Đối với hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc, năm 1993 được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 72/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Dân tộc - Định canh định cư - Kinh tế mới trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có chức năng, nhiệm vụ khảo sát, lập quy hoạch tổng thể và xây dựng kế hoạch hàng năm về công tác Định canh định cư - Kinh tế mới, lập dự án định canh định cư - kinh tế mới, đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện định canh định cư ổn định sản xuất và nâng cao đời sống. Trải qua thời gian từ năm 1993 - 2015, cơ quan công tác dân tộc tỉnh Kon Tum đã 7 lần thay đổi tên cơ quan, sáp nhập, biến động về cơ cấu tổ chức, nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Dân tộc, sự phối kết hợp các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, sự phấn đấu nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số, Cơ quan công tác dân tộc tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi cơ bản bức tranh vùng dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp hình lưu niệm với đại biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ nhất, năm 2009
Về kinh tế: Trong những năm đầu thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như cả nước, Kon Tum gặp nhiều khó khăn trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế; thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra trên địa bàn vùng dân tộc. Nhưng những năm qua, cơ cấu kinh tế tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản từ 48,93% năm 1995, xuống còn còn 24,37% năm 2020; tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp-xây dựng từ 13% năm 1995 lên 28,86% năm 2020; thương mại dịch vụ từ 28,63% năm 1995 lên 39,61% năm 2020; thu nhập bình quân đầu tăng từ 138,3 USD/người năm 1995 lên 1.990 USD/người năm 2020.
Tỉnh đã tập trung huy động và sử dung có hiệu quả mọi nguồn lực trong toàn xã hội đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để đáp ứng phần lớn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Mạng lưới giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã, liên thôn thường xuyên được tu bổ, nâng cấp và xây dựng nhiều tuyến đột phá để khai thác những vùng chuyên canh cây công nghiệp, các vùng đất mới đầy tiềm năng như tuyến đường Mường Hoong - Ngọc Linh; Ngọc Hồi - Dốc Muối nối với quốc lộ 18B - Lào qua cửa khẩu Bờ Y; đường vào các xã và các tuyến nội thành, nội thị trấn; các tuyến kết nối giao thông giữa các xã vùng II, vùng III được cải thiện nâng cao; Quốc lộ 24; Quốc lộ 14C; đường Hồ Chí Minh… Đến năm 2020, đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 98%; tỷ lệ km đường thôn xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đạt 57%; 100% số xã có trường học kiên cố, 100% các huyện, thành phố có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng; tỷ lệ dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh hiện nay đạt trên 89%; 100% xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, trên 100% số thôn, đã có điện, trên 99,3% số hộ đã sử dụng điện thắp sáng; có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã nông thôn mới ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế và giảm nghèo, nâng cao cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, công tác xóa đói, giảm nghèo, cải thiện, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng, quan tâm. Tỉnh ủy đã chỉ đạo vận động tốt và hiệu quả các chương trình quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện nghèo, các xã khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả, đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều hộ làm kinh tế giỏi, tỷ lệ hộ đói, nghèo năm 1995 là 53,7%, đến năm 2020 còn 13,62% hộ nghèo; toàn tỉnh đã giải quyết xong số hộ đói kinh niên. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chiếm 24,93% so với số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh.
Các cấp, các ngành đã nỗ lực vận động các hộ đồng bào dân tộc thiểu số định canh định cư, ổn định lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội; vận động di dân, tái định cư thực hiện các dự án thủy điện lớn và di dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Qua cuộc vận động định canh định cư xây dựng cuộc sống mới ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới, việc giãn dân, tách hộ, lập vườn đã tạo nên những chuyển biến đáng kể ở các xã: Đăk Môn, Mường Hoong, Đăk Man, Đăk Blô (huyện Đăk Glei); Sa Loong, Bờ Y (huyện Ngọc Hồi); Đăk Pxi, Đăk Hring (huyện Đăk Hà); Đăk Tờ Kan, Ngọc Tụ, Pô Kô, (huyện Đăk Tô); Măng Cành (huyện Kon Plông); Tân Lập, Đăk Tờ Re, Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy); Rờ Kơi (huyện Sa Thầy); hoàn thành công tác di dân tái định cư xây dựng các công trình thủy điện: Ya Ly, Plei Krông…
Với các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có nhiều chuyển biến quan trọng và đạt được nhiều kết quả: cơ cấu cây trồng, vật nuôi dần chuyển dịch đúng hướng, nhiều loại cây trồng như cao su, cà phê, bời lời, keo lai… Hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp tập trung như cao su, cà phê ở các huyện: Đăk Hà, Ngọc Hồi, Đăk Tô, thành phố Kon Tum; cây mía ở thành phố Kon Tum và một số vùng lân cận; cây mì (sắn) ở huyện Sa Thầy; cây ăn quả như ở huyện Kon Plông, Sa Thầy; đặc biệt, hình thành và phát triển thương hiệu Sâm Ngọc Linh thành thương hiệu “Quốc Bảo” tại huyện Tu Mơ Rông.
