Toàn huyện có 26.460 khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 85,40%, tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 là 32,55% so với tổng số hộ trên địa bàn toàn huyện. Tuy là 01 trong 03 vùng kinh tế động lực của tỉnh nhưng đa số người dân sống bằng nghề nông, mặt bằng dân trí còn thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao... nên việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Với đặc thù như trên, ngay từ đầu năm UBND huyện đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Dân tộc phối hợp với các phòng, ban có liên quan; UBND các xã chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao về công tác dân tộc trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chính sách đặc thù do tỉnh Kon Tum ban hành. Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh; giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Đoàn tham quan học tập Chương trình 135 tỉnh Quảng Nam tham quan học tập mô hình trồng cây dược liệu (Đương quy, Hồng Đẳng Sâm) tại xã Đăk Long, huyện KonPlong năm 2018
Trong năm 2018, Thực hiện Chương trình 135, UBND huyện đã ưu tiên lựa chọn đầu tư xây dựng 28 công trình cơ sở hạ tầng tại các thôn, làng đặc biệt khó khăn (9 công trình giao thông, 18 nhà văn hóa thôn và 01 công trình thủy lợi), hỗ trợ 939 lượt hộ dân phát triển sản xuất với các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao như: cà phê, bời lời, hồng đẳng sâm, giống cỏ; hỗ trợ các loại vật nuôi (lợn, dê, trâu, bò, gà vịt...), hỗ trợ làm chuồng trại và triển khai 02 mô hình trồng cây đương quy, cà phê, sa nhân, ngô lấy thân; tổ chức duy tu bảo dưỡng 9 công trình kịp thời đưa vào sử dụng có hiệu quả. Tổng kinh phí thực hiện là 11.323 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao. Đến nay về cơ bản các xã đã được UBND huyện phân cấp hoặc phân cấp một phần làm chủ đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất theo đúng quy định. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo Quyết định 102/TTg với kinh phí thực hiện gần 699,9 triệu đồng với 7.416 khẩu thụ hưởng đạt 100% kế hoạch giao (số khẩu thuộc khu vực II: 901 khẩu, số khẩu khu vực III: 6.245 khẩu); kịp thời hỗ trợ các loại giống, cây trồng đúng thời vụ, với các nội dung như: 7.146 kg giống ngô, 46.418 kg muối I ốt. Thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS theo Quyết định 12/2018, ngày từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Dân tộc phối hợp với Công an huyện, Ban Dân vận huyện ủy, UBMTTQ Việt Nam huyện; các phòng, ban có liên quan và UBND các xã thị trấn tổ chức rà soát, bình chọn và được cấp có thẩm quyền công nhận 108 người có uy tín trên địa bàn. Để tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách trong thời gian qua huyện đã cử hàng trăm lượt người có uy tín tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín; tổ chức thăm hỏi, động viên vật chất cho 199 lượt người. Trong đó, thăm hỏi tết DTTS: 108 người, thăm hỏi ốm đau: 35 người, thăm hỏi khó khăn do hậu quả thiên tai: 54 người, thăm viếng khi người có uy tín qua đời: 02 người, kinh phí thực hiện 150 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao. Qua đó đã kịp thời động viên, khích lệ người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chủ trương của địa phương. Triển khai xây dựng Đề án thực hiện Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 2085/TTg, kinh phí cấp để khai hoang, cải tạo đất sản xuất và hỗ trợ vốn vay tín dụng là 3,000 triệu đồng cho 73 lượt hộ, đến nay thực hiện đạt 100% kế hoạch giao. Số lượng báo, tạp chí đã cấp theo Quyết định 59/TTg trên địa bàn huyện là 51.886 tờ báo, tạp chí các loại. Nhìn chung đạt yêu cầu về chất lượng, các loại báo, tạp chí đều được cấp phát đến tay người đọc ở 9 xã trên địa bàn huyện. Triển khai Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS theo Quyết định 498/TTg, UBND huyện đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề tuyên truyền vận động tại hai mô hình điểm tại xã Ngọc Tem, Đăk Nên và Trường PTDT Nội trú huyện Konplong. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ tảo hôn trong vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn huyện.
