Ảnh minh họa
Ngọc Hồi là huyện miền núi, ngã ba biên giới, phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum, huyện có 07 xã và 01 thị trấn, trong đó có 05 xã biên giới với 76 thôn, tổ dân phố; diện tích tự nhiên của huyện là 84.377,22 ha. Tính đến năm 2018 toàn huyện có 57.775 người, dân tộc thiểu số chiếm 57% số dân trên toàn huyện.
Với đặc thù là một huyện miền núi, có đông người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều. Đời sống kinh tế - xã hội, điều kiện học tập và chăm sóc sức khỏe người dân sống trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, huyện đã ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, góp phần đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân nhất là người đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn huyện.
Trong những năm qua được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, nhiều chủ trương chính sách đã được đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn tỉnh nói chung và trên địa bàn huyện Ngọc Hồi nói riêng nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể của huyện, sự hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức xã hội… trên địa bàn huyện đã đồng loạt triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc nhằm đầu tư, hỗ trợ cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần xoá đói giảm nghèo, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Kết quả được thể hiện qua các mặt, cụ thể sau:
(i) Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm còn 7,09% (giảm 4,35% so với năm 2015). Đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện không ngừng được cải thiện và nâng cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số;
(ii) Kết cấu hạ tầng, có 7/7 xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành Đề án quy hoạch chung và đề án xây dựng nông thôn mới; 100% xã có đường nhựa đến Uỷ ban nhân dân xã, 100% các thôn có đường ô tô đi đến được; 100% xã cơ bản có hệ thống thủy lợi đáp ứng đủ nhu cầu về tưới tiêu trong sản xuất; trên 90% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã, thôn có điện lưới; 100% thôn, làng có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã đạt chuẩn;
(iii) Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được triển khai tích cực. Đến nay, đã giải quyết việc làm cho 204 lao động; đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn là 848 lao động;
(iv) Giáo dục: Trường lớp học được mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn; công tác huy động học sinh ra lớp đạt kết quả tích cực như Cấp học Mầm non: Nhà trẻ 484/2986, tỷ lệ 15.5%; Mẫu giáo 4053/4454, tỷ lệ 90.2%; Cấp học tiểu học, tỷ lệ ra lớp: 6162/6162, tỷ lệ 100%; Cấp học THCS, tỷ lệ ra lớp: 3679/3719, tỷ lệ 98.92%; ổn định nền nếp dạy và học ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán. Toàn huyện có 20/36 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 56%);
(v) Y tế: Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trước và sau tết Nguyên đán được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện; đã phối hợp tổ chức nói chuyện trực tiếp cho hơn 841 đối tượng về cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, lựa chọn thực phẩm sạch,...Công tác khám chữa bệnh thường xuyên duy trì tốt. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã ghi nhận 05 trường hợp sốt xuất huyết, thủy đậu 25 trường hợp, tiêu chảy 01 trường hợp, Tay chân miệng 05 trường hợp, lao 03 trường hợp, quai bị 05 trường hợp. Không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm.
(vi) Văn hóa - thể thao, thông tin - truyền thông: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm tổ chức thực hiện đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Tổ chức tuyên truyền các ngày lể lớn của đất nước, của tỉnh như tuyên truyền mừng Đảng mừng Xuân 2018, kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/02,Ngày giải phóng tỉnh Kon Tum 16/3, tuyên truyền vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị; phòng, chống cháy rừng; phòng chống ma túy; học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến. Tham gia Đại hội thể dục thể thao tỉnh Kon Tum lần thứ VI năm 2018 đạt kết quả cao như đạt được 05 huy chương vàng; 10 huy chương bạc và 10 huy chương đồng; Xếp thứ 3/17 đoàn tham gia của tỉnh; Hệ thống công nghệ thông tin ngày được hoàn thiện và mở rộng, phát huy tốt hiệu quả. Trang thông tin điện tử huyện cập nhật và phản ánh, cập nhật hơn 300 văn bản các loại để kịp thời các thông tin chỉ đạo điều hành, các hoạt động của Lãnh đạo huyện trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Chương trình trang tin địa phương được duy trì đảm bảo thời lượng và chất lượng.
(vii) An ninh trật tự: Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục được duy trì ổn định. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn quản lý tốt địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ có lúc, có việc chưa tốt. Công tác kiểm tra, đôn đốc của các cơ quan chức năng chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời; Về cơ chế, chính sách: Định mức thực hiện việc hỗ trợ từ chính sách là khá thấp, đến nay không còn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; Về nội dung chính sách, các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách thường áp dụng chung cho cả nước hoặc theo vùng miền, nên khi áp dụng vào thực tế tại địa phương, còn mang tính hình thức, chưa thật sự phù hợp với điều kiện thực tế cũng như nhu cầu của từng dân tộc, từng vùng. Một số, văn bản hướng dẫn ban hành chậm hoặc khi ban hành thì đã cuối giai đoạn thực hiện đề án; Điều kiện kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân; trình độ văn hóa của người dân phát triển chưa đồng đều, chưa đáp ứng với yêu cầu đề ra; đối tượng tham gia các dự án là những hộ khó khăn, nguồn lực tham gia vào dự án rất hạn chế; Giá cả các mặt hàng tăng cao, định mức hỗ trợ thấp so với giá các mặt hàng trong những năm gần đây; công tác phối hợp tuyên truyền đến đối tượng hiệu quả chưa cao; ngân sách địa phương bố trí để lồng ghép vào các dự án còn hạn hẹp.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc những năm tới, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân về các phong trào thi đua yêu nước, công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các gương điển hình tiêu biểu của đồng bào các dân tộc trong học tập, lao động sản xuất nhằm tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi; tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên đầu tư giảm nghèo bền vững, giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện.
Nguyễn Xuân Lộc
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.