Trong thời gian qua việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 và các chương trình, chính sách liên quan của Trung ương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được sự quan tâm, chỉ đạo, quản lý điều hành kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh; công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến của Mặt trận, các đoàn thể; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan và sự đồng tình hưởng ứng của Nhân dân.
Do đó, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chính sách xã hội tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả nhất định: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị bình quân là 0,58%/năm; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn bình quân là 0,12%/năm; Thu nhập bình quân của hộ nghèo năm 2011 là 357.500 đồng/người/tháng đến năm 2021 là 644.000đồng/người/tháng, bình quân tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giai đoạn 2010-2015 giảm 4,11%/năm; giai đoạn 2015-2021 giảm 6,78%/năm; 1.333.288 lượt người dân tộc thiểu số sống vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hỗ trợ đóng, cấp thẻ Bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,60%; thực hiện cải thiện nhà ở cho 2.037 hộ nghèo; triển khai xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đã góp phần tăng tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2021 đạt 91,1%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình nông thôn là đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85,9%.
Một trong những nhiệm vụ, nội dung của Nghị quyết số 15-NQ/TW là về giáo dục, chính sách giáo dục và đào tạo được triển khai thực hiện cũng đạt được những thành tựu quan trọng Tỷ lệ trẻ dân tộc thiểu dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt 7,37% , tỷ lệ trẻ dân tộc thiểu số 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 90,8%, tỷ lệ trẻ dân tộc thiểu số 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,92%, Tỷ lệ trẻ dân tộc thiểu số trong độ tiểu học vào học tiểu học đạt 99,82%, tốt nghiệp chương trình giáo dục THPT toàn tỉnh 94,91% và đã tổ chức đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên người DTTS 22.361 người; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông có hạnh kiểm, học lực khá giỏi, trung bình trở lên tăng đáng kể. Hệ thống trường chuyên biệt dành cho học sinh dân tộc thiểu số được duy trì phát huy hiệu quả, toàn tỉnh có 42 trường Phổ thông dân tộc bán trú, 60 trường phổ thông có học sinh bán trú.
Bên cạnh những mặt đã đạt được trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn tồn tại như:
- Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tuy giảm qua các năm nhưng chưa thật sự bền vững; vẫn còn phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo mới và hộ tái nghèo. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tuy đã được cải thiện song vẫn còn nhiều khó khăn chưa bảo đảm được mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản.
- Người lao động mất việc làm hàng năm có xu hướng gia tăng, chất lượng đào tạo nghề còn bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu so với yêu cầu triển khai chương trình.
- Chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số còn khoảng cách so với chất lượng giáo dục chung của học sinh toàn tỉnh; chưa đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh, có nơi còn thấp kéo dài và chậm được cải thiện.
- Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn còn thấp; một bộ phận người nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa phát huy tính chủ động để vươn lên thoát nghèo.
Để thực hiện hiệu quả chính sách xã hội trong thời gian tới, cần có những giải pháp như:
Một là: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách xã hội bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, xác định chính sách xã hội chăm lo cho người dân là nhiệm vụ chiến lược, là trách nhiệm thường xuyên và quan trọng của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội nhằm phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp, đoàn kết, "tương thân, tương ái" của dân tộc.
Hai là: Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chính sách xã hội. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách xã hội, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý, khai thác, chia sẻ dữ liệu và thông tin về chính sách xã hội và thực hiện chính sách xã hội.
Ba là: Kết hợp việc bố trí ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội, các dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu cho người dân; trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bốn là: Tăng cường khả năng tiếp cận của các đối tượng chính sách về hệ thống dịch vụ xã hội với hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế, người dân di cư và đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc cộng đồng; phát huy vai trò tham gia của gia đình và cộng đồng dân cư. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác xã hội.
Năm là: Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về chính sách xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trục lợi chính sách xã hội. Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến trong việc thực hiện chính sách xã hội.
Mỹ Hạnh
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.