Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân huyện Đăk Tô
Qua kết quả 04 năm (2016-2019) được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, nhiều chủ trương, chính sách đã được đầu tư hỗ trợ trên địa bàn các huyện nghèo, các xã thôn đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn. Việc triển khai thực hiện Chương trình luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, sự phối hợp tuyên truyền của mặt trận, các đoàn thể, sự nhiệt tình, đồng thuận tham gia đóng góp và thực hiện của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Quá trình tổ chức thực hiện đều có sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương; từ cấp tỉnh đến cấp huyện và sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì với các Sở, ban ngành liên quan trong quá trình xây dựng kế hoạch phân bổ vốn, hướng dẫn thực hiện, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo vùng DTTS; kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu thông thương, trao đổi hàng hóa vùng đồng bào DTTS; tỷ lệ hộ đồng bào DTTS được sử dụng mạng lưới điện quốc gia, sử dụng nước hợp vệ sinh, có nhà ở kiên cố, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, ... được tăng lên đáng kể, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống, phát triển sản xuất, ổn định an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc. Trong giai đoạn 2016-2018, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kon Tum và sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong tổ chức, triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã tạo được sự chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả giảm nghèo,
(i) Về các mục tiêu, chỉ tiêu: Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động; Tiếp tục hoàn thiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn. Kết quả, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã là 80,4%; 100% xã có trạm y tế, có đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 89,96%; 100% các huyện, thành phố có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân. Có 160 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; ước thực hiện đến cuối năm 2019 là 178 trường; 89% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm trên địa bàn; 98% đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 57% tỷ lệ km đường thôn xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; 100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua báo chí, các xuất bản phẩm và phương tiện truyền thông khác; tổ chức đào tạo nghề lao động nông thôn đạt trên kế hoạch năm; Về công tác giảm nghèo: Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,74%/năm (từ 26,11% vào cuối năm 2015 xuống còn 13,26% vào cuối năm 2019) và bình quân tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 2,5%/năm.
(ii) Các dự án thành phần: Chương trình 30a: Về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo với tổng kinh phí 649.866 triệu đồng, đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh tại các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh đã góp phần mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như: Hệ thống đường giao thông trên địa bàn các xã được nâng cấp, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa. Các công trình thủy lợi, hệ thống cấp thoát nước được xây dựng, hệ thống trường lớp học được đầu tư, sửa chữa, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và học tập của người dân trong vùng; Về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với kinh phí bố trí 128.854 triệu đồng để thực hiện mua vắc xin tiêm phòng thực hiện Chương trình quốc gia lở mồm, long móng; thực hiện các nhiệm vụ về giao khoán, bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với các nội dung được hỗ trợ như cây giống lương thực (giống lúa, ngô); cây công nghiệp (cây cà phê, keo lai); gia cầm, gia súc; hỗ trợ làm chuồng trại, xây dựng các mô hình chuồng trâu, bò; vật tư (phân bón các loại, thuốc BVTV); hỗ trợ máy móc, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất. Nhìn chung, các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân, được Nhân dân đồng tình tham gia hưởng ứng; Chương trình 135: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đã thực hiện đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, điện, nước sinh hoạt... góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm đáp ứng và phục vụ nhu cầu giao thương, sản xuất và sinh hoạt của người dân . Việc đầu tư các công trình đầu tư xây dựng đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người dân, khi hoàn thành đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả, bảo đảm chất lượng và phục vụ lợi ích thiết thực cho vùng hưởng lợi, được người dân đồng tình tham gia ủng hộ; Hỗ trợ phát triển sản xuất đã thực hiện hỗ trợ trên 10 nghìn lượt hộ nghèo thụ hưởng với các nội dung, như: cây giống lương thực (giống lúa, ngô); cây công nghiệp (cây cà phê, keo lai); gia cầm, gia súc; hỗ trợ làm chuồng trại, xây dựng các mô hình chuồng trâu, bò; vật tư (phân bón các loại, thuốc BVTV); hỗ trợ máy