Là huyện nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum, huyện Kon Plông có 7.623 hộ, hộ dân tộc thiểu số (DTTS) là 6.586 hộ, hộ nghèo 2.744 hộ, chiếm 36% so với tổng số hộ toàn huyện. Vì vậy việc tập trung phát triển kinh tế xã hội, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn luôn được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp huyện Kon PLông hết sức quan tâm trên khai thực hiện.
Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận về chủ trương triển khai Cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Kon Tum (cuộc vận động); Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành các Kế hoạch về việc thực hiện Cuộc vận động tại xã điểm Măng Bút; Kế hoạch thực hiện Kết luận số 08-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai Cuộc vận động; Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện xây dựng Chương trình phối hợp triển khai thực hiện nội dung của Cuộc vận động, phân công nhiệm vụ đối với các tổ chức, cá nhân phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức quán triệt nội dung Kết luận đến toàn thể cán bộ, CC, VC, NLĐ về các mục tiêu, nhiệm vụ của Kết luận; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức cơ sở Đảng xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Mô hình nuôi cá của hộ gia đình ông A Diêu ở thôn Kon Tu Rằng 2, xã Măng Cành, huyện Kon Plông
Qua 02 năm thực hiện cuộc vận động, kết quả như sau:
(i) Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của huyện đã chỉ đạo hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ, kịp thời xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Cuộc vận động; Đồng thời tổ chức ký kết Chương trình phối hợp thực hiện Cuộc vận động giữa các ngành, các cấp. Mỗi ngành theo chức năng nhiệm vụ phối hợp hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ Nhân dân vay vốn, mua cây - con giống, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất …
(ii) Với chức năng nhiệm vụ đã ký kết, các ngành đã chỉ đạo, hướng dẫn cách thức tuyên truyền, về mục đích, nội dung và ý nghĩa của Cuộc vận động phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của từng địa phương, từng khu dân cư bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: thông qua việc cấp 150 Sổ tay tuyên truyền Cuộc vận động cho 76 khu dân cư, tổ dân phố; lồng ghép triển khai nhiều nội dung như: tuyên truyền qua hệ thống phát thanh không dây, cổ động trực quan như băng rôn, pa nô, áp phích; phát tờ rơi thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, qua trang mạng xã hội Zalo, Facebook, các câu lạc bộ, đội nhóm... đã tổ chức tuyên truyền được 120 buổi với trên 41.500 lượt người tham dự tại 76/76 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện; 82 buổi tuyên truyền bằng xe lưu động và đội chiếu bóng lưu động; tại các xã, thị trấn đã niêm yết các nội dung Cuộc vận động tại các nhà văn hóa cộng đồng thôn...
(iii) Cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai xây dựng và thực hiện 55 mô hình, trong đó mô hình duy trì hàng năm là 32 mô hình; mô hình xây dựng mới năm 2023 là 23 mô hình; các mô hình có sự kết hợp giữa tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm gắn với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, trong đó có 12 mô hình tiêu biểu làm cơ sở nhân ra diện rộng.
(iiii) 100% Đảng ủy xã, thị trấn đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động. Có 95% số hộ DTTS được tuyên truyền, phổ biến nội dung Cuộc vận động. Trong đó, số hộ nghèo và cận nghèo 3.253 hộ, đạt 90,4%. Có 1.852 hộ DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ; bỏ dần những hủ tục, phong tục không còn phù hợp; không trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước, tự vươn lên thoát nghèo bền vững, chiếm tỷ lệ 52%. Có 825 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đạt 22,9%. Có 831 hộ DTTS nghèo và cận nghèo có đời sống, vật chất, tinh thần được cải thiện, đạt 23,1% so với tổng số hộ DTTS nghèo, cận nghèo.
Cuộc vận động đã được sự tham gia, hưởng ứng của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện, có sức lan tỏa rộng rãi, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết các cấp ủy đảng đề ra. Cuộc vận động thể hiện sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động giảm nghèo trong đồng bào DTTS, từng bước xóa bỏ hủ tục, phong tục không còn phù hợp, thay đổi cách thức tổ chức trong lao động sản xuất, đổi mới cách suy nghĩ và cách làm, giảm nhiều tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bỏ dần tư tưởng không muốn thoát nghèo và vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình.
Bên cạnh kết quả đạt được còn có một số khó khăn, vướng mắc như sau: Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân từng bước xoá bỏ dần các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao; tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục diễn ra. Một số hộ đồng bào DTTS vẫn còn chậm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tính kỷ luật trong lao động sản xuất chưa cao; chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Một số hộ đồng bào DTTS triển khai ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất vẫn còn chậm; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia hợp tác xã còn thấp (chiếm 5%); đời sống người dân tuy đã có cải thiện, nhưng chất lượng chưa cao, thiếu tính bền vững. Một số mô hình triển khai Cuộc vận động thực hiện còn dàn trải, không duy trì được lâu dài, hiệu quả kinh tế chưa cao, số lượng sản phẩm đạt chất lượng cung ứng ra thị trường còn ít chưa đa dạng và phong phú.
Quá trình thực hiện cuộc vận động rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là: Thường xuyên có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của chính quyền và mặt trận, các đoàn thể xã, thị trấn ở cơ sở trong triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Hai là: Cần xác định đây là Cuộc vận động có ý nghĩa chính trị - xã hội và tính nhân văn sâu sắc nhưng để đạt được mục tiêu đề ra cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Ba là: Tuyên truyền, vận động là khâu quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động nhằm tác động đến ý thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tạo được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia thực hiện; đội ngũ làm công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn phải có kiến thức, sự am hiểu phong tục tập quán và lòng kiên trì, nhiệt huyết, đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì mới thu được kết quả.
Bốn là: Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể xã, thị trấn, thôn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, thống nhất gắn với phương châm thường xuyên, kiên trì, từng bước, làm đến đâu, chắc đến đó, lấy cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, già làng, người có uy tín thực hiện trước để các hộ dân khác noi theo.
Năm là: Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và mặt trận, các tổ chức đoàn thể xã, thị trấn đặc biệt là người đứng đầu trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; thường xuyên gần dân, sát dân, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng Nhân dân cũng như kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh ở thôn, làng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đồng chí cấp ủy viên phụ trách chi bộ, đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ.
Sáu là: Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện; đồng thời phải kịp thời sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, để đề ra nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện cho thời gian tiếp theo.
Nguyễn Thanh Hưng
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.