Ngày 28/6/2024, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 09 tháng 4 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Kế hoạch được ban hành đảm bảo các nội dung trọng tâm chủ yếu sau:
1. Tăng cường công tác quán triệt và tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ bí mật nhà nước của Trung ương và của tỉnh; nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhất là người đứng đầu, người trực tiếp làm công tác bảo mật, làm việc ở vị trí, bộ phận trọng yếu, cơ mật, thường xuyên tiếp xúc, làm việc với người nước ngoài trước âm mưu, thủ đoạn, hoạt động lợi dụng sơ hở để lấy cắp, chiếm đoạt bí mật nhà nước của các thế lực thù địch, phần tử xấu.
2. Căn cứ Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, danh mục bảo vệ bí mật nhà nước và quy định có liên quan để xác định bí mật nhà nước, độ mật của bí mật nhà nước, tránh tình trạng không xác định hoặc xác định không đúng bí mật nhà nước dẫn đến bị phạm, lộ, mất bí mật nhà nước. Đồng thời, thực hiện đúng các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong soạn thảo, phát hành, sao chụp, cung cấp, chuyển giao, lưu giữ, bảo quản, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ và sử dụng máy vi tính, thiết bị soạn thảo, lưu giữ bí mật nhà nước.
3. Người tham dự không được mang thiết bị có tính năng thu, phát tin, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh vào trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ tuyệt mật, tối mật. Đối với hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ mật, việc sử dụng phương tiện, thiết bị được thực hiện theo yêu cầu của người chủ trì.
4. Tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ; rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ bí mật nhà nước bảo đảm đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Tổ chức thu hồi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức khi thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu, từ trần, người không được phân công tiếp tục quản lý bí mật nhà nước.
5. Rà soát, sửa đổi, ban hành nội quy, quy chế bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, nhất là làm sai lệch, hư hỏng, lộ, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện hoặc che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
6. Chú trọng bảo vệ bí mật nhà nước trong ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng internet; quản lý, bảo mật trang thông tin, cổng thông tin điện tử; chủ động triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