Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây nguyên thời kỳ 2011-2020.
Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ về công tác dân tộc, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án chính sách dân tộc, an sinh xã hội nhằm giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần ổn định và cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ III/2019; ban hành chỉ thị của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc (theo Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 02 tháng 04 năm 2018); thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới (theo Công văn số 981-CV/TU, ngày 17 tháng 01 năm 2020); chỉ đạo tăng cường tổ chức ký kết chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động nhằm thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, lồng ghép các nguồn vốn, chương trình, dự án trên cùng một địa bàn ngay từ khâu lập kế hoạch, đảm bảo công khai, hiệu quả, tránh lãng phí; chỉ đạo ban hành Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2017-2020" (theo Quyết định số 322/QĐ-UBND, ngày 19 tháng 4 năm 2017) và tiếp tục ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Tỉnh ủy ”về bảo tồn và pháp huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; quy định vị trí, vai trò, nhiệm vụ của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum (theo Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2019) và một số chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu trong các lĩnh vực; rà soát, phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; rà soát các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; các chế độ, chính sách trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; đánh giá tác động, ảnh hưởng của Quyết định số 861/QĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (viết tắt là Chương trình); tổ chức rà soát, xác định các nội dung chính sách, đối tượng thụ hưởng, phạm vi, địa bàn thực hiện Chương trình; ban hành Nghị quyết lãnh đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025[1] và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025.
Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, nhiều chương trình, chính sách dân tộc đã được đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Việc triển khai thực hiện các chương trình chính sách dân tộc luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp; công tác phối hợp tuyên truyền, giám sát, phản biện của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; sự nhiệt tình, đồng thuận tham gia thực hiện của người dân... Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi đã có những chuyển biến rõ rệt, có những bước phát triển tiến bộ, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều vùng được nâng lên; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu đã được quan tâm đầu tư, hoàn thiện; kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo (tính đến ngày 31-12-2021) toàn tỉnh có 9.072 hộ, chiếm 6,32% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,88%/năm (từ 26,11% vào cuối năm 2015 xuống còn 6,32% vào cuối năm 2021, trong 06 năm, tổng số hộ thoát nghèo là 32.232 hộ). Tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số toàn tỉnh là 8.635 hộ, chiếm 11,42% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 6,78%/năm (từ 46,57% vào cuối năm 2015 xuống còn 11,42% vào cuối năm 2021, trong 06 năm, tổng số hộ thoát nghèo dân tộc thiểu số là 29.174 hộ). Tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh là 7.876 hộ, chiếm 5,49% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh (từ 6,64% vào cuối năm 2015 còn 5,49% vào cuối năm 2021, trong 06 năm tổng số hộ thoát cận nghèo là 14.087 hộ). Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất, quan tâm và tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, thu nhập của nhóm hộ nghèo ở nông thôn đang dần được cải thiện, ổn định nâng cao đời sống, các mô hình giảm nghèo được nhân rộng; văn hóa, đời sống các dân tộc thiểu số được quan tâm; tự do, tín ngưỡng được đảm bảo; giáo dục và đào tạo có sự chuyển biến tiến bộ; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng; dịch bệnh được kiểm soát; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng; công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị xã hội ổn định...
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được các cấp chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ, phát huy hiệu quả; trong quản lý, điều hành, thực hiện đã có các giải pháp chỉ đạo kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động của từng chương trình để hoàn thành mục tiêu đề ra. Nguồn lực được phân bổ ưu tiêu cho phát triển kinh tế ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đồng thời lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư thực hiện các nội dung, hoạt động trọng tâm từ các dự án, chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình dự án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trên cùng một địa bàn, cùng một đối tượng. Kết quả đã đầu tư xây dựng 272 công trình tại các huyện nghèo; 714 công trình, duy tu 430 công trình cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho khoảng 24.235 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; triển khai thực hiện 12 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; tổ chức tư vấn cho 1.963 người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tư vấn cho lao động sau khi về nước tại địa phương; tổ chức 79 hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực người dân, cộng đồng; 07 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo với 7.274 lượt người tham gia; truyền thông về các chính sách giảm nghèo cho 995 người tham gia.
Việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo đã có sự chủ động hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp thoát nghèo và cũng ý thức được các chính sách, chương trình giảm nghèo của Nhà nước chuyển từ hỗ trợ hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện; đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân khu vực nông thôn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sống. Kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn được cải thiện, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của Nhân dân trên địa bàn các huyện nghèo, các xã khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, duy trì và nâng cao kết quả giảm nghèo bền vững.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã tập trung ưu tiên, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư trực tiếp bê tông hóa trên 1.000 km đường giao thông thông thôn, xây dựng và sửa chữa 80 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 30 km kênh mương nội đồng, 100% xã có điện lưới quốc gia, xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp cho 190 trường học các cấp, 340 nhà văn hóa thôn, 298 khu thể thao thôn, 27 nhà văn hóa xã; hỗ trợ xây 1.405 căn nhà, sửa chữa 503 căn nhà cho các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công; đồng thời, đã tổ chức rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại khu dân cư nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng các làng du lịch cộng đồng, khu vực biên giới, các cụm công nghiệp, dịch vụ cho phù hợp. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 36 xã cơ bản đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (trong đó có 35 xã được công nhận xã nông thôn mới); có 04 xã đạt chuẩn 10/10 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao (trong đó 01 xã đã đươc công nhận đạt chuẩn); 06 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 20 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới; cơ sở hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, nâng cao cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chính sách về dân tộc và các chương trình phát triển kinh tế xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn có những mặt hạn chế như:
- Công tác phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện chính sách dân tộc ở một số cấp ủy, chính quyền, địa phương còn hình thức; tỷ lệ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chưa tương xứng với cơ cấu dân cư; nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
- Một số chương trình, chính sách thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi còn dàn trải, thời gian thực hiện ngắn, chưa hiệu quả (đa số chính sách chỉ có thời hạn 5 năm nhưng thời gian xây dựng và ban hành chính sách mất từ 1-2 năm thời gian triển khai thực hiện thực tế chỉ còn khoảng 3 năm).
- Một số chính sách chưa thực sự tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, chưa phát huy được thế mạnh của địa phương (về tài nguyên rừng và đất rừng, điều kiện khí hậu tự nhiên,...); nguồn lực thực hiện các chính sách chủ yếu từ ngân sách trung ương cấp về theo từng chương trình, dự án, chính sách và định mức của trung ương quy định nhưng vẫn chưa kịp thời và đầy đủ, nguồn lực huy động chưa được nhiều; các chính sách tập trung vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chủ yếu là cấp phát, cho không nên tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa nhân rộng được các mô hình sản xuất hiệu quả để tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo.
- Đến nay bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều đổi thay tích cực nhưng do xuất phát điểm của tỉnh thấp nên đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn, các xã đặc biệt khó khăn hạ tầng kinh tế-xã hội còn nhiều hạn chế; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp chưa mang tính hàng hóa, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự đảm bảo và thiếu tính bền vững, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội. Tỷ lệ nghèo giảm nhưng nguy cơ tái nghèo cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập; còn một số hạn chế về bình đẳng giới; còn tồn tại hủ tục lạc hậu tảo hôn, tục ma chay cưới xin, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội; lề lối, tác phong, tập quán canh tác của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số; khoảng cách phát triển kinh tế-xã hội giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn trong đồng bào dân tộc thiểu số và giữa đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh chưa được rút ngắn. Một số khó khăn hạn chế có tác động sâu sắc đến bộ mặt nông thôn và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc và các chương trình phát triển kinh tế xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 14-02-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác dân tộc. Tiếp tục củng cố, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh; củng cố lòng tin vào sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo; nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để kẻ xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây rối, làm mất ổn định an ninh -chính trị-trật tự xã hội trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh.
Hai là, Tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS; đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Ưu tiên các lĩnh vực phát triển hạ tầng cơ sở, thông tin truyền thông, y tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo; có giải pháp giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất; đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho cộng đồng, hộ dân cư quản lý. Chủ động chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; lựa chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, có giá trị kinh tế để hỗ trợ, vận động Nhân dân đưa vào trồng, chăn nuôi gắn với tăng cường giải quyết đầu ra cho sản phẩm; động viên, khuyến khích đồng bào DTTS tích cực lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ba là, Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng toàn diện, bền vững; phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bốn là, Nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án, mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án tạo sinh kế cho đồng bào; đa dạng hoá và xã hội hoá nguồn lực, trong đó, nguồn lực nhà nước có vai trò quan trọng và quyết định để huy động các nguồn lực khác.
Năm là, Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hoá - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: chính sách giáo dục và đào tạo; chính sách cử tuyển, bồi dưỡng dự bị đại học, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp đối với thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và được đào tạo nghề; chính sách y tế; quan tâm sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể. Kiên quyết xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, sớm chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Sáu là, Chú trọng bồi dưỡng phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Biểu dương, tôn vinh, động viên người có uy tín, doanh nhân, nhà khoa học... có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo tuyển dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Có giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số trong cấp uỷ và các cơ quan dân cử các cấp.
Bảy là, Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; kiên quyết không để xảy ra các "điểm nóng"; "điểm phức tạp" về an ninh trật tự.
Tám là, Thực hiện tốt quy chế phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội trong việc triển khai các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện công tác dân tộc của các cấp, các ngành, nhất là tại cơ sở.
Rơ Châm Lê
[1] Tại Quyết định số 86/QĐ-UBND ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.