Cùng với việc phát triển kinh tế, tỉnh Kon Tum đẩy mạnh các chính sách về văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Về văn hóa: Trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đổi mới mạnh mẽ, với làn sóng văn hóa, thông tin ồ ạt từ nhiều kênh khác nhau đã đặt văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung, các dân tộc tại chỗ tỉnh Kon Tum nói riêng trước những cơ hội cũng như thách thức mới. Nghị quyết các Đại hội của Đảng bộ tỉnh Kon Tum từ khóa XI đến khóa XV đều nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hoá tương ứng với sự nghiệp chung; đồng thời, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về lĩnh vực văn hóa; Chương trình hành động số 67/CTr-TU, ngày 07/10/1998 về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) đến năm 2000 và những năm tiếp theo. Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UB về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Chỉ thị 21/CT-UB ngày 25/11/1999 về việc khôi phục và xây dựng Nhà Rông truyền thống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Dân tộc Brâu, Rơ Măm tham gia Hội diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội
Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời các cấp ủy Đảng, sự nghiệp văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh có bước tiến triển tích cực. Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư, khôi phục, bảo tồn và phát triển như: phục dựng các lễ hội tiêu biểu của dân tộc thiểu số trên cơ sở nguyên gốc, nguyên bản do già làng và cộng đồng các dân tộc thiểu số tự làm; Bảo tồn Di sản Nhà Rông của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; khôi phục nghệ thuật diễn xướng sử thi, diễn tấu cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc; trình diễn các thể loại dân ca dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Chiêng Tha (dân tộc Brâu) Chiêng Xơ Teng (dân tộc Xơ Đăng - nhánh Xơ Teng), Chiêng Nỉ (dân tộc Giẻ-Triêng), Chiêng Buar (dân tộc Xơ Đăng - nhánh Tơ Đrá); hát KĐọ (dân tộc Giẻ-Triêng), hát Rơ Nghê, Tin Tin (dân tộc Xơ Đăng, Ba Na). Có nhiều nghệ nhân dân gian của tỉnh đã được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân dân gian.
Công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong đời sống dân cư. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn từng bước được cải thiện và nâng cao. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được triển khai mạnh mẽ. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được đẩy mạnh và phát triển, thành tích thi đấu các môn thể thao dân tộc ngày càng có sự tiến bộ và nâng cao, đóng góp tích cực vào thành tích thể thao của tỉnh trong những năm qua. Cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể thao ở các huyện từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng.
Công tác cử tuyển, được các cấp các ngành xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo cán bộ cho tỉnh. Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm giải quyết việc làm cho số học sinh người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhất là đối với số sinh viên cử tuyển; đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn ưu tiên tiếp nhận con em người đồng bào dân tộc thiểu số vào làm việc lâu dài. Sinh viên cử tuyển chủ yếu là người dân tộc thiểu số sau khi ra trường yên tâm công tác tại địa phương.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở ngày càng được quan tâm hơn; công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ về xã để kiện toàn các chức danh còn thiếu và yếu; trình độ học vấn, trình độ chính trị, chuyên môn ngày càng được nâng lên; đã khắc phục cơ bản tình trạng hẫng hụt cán bộ nữ, cán bộ trẻ, người dân tộc thiểu số ở cơ sở. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo (thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý) là người dân tộc thiểu số cấp tỉnh có 38/73 người (chiếm 52,05%); cấp huyện (trừ Công an, Quân sự, Biên phòng) có 38/137 người (chiếm 27,74%). Cán bộ lãnh đạo là nữ cấp tỉnh có 35/73 người (chiếm 47,95%); cấp huyện có 25/137 người (chiếm 18,25%).
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng sử dụng cán bộ làm công tác dân tộc đã được tỉnh quan tâm, chú trọng, chỉ đạo sâu sát, kịp thời cả trước mắt và lâu dài. Chú trọng lựa chọn những cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng phân tích, dự báo tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch giữ các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh.
Về giáo dục đào tạo: Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI - tháng 5/1997) đã đề ra chương trình hành động để phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ trên toàn tỉnh. Tiếp đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 (tháng 8/1998) đã đánh giá quá trình phát triển giáo dục đào tạo. Bên cạnh việc khẳng định những kết quả đạt được, Hội nghị cũng chỉ ra những yếu kém: Chất lượng giáo dục nhìn chung chưa cao, nhất là giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; vẫn còn nhiều biểu hiện tiêu cực trong giáo dục; lực lượng giáo viên đạt chuẩn còn chưa nhiều và chưa đào tạo được lực lượng nòng cốt tiên phong. Thực hiện các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển giáo dục đào tạo để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội trong tỉnh nói chung và trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng phát triển nhanh và bền vững.
Nhằm tạo ra bước phát triển mới về chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 03-12-2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2008- 2015”. Công tác phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến lớp đạt 99,8%; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi suy dinh dưỡng giảm đáng kể; học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông xếp loại hạnh kiểm khá tốt, học lực khá giỏi ngày càng tăng; số lượng học sinh dân tộc thiểu số trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng nhiều. Hệ thống trường, lớp được chú trọng mở rộng; hệ thống trường phổ thông chuyên biệt dành cho học sinh dân tộc thiểu số phát triển mạnh... qua đó, giúp huy động tối đa học sinh ra lớp, nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh, tạo điều kiện cho các trường tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo của tỉnh nói chung, trong đó có chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở vật chất phục vụ dạy học được quan tâm đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng về số lượng học sinh; thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đổi mới phương pháp dạy học bậc mầm non, phổ thông; phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng; những bất cập trong cơ cấu, định mức giáo viên/lớp đã dần được khắc phục; tỷ lệ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên có trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn ngày càng tăng, cơ bản đáp ứng nhu cầu quản lý, dạy học. Tỉnh Kon Tum được công nhận đạt chuẩn quốc gia chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học năm 2000, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở năm 2009, hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi năm 2015; chất lượng giáo dục cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và học sinh giỏi quốc gia có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU vẫn còn một số nội dung tồn tại: Việc duy trì sĩ số học sinh dân tộc thiểu số ở một số địa phương chưa đảm bảo, thiếu ổn định; tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số 3-5 tuổi suy dinh dưỡng còn cao; chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số còn thấp so với mặt bằng của học sinh toàn tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận học sinh và cha mẹ học sinh chuyển biến còn chậm; sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, cha mẹ học sinh với nhà trường chưa thật sự hiệu quả; một bộ phận giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn về bằng cấp đào tạo nhưng năng lực giảng dạy thực tiễn còn hạn chế. Vì vậy, ngày 23-8-2016, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020.
Về chăm sóc sức khỏe nhân dân: Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai sâu rộng các chủ trương của Đảng, các Nghị quyết, chương trình hành động về chính sách y tế, đảm bảo cho mọi người dân được chăm sóc tối thiểu với mức chung của cả nước. Giải quyết từng bước về vấn đề sức khỏe và tổ chức quản lý có thứ tự ưu tiên dựa trên từng vùng, từng địa phương khác nhau. Tranh thủ mọi thời cơ và nguồn lực để tăng cường đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế, đặc biệt ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên canh đó, Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh tập trung sâu sát, quan tâm đầu tư thêm kinh phí cho y tế để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 82 xã được công nhận Bộ tiêu chí Quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020; công tác thực hiện các chính sách y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm; đồng bào nghèo dân tộc thiểu số được khám chữa bênh miễn phí; công tác đào tạo nhân viên y tế thôn, làng là người dân tộc thiểu số được chú trọng; có 100% số thôn, làng có cộng tác viên y tế được đào tạo từ 3-6 tháng. Phong trào vệ sinh phòng bệnh được quan tâm, đã khống chế và đẩy lùi các dịch bệnh nguy hiểm ở vùng dân tộc thiểu số như sốt rét, bướu cổ cơ bản được khống chế, giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng.
Quốc phòng, an ninh: Chủ trương mở cửa giao lưu, hội nhập đã tạo cho đất nước có những thuận lợi để phát triển, song ở địa phương, tình hình dân tộc, tôn giáo cũng trở nên phức tạp. Các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề “Dân tộc”, “Tôn giáo”, “Nhân quyền” để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chia rẽ đoàn kết dân tộc, phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trước tình hình trên, Tỉnh ủy luôn chú trọng đến công tác quốc phòng, an ninh, giữ vũng ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác xây dựng phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, làm tốt chính trị nội bộ và địa bàn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc lãnh đạo thực hiện các mục tiêu qua các giai đoạn từ năm 1991-2020. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng vũ trang công an, quân sự, biên phòng xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phương án tác chiến phòng thủ, bảo vệ an ninh trong mọi tình huống.
Tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, nhất là an ninh biên giới cơ bản được giữ vững. Các lực lượng vũ trang trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi, nắm tình hình an ninh trên tuyến biên giới và nội địa, đẩy mạnh các hoạt động phòng chống tội phạm. Chủ động nắm bắt thông tin, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp chỉ đạo, giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở; đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo trái phép.
Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận tức, tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh phòng chống có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, phản động; ngăn chặn và đẩy lùi âm mưu kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang Campuchia, phát triển tôn giáo trái pháp luật. Chú trọng xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng chính trị, nghiệp vụ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng dân quân tự vệ, dự bị, động viên ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo tỷ lệ, số lượng, chất lượng. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân tiếp tục được xây dựng và củng cố. Tổ chức và phân công cán bộ, đảng viên thường xuyên sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, xây dựng cốt cán, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vong của đồng bào dân tộc thiểu số, phản ánh các phát sinh bức xúc, nổi cộm ở cơ sở để có sự lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được ổn định và giữ vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác tăng cường cán bộ lực lượng quân đội, biên phòng tham gia xây dựng chính quyền cơ sở nơi biên giới, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tham gia thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh, quốc phòng; tôn tạo, tăng dày mốc giới tuyến biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum với các tỉnh Sêkông và Attapư (nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào) và tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia).
Quan hệ hợp tác với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia tiếp tục được duy trì, mở rộng, đặc biệt là về phối hợp trao đổi thông tin, nắm tình hình về an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, hợp tác kinh tế, thương mại, bảo vệ biên giới, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia ổn định và phát triển toàn diện. Các hoạt động xâm canh, xâm cư qua biên giới, di dân tự do được ta và bạn phối hợp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả.
Hệ thống chính trị ở nông thôn ngày càng được củng cố và có bước phát triển quan trọng: các tổ chức cơ sở đảng ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng; triển khai quyết liệt Đề án xóa thôn, làng chưa có đảng viên đến năm 2010, tiến tới xóa thôn, làng chưa có tổ chức Đảng. Hiện nay, đã có 100% thôn, làng trong toàn tỉnh có đảng viên và 98% thôn, làng có tổ chức Đảng.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở được chăm lo tốt hơn. Công tác chính trị, tư tưởng được tăng cường. Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được triển khai sâu và bước đầu thu được nhiều kết quả. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hệ thống tổ chức Đảng tiếp tục được củng cố và phát triển. Tỉnh ủy đã ra kết luận và tích cực chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác phát triển Đảng được quan tâm, trong đó chú trọng phát triển đảng viên trẻ tuổi, nữ, trí thức, dân tộc thiểu số.
Công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp cải tiến hơn, quyết liệt hơn, tập trung hơn, cụ thể hơn; quan tâm xử lý những vấn đề nổi lên trong từng thời gian; tăng cường phân công, phân cấp, quyền chủ động cho các ngành, các cấp; trình độ cán bộ tại chỗ được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động vươn lên hoàn thảnh chức năng, nhiệm vụ của mình, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các phong trào thi đua yêu nước. Chất lượng hoạt động của hệ thống mạng lưới tổ chức cơ sở, tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên được nâng lên. Đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, đoàn thể ngày càng được chuẩn hóa.
Thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gần 30 năm tái lập tỉnh Kon Tum, vùng dân tộc thiểu số Kon Tum đã có những bước phát triển, đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; quyền bình đẳng giữa các dân tộc được thực hiện đầy đủ, toàn diện hơn; tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được tăng cường; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tiếp tục được chú trọng đầu tư; kinh tế phát triển theo chiều hướng tích cực và đúng hướng; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa có nhiều tiến bộ; truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được tôn trọng và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức bộ máy làm Cơ quan công tác dân tộc được kiện toàn, củng cố; công tác đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc được quan tâm hơn; năng lực tham mưu, quản lý của cơ quan làm công tác dân tộc được nâng lên rõ rệt; sự phối kết hợp giữa cơ quan làm công tác dân tộc với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cơ sở ngày càng chặt chẽ. Những kết quả đạt được của cơ quan công tác dân tộc đồng thời cũng là kết quả của sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự ủng hộ, cổ vũ của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà và sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh./.
Nguyễn Thị Thanh Phước
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.