móc, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất ... đã góp phần chuyển đổi mạnh về cơ cấu kinh tế cho nhân dân, đặc biệt là giúp người dân về kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, thực tế qua các năm trên địa bàn tỉnh tập trung hỗ trợ các loại cây giống như cao su, cà phê, bời lời, giống lúa năng xuất cao..., các loại con giống như trâu, bò, lợn dê đã mang lại hiệu quả về kinh tế; Thông qua việc hỗ trợ của dự án đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân vùng dự án, thâm canh tăng vụ và phát triển mạnh các loại cây trồng hàng hóa và thực hiện các mô hình về sản xuất và chăn nuôi; Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở: Đã tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng cho 6.423 lượt người tham gia. Qua đó, đã từng bước góp phần nâng cao trình độ, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cấp xã thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 và các chương trình, chính sách dân tộc đang triển khai tại địa phương; Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, với tổng kinh phí thực hiện dự án là 5.121 triệu đồng đã xây dựng 04 dự án, tiếp tục duy trì 04 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo... Các địa phương đã triển khai thực hiện dự án theo quy trình, tiến hành họp dân, lập danh sách đối tượng tham gia dự án và hoàn thiện hồ sơ có sự cam kết của người dân khi tham gia dự án. Dự án đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương cung ứng cho người dân giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật,... góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân, nhằm thể chế hóa cơ chế hỗ trợ trọn gói, tối đa hóa nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo tại cấp xã để đảm bảo giảm nghèo bền vững, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; Dự án 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, với kinh phí được trung ương bố trí 9.158 triệu đồng để thực hiện hoạt động truyền thông về giảm nghèo và giảm nghèo về thông tin. Các đơn vị, địa phương đã phối hợp thực hiện các phóng sự, tin bài, in panô, tờ gấp truyền thông về giảm nghèo và tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở làm công tác thông tin và truyền thông; Dự án 5: Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá, kinh phí Trung ương hỗ trợ 3676 triệu đồng để thực hiện nhiệm vụ nâng cao năng lực và giám sát đánh giá thực hiện Chương trình đã tổ chức 04 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, huyện và đội ngũ cộng tác viên giảm nghèo cấp xã. Qua đó, giúp cho đội ngũ thực hiện công tác giảm nghèo nâng cao kiến thức và kỹ năng tổ chức, thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo.
Bên cạnh những kết qả đạt được, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia còn tồn tại khó khăn như: Hiện nay, có nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo dẫn đến nguồn lực không tập trung, chồng chéo, bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao, chưa rõ nét; việc chậm hướng dẫn, sửa đổi một số chính sách đã gây khó khăn cho các địa phương trong việc tổ chức thực hiện; Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất còn gặp khó khăn; quỹ đất của các địa phương rất hạn chế, với mức đầu tư của các chính sách còn thấp, không đủ để giải quyết nhu cầu thiếu đất ở, đất sản xuất của các hộ DTTS nghèo; Huy động các nguồn lực khác còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; Đội ngũ giáo viên bậc tiểu học và bậc mầm non hiện nay còn thiếu nhiều so với định mức quy định, gây không ít khó khăn trong công tác dạy học ở các bậc học này, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian tới cần đề ra các giải pháp sau:
Một là, tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi; bảo đảm cho người dân vùng DTTS được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách mà Đảng và Nhà nước đã ban hành, gắn với triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3-4%/năm.
Hai là, đối với các chương trình, dự án đầu tư: Đầu tư phải gắn liền với quy hoạch khu dân cư và phát triển sản xuất, hướng mạnh về phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; tiếp tục đầu tư phát triển các ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (đan lát, dệt thổ cẩm…) gắn với du lịch, dịch vụ.
Ba là, tập trung đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống, gắn với giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù họp với điều kiện lợi thế từng địa bàn vùng dân tộc và miền núi; mở rộng quy mô sản xuất một số cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Bốn là, Tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện tốt các Chương trình, chính sách hiện hành trên địa bàn để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Năm là, các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc hỗ trợ phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các thôn, làng vùng DTTS theo tinh thần Nghị quyết số 04 ngày 19/8/2016 của Tỉnh ủy Kon Tum khóa XV về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới.
Nguyễn Xuân Lộc
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.