Từ năm 2016 đến nay, Ban Dân tộc tiếp tục duy trì mô hình điểm tại 02 làng (Làng Xộp, dân tộc Gia Rai và Làng Le, dân tộc Rơ Măm) nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận đoàn thể trên địa bàn xã; Đẩy mạnh tuyên truyền vận động sự tham gia của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện bình đẳng giới. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, vận động, tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thay đổi hành vi về bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ về bất bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho các tầng lớp nhân dân bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực; bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới; đồng thời, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua việc duy trì Mô hình trong hai năm qua đã đem lại hiệu quả thiết thực và đạt được những kết quả nhất định như: Ban Dân tộc đã tổ chức 01 đợt tập huấn tại xã Mô Rai về lồng ghép các nội dung tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ với tuyên truyền Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 -2020 cho các đối tượng là các thành viên trong tổ tư vấn cố định tại thôn và thành viên là cán bộ xã; các đối tượng là đồng bào DTTS, nam, nữ là người DTTS từ 16 tuổi trở lên với 60 người tham gia; Tổ chức 01 buổi tọa đàm, rút kinh nghiệm thực hiện mô hình gồm các đại biểu tham dự là các thành viên trong Tổ tư vấn hỗ trợ bình đẳng giới của thôn với 40 người tham gia; tổ chức 01 Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác dịch vụ tư vấn cho các đối tượng là các thành viên trong tổ tư vấn cố định (gồm Bí thư chi bộ, Già làng, Trưởng thôn, Chi Hội phụ nữ thôn) và thành viên là cán bộ xã với 45 người tham gia. Bên cạnh đó, bằng những thông điệp về bình đẳng giới không những được tuyên truyền tại 02 thôn, làng mà còn tác động tích cực trên địa bàn xã thông qua việc tuyên truyền bằng panô, áp phích, băng rôn, chiếu phim, sách song ngữ tiếng Kinh và Gia Rai hỏi đáp về bình đẳng giới, Luật hôn nhân gia đình... Qua đó, Ban Dân tộc đã xây dựng được 17 băng rôn tuyên truyền các nội dung về bình đẳng giới treo tại UBND xã, tại địa điểm tư vấn cố định của 2 làng, tại nhà rông của thôn; Thiết kế xây dựng 01 pa nô tại Ủy ban nhân dân xã Mô Rai và 04 áp phích tại 02 làng đề thông tin địa điểm tư vấn cố định, thành phần tổ tư vấn, nội dung tư vấn tại mỗi làng để nhân dân trong làng biết, tích cực tham gia hưởng ứng. Ngoài ra, Tổ tư vấn cố định đã tổ chức cung cấp thông tin, kiến thức về công tác bình đẳng giới tại địa phương, tư vấn các vấn đề phòng chống bạo lực giới và bạo lực gia đình, tảo hôn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, vị trí và vai trò của phụ nữ; tư vấn, hòa giải cho các hộ gia đình khi có vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày và thông qua các buổi họp thôn về vai trò, vị trí của phụ nữ, về hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, hướng dẫn cách làm ăn để phát riển kinh tế gia đình,...cho 108 đối tượng.
Các hoạt động của mô hình tổ chức tuyên truyền, phổ biến bằng những thông điệp về bình đẳng giới, hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bạo lực gia đình, các hình thức xử phạt khi vi phạm về bình đẳng giới... đã đến được với vùng sâu, vùng xa, người dân ở 2 làng thực hiện mô hình nói riêng và người dân trên địa bàn xã nói chung; từng bước nâng cao nhận thức trong nhân dân, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ xã, các già làng, trưởng thôn, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó góp phần vào việc thực hiện tốt công tác bình đẳng giới tại xã vùng sâu vùng xa, vùng ĐBKK.
Buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về bình đẳng giới tại xã
Nhìn chung, việc duy trì Mô hình thí điểm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại xã Mô Rai đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ tỉnh, Sở Lao động Thương binh và xã hội. Công tác tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện đa dạng về hình thức, có hiệu quả, từng bước đưa Luật Bình đẳng giới vào cuộc sống và nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ. Từ đó đã tác động tích cực vào tư tưởng của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ một số khó khăn và hạn chế đó là: Sự phối hợp giữa các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn xã để triển khai thực hiện đôi lúc chưa đi vào chiều sâu; nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn hẹp nên rất khó khăn trong việc triển khai thực hiện; bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu trực tiếp ảnh hưởng đến bình đẳng giới như: Tình trạng tảo hôn trên toàn xã vẫn còn, chủ yếu học sinh chưa đủ tuổi kết hôn, phân biệt đối xử giữa nam và nữ, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ học vấn của đồng bào DTTS còn hạn chế, giao thông đi lại khó khăn vì vậy người dân ít có cơ hội tiếp cận với kiến thức về giới, về lĩnh vực hôn nhân, gia đình của các cấp, các ngành; vì vậy, rất khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, mới chỉ thực hiện việc duy trì mô hình từ trước đến nay, chưa nhân rộng được mô hình ở các thôn, làng khác.
Để phát huy hơn nữa vai trò của Mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy trong thời gian tới cần quan tâm phối hợp tuyên truyền, quán triệt cho đội ngũ các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận đoàn thể trên địa bàn xã, các thành viên trong tổ tư vấn cố định tại thôn, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số về Luật Bình đẳng giới, Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04/6/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới và Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; Kiện toàn tổ tư vấn cố định tại thôn. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về giới, bình đẳng giới và pháp luật về bình đẳng giới. Trong đó, cần chú trọng giải thích để mọi người cùng nhận thức đúng, cùng hiểu sự yêu thương, trân trọng, tình yêu, tình nghĩa vợ chồng, đồng nghiệp, cần được bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất của mỗi người theo phương châm tôn trọng nhau: “mình vì mọi người, mọi người vì mình” và tiếp tục nhân rộng các mô hình thực hiện hiệu quả Luật Bình đẳng giới. Tiếp tục phối hợp với các ngành trong việc tuyên truyền, vận động để mọi người cùng dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho phụ nữ và trẻ em gái vốn được coi là yếu thế hơn do có sự khác biệt đặc thù, thông qua hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí minh”, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.... Chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới…Đồng thời, đề nghị Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh quan tâm hơn nữa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới; trong đó quan tâm đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về bình đẳng giới là cán bộ dân tộc, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
Rơ Châm Lê
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.