Với sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự điều hành quyết liệt của UBND huyện KonPlong, đồng thời với nguồn lực quan trọng từ các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 32,55% năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2018, 100% xã có đường giao thông cho xe cơ giới đến tận trung tâm xã, 100% xã có điện lưới quốc gia, 100% xã có trường lớp kiên cố; các thôn, làng có nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú đã kịp thời động viên, khích lệ tinh thần học tập và hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh là con em đồng bào DTTS đến trường, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn với 7/33 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Duy trì bền vững ở 9/9 xã đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học phổ thông, 100% số xã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Kết quả cho thấy, số lượng cũng như chất lượng học sinh là người DTTS ngày càng được nâng cao. Các Chương trình MTQG về y tế được triển khai thường xuyên. Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động y tế được tăng cường đã góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đến nay tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện đạt 95,8%, 100% thôn, làng có cộng tác viên làm công tác y tế. Toàn huyện công nhận 4.295 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa cho, 69/89 thôn, làng được công nhận thôn văn hóa, trong đó có 564 lượt hộ được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu. Tổ chức các hoạt động trong chuỗn sự kiện tuần lễ văn hóa- du lịch huyện KonPlong lần thứ V năm 2018 như; tổ chức trình diễn nghệ thuật đường phố, biểu diễn cồng chiêng, ca nhạc, đi cà kheo... góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện công tác dân tộc vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: trình độ dân trí của người dân vùng dân tộc và miền núi còn hạn chế, mặc dù thường xuyên được hướng dẫn hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, vật tư nông nghiệp, giống có giá trị kinh tế cao nhưng việc tiếp thu và áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả chưa cao; đến nay vẫn còn hộ gia đình sử dụng giống địa phương để sản xuất nông nghiệp. Việc cấp phát và sử dụng báo, tạp chí hiệu quả chưa cao, có nơi việc cấp phát còn chậm; phần lớn các xã chưa xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, chưa có phương án tổ chức tuyên truyền, phổ biến, chuyển tải các nội dung để phát huy tính hiệu quả về phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Để triển khai thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn huyện trong thời gian tới đạt hiệu quả, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để cán bộ và quần chúng nhân dân các dân tộc nhận thức sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nhất là các chính sách về dân tộc, góp phần lớn trong thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc.
Hai là, Tập trung chỉ đạo và đôn đốc triển khai thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của các chương tình, chính sách trên địa bàn huyện.
Ba là, Thường xuyên theo dõi tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của đồng bào trên mọi lĩnh vực như về sản xuất và đời sống, lao động và việc làm, về tình hình an ninh trật tự xã hội trong vùng đồng bào DTTS. Qua đó kịp thời tham mưu, đề xuất với các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ những bức xúc khó khăn, ổn định đời sống và an ninh trật tự.
Bốn là, Tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề bức xúc như: giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các địa bàn khó khăn; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS. Phát huy các thế mạnh của huyện như: chăn nuôi gia súc (trâu, bò) gắn với công tác giao khoán và bảo vệ rừng bền vững.
Năm là, Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc; Chỉ thị 14-CT/TU ngày 2/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum gắn với việc nâng cao vai trò tham mưu của phòng Dân tộc cấp huyện và từng bước củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác kiêm nhiệm dân tộc cấp xã; xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng DTTS như già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ.
Sáu là, Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc gắn với các phong trào thi đua thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chính sách dân tộc; có tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, qua đó biểu dương những cơ quan, đơn vị và cán bộ làm tốt, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh và kiên quyết xử lý nghiêm những ngành, đơn vị, cá nhân làm chưa tốt hoặc có vi phạm chế độ, chính sách.
Bảy là, Tham mưu tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Konplong lần thứ III năm 2019.
Nguyễn Thanh Hưng
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.