” trên địa bàn huyện Đăk Tô, chúng tôi được anh Lê Thanh Hùng, cán bộ phòng Dân tộc huyện và Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Dương giới thiệu về già làng A Bem, người dân tộc Xơ Đăng, hiện đang cư trú tại làng Đăk Tăng, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô. Theo giới thiệu của các anh thì già làng A Bem là người hiểu biết chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; làm kinh tế giỏi; nuôi dạy con cái học hành đàng hoàng, là tấm gương mẫu mực để dân làng nghe theo, làm theo.
Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Tụ Lê Văn Dương cùng Già làng A Bem, thôn Đăk Tăng, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô cùng các hộ dân trong thôn (Ảnh: baokontum.com.vn).
Sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, năm 16 tuổi, ông xung phong đi bộ đội, làm công tác dân vận ở cơ sở; rồi được trực tiếp cầm súng chiến đấu ở khắp chiến trường Tây Nguyên. Những năm tháng ác liệt của chiến tranh, A Bem đã được kết nạp đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trở về sau chiến tranh, phẩm chất bộ đội cụ Hồ luôn in đậm và lan tỏa trong tâm hồn, tính cách và việc làm của già làng A Bem. Ông luôn vận động bà con dân làng phải biết tự lực, tự cường vươn lên xây dựng làng quê hương ngày một khởi sắc, không được trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Năm 1999, sau khi dời làng cũ ở xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông xuống làng Đăk Tăng, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô sinh sống, già làng A Bem được bà con dân làng tín nhiệm bầu chọn làm già làng. 18 năm qua, già làng A Bem không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình mà còn là một trong những già làng tiêu biểu của huyện Đăk Tô với nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xóa đói giảm nghèo, xây dựng thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển.
Đến nay, sau 18 năm chuyển đến làng mới nhưng làng Đăk Tăng đã có nhiều khởi sắc, được đánh giá là một trong những thôn phát triển mạnh về mọi mặt của xã Ngọc Tụ. Đến năm 2016, toàn thôn có 77 hộ dân, trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm 97,4%, nhưng Đăk Tăng là 01 trong 02 thôn đã thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn của toàn xã Ngọc Tụ
Có được thành tựu trên đó là trong thời gian vừa qua các hộ dân trong thôn luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như mạnh dạn, đi đầu thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sinh đẻ có kế hoạch, giúp nhau giảm nghèo… Nổi bật của Đăk Tăng đó là nhiều năm nay thôn không có tình trạng sinh con thứ 3; chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; cả thôn phát triển được gần 55 ha cao su, 20 ha cà phê, 41 ha bời lời, 21 ha lúa nước 2 vụ và đàn gia súc, gia cầm hơn 700 con; không còn tình trạng nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,08%, 97,5% gia đình đạt văn hóa, 9 năm liền thôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa. Trong thôn, xuất hiện nhiều mô hình người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế giỏi với thu nhập 40 – 50 triệu đồng/năm.
Đánh giá về sự phát triển của thôn Đăk Tăng, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Tụ, Lê Văn Dương cho rằng trong thời gian qua luôn có sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn; sự quan tâm sâu sát cơ sở của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc định hướng phát triển kinh tế và sự nỗ lực chính bản thân mỗi người dân trong thôn, trong đó có vai trò của già làng A Bem luôn là tấm gương sáng để bà con dân làng nhìn vào đó học hỏi và làm theo.
Không chỉ tạo được uy tín, bản thân và gia đình già làng A Bem còn làm kinh tế giỏi ở Đăk Tăng. Những năm đầu làm kinh tế gia đình ông cũng chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như lúa rẫy, lúa ruộng, mỳ nhưng với đức tính cần cù lao động, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi các loại cây trồng, vật nuôi mới; nhờ tìm hiểu qua sách, báo, truyền hình và sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông, khuyến lâm xã, huyện và sự hỗ trợ của các chương trình, chính sách và tự đóng góp thêm của hộ, gia đình ông và các hộ dân khác trong xã đã biết trồng các loại cây công nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao như: Cao su, cà phê, bời lời và chăn nuôi gia súc. Đến nay 5 đứa con của ông đều đã tốt nghiệp đại học, trung cấp (4 đại học, 1 trung cấp). Dù các con đã ở riêng, nhưng hàng ngày, già vẫn chăn nuôi bò, nuôi cá, chăm sóc 1,5 ha cao su, 1 ha mì, 2 sào lúa để không dựa dẫm vào con cháu. Ngoài ra, gia đình ông còn giúp các hộ khó khăn trong thôn về vốn, phân bón, cây, con giống, kỹ thuật trồng trọt.
Bí thư Chi bộ thôn Đăk Tăng A Ngọc nói “Mỗi khi làm công tác tuyên truyền, vận động, già làng A Bem là người luôn luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân; những gì dân hiểu chưa đúng, già chịu khó giải thích để dân hiểu rõ hơn; những vấn đề thấy chính quyền giải quyết chưa thỏa đáng, đích thân già phản ánh lại với thôn, xã để tìm hướng giải quyết cho dân. Từ chỗ tháo gỡ những bức xúc trong dân, tiếng nói của già làng càng uy tín hơn”.
Tuy đã bước sang tuổi 84 nhưng nhìn ánh mắt, nụ cười, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát chúng tôi tin rằng trong thời gian tới già làng A Bem sẽ tiếp tục phát huy tốt vị trí, vai trò của mình và luôn gương mẫu trong các lĩnh vực. Với suy nghĩ “mình làm được thì mình nói bà con mới nghe theo” già làng A Bem cho biết sẽ cố gắng hết sức mình đến khi không còn sức khỏe nữa mới thôi để xứng đáng với sự tin yêu của bà con dân làng. Với những thành tích đã đạt được, gia đình già làng A Bem được công nhận “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, bản thân ông được nhận huy hiệu 45 năm tuổi Đảng và nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp.
Nguyễn Thanh Hưng
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.