Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, ở phía Bắc Tây Nguyên, có đường biên giới dài 292,522 km. Diện tích tự nhiên gần 10.000 km2, chiếm khoảng 17,7% diện tích Tây Nguyên và chiếm 3,1% diện tích toàn quốc. Dân số toàn tỉnh khoảng 580 ngàn người, dân tộc thiểu số trên 312 ngàn người chiếm 54,93% với 43 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, có 07 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm. Toàn tỉnh có 09 huyện, 01 thành phố với 102 xã, phường thị trấn, trong đó có 52 xã khu vực III, 05 xã khu vực II, 35 xã khu vực I; có 92/102 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (chiếm 90,2%); 564/756 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 74,6%); 371 thôn (làng) đặc biệt khó khăn; 13 xã biên giới; 03 huyện nghèo: Tu Mơ Rông, Kon Plong, Ia H’Drai là huyện nghèo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Vùng đồng bào dân tộc khó khăn, khó khăn đặc thù tại tỉnh Kon Tum với 7 thành phần dân tộc khó khăn, khó khăn đặc thù sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 10 huyện, thành phố.
Theo kết quả thống kê, đến 31 tháng 12 năm 2023, tổng dân số Dân tộc khó khăn, khó khăn đặc thù trên địa bàn tỉnh Kon Tum sinh sống ổn định thành cộng đồng ổn định tại xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn tại 10 huyện, thành phố với 36.260 hộ, bao gồm 5 thành phần dân tộc khó khăn: Xơ Đăng (23.698 hộ), Ba Na (5.181 hộ), Gia Rai (4.358 hộ), Giẻ-Triêng (1.963 hộ), Hrê (672 hộ); Dân tộc khó khăn đặc thù gồm 2 thành phần dân tộc: B Râu (173 hộ), Rơ Măm (192 hộ). Ngoài ra còn có khoảng 995 hộ dân tộc có khó khăn di cư đến các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh sinh sống như: Tày, Nùng, Dao, Mường, Mạ, Khơ Me, Ê Đê, Vân Kiều, Sách, Khơ Mú..... Đa số các hộ dân tộc có khó khăn, khó khăn đặc thù sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có địa hình đồi núi cao, thung lũng sâu, dốc đứng do bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn thường hay xảy ra thiên tai, khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Hầu hết các thôn, làng đều ở xã thị trấn, trung tâm phát triển, có khoảng cách đến trung tâm xã dao động từ 10 đến 30 km, cách trung tâm huyện từ 10 km đến 70 km, giao thông đi lại khó khăn.
Về đặc điểm kinh tế- xã hội
Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội thay đổi rõ rệt, 100% xã có đường ô tô đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã; tỷ lệ trường, lớp được xây dựng kiên cố đạt trung bình 99%; Tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 99%; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 99,92%; Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất ở đạt 99,31%; Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất sản xuất đạt 99,29%; Tỷ lệ hộ gia đình ở khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93,4%. Tuy nhiên các công trình hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh đã bị xuống cấp hoặc vẫn còn thiếu thốn, chưa đồng bộ...
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, tổng số hộ nghèo: 10.220 hộ, chiếm tỷ lệ 6,84% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 9.716 hộ nghèo dân tộc thiểu số (chiếm 95,06% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Tổng số Hộ cận nghèo: 6.568 hộ, chiếm tỷ lệ 4,39% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 5.867 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số (chiếm 95,06% tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh).
Các chế độ, chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời như: Cấp 60.321 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo (trong đó hộ nghèo là 52.578 thẻ; hộ cận nghèo là 7.743 thẻ); hỗ trợ kinh phí tiền điện cho 21.988 hộ nghèo, hộ chính sách xã hội (15.943 hộ nghèo; 6.045 hộ chính sách xã hội).
Chất lượng giáo dục ngày càng được cải thiện, đặc biệt là vùng DTTS được củng cố và nâng cao. Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục được củng cố, nâng cao chất lượng. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã được chú trọng; trên địa bàn tỉnh dự kiến đến cuối năm 2023, có 190 trường đạt chuẩn quốc gia. Xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư triển khai có hiệu quả góp phần tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện học tập tại các trường.
Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, chú trọng đến sự hài lòng của người bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân. Đến nay, đã có 100% trạm y tế có bác sỹ; 99% xã trên toàn tỉnh đã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Công tác vận động toàn dân tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế được tăng cường, ước thực hiện năm 2023 tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,35%, đạt 100% so với kế hoạch, bằng 100,5% cùng kỳ năm trước. Công tác truyền thông về dân số, kế hoạch hóa gia đình được thực hiện thường xuyên từ tuyến tỉnh đến huyện và xã, phường, thị trấn.
Ảnh: Hỗ trợ cấp bò sinh sản thuộc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ dân tộc Rơ Măm năm 2023
Về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum tiếp tục được giữ vững ổn định; trên địa bàn tỉnh không phát sinh các vụ việc nổi cộm, không xảy ra các trường hợp khiếu nại tố cáo, tụ tập đông người nói chung, đồng bào DTTS nói riêng. Niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước tiếp tục được củng cố, các dân tộc đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Hoạt động của các tôn giáo diễn ra bình thường, nhìn chung tuân thủ các quy định của pháp luật, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Từ thực tiễn triển khai của địa phương thời gian qua, để tạo điều kiện khai thác các tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với các dân tộc có khó khăn đặc thù thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030, thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia; tỉnh Kon Tum đề xuất các tiêu chí xác định dân tộc có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026-2030, như sau:
Thứ nhất, về phạm vi, đối tượng thực hiện Đề án giai đoạn 2026-2030 đối với dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, khó khăn đặc thù: về phạm vi thực hiện là vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đối tượng thực hiện là các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù sinh sống trên địa bàn các xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vì hiện nay các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, khó khăn đặc thù có điều kiện kinh tế- xã hội; địa bàn cư trú đa phần ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, điều kiện sống, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo... còn gặp nhiều hạn chế, thiếu hụt so với các dân tộc khác trên cùng địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi nên cần được ưu tiên quan tâm đầu tư, hỗ trợ các chương trình, chính sách để thu hẹp khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng giới; nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thứ hai, Về tiêu chí xác định các dân tộc còn khó khăn đặc thù
Giai đoạn 2026-2030 là “Dân tộc có khó khăn đặc thù là dân tộc sinh sống ổn định thành cộng đồng, có tỷ lệ từ 15% trở lên trong tổng số hộ dân tộc thiểu số trong thôn trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đáp ứng 01 trong 02 tiêu chí sau:
Tiêu chí (1): Có dân số dưới 10.000 người.
Tiêu chí (2): Dân tộc có tỷ lệ bình quân hộ nghèo so với bình quân chung của 53 DTTS lớn hơn từ 60% trở lên.
Hiện nay, Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có Dân tộc Brâu là dân tộc khó khăn đặc thù theo Quyết định 1227/QĐ-TTg với 174 hộ/546 khẩu, đang sinh sống ổn định thành cộng đồng tại thôn Đăk Mế xã Pờ Y (là xã Khu vực I và xã biên giới) không thuộc phạm vi thụ hưởng diện hỗ trợ thuộc Tiểu Dự án 1, Dự án 9 Chương trình do không thuộc địa bàn thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đồng bào dân tộc Brâu hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về đời sống; về thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân chung của tỉnh; về trình độ học vấn: dân tộc Brâu có 01 tiêu chí về tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông là 37,6% >28,65%. Giai đoạn 2016-2020 thực hiện Đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với dân tộc BRâu, Rơ Măm. Tuy nhiên, nguồn vốn Trung ương phân bổ không đáp ứng được nhu cầu vốn theo phân kỳ đầu tư đã được phê duyệt (33.682 triệu đồng/159.258 triệu đồng, đạt 21,15% so với nhu cầu của tỉnh) nên việc thực hiện đầu tư, hỗ trợ các nội dung của Đề án không đồng bộ và không đạt mục tiêu đề ra. Việc xây dựng tiêu chí đối với dân tộc khó khăn dặc thù đáp ứng 01 trong 02 tiêu chí (1): Có dân số dưới 10.000 người (2): Dân tộc có tỷ lệ bình quân hộ nghèo so với bình quân chung của 53 DTTS lớn hơn từ 60% trở lên sẽ giúp thôn Đăk Mế nói chung, dân tộc B Râu nói riêng tiếp tục được hỗ trợ nguồn lực cho giai đoạn 2026-2030 để đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sinh kế cho hộ dân trên địa bàn.
Thứ ba, về chính sách áp dụng và đánh giá tác động chính sách
Về nội dung thực hiện chính sách thống nhất áp dụng đối với dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, khó khăn đặc thù đều được hưởng cả chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ nhằm giúp dân tộc khó khăn, khó khăn đặc thù sẽ được hưởng định mức chính sách hỗ trợ nhiều hơn, đặc thù hơn so với các dân tộc khác trong cùng một vùng, trên cùng địa bàn để các dân tộc này sớm hòa nhập với sự phát triển chung.
Nguyễn Thanh Hưng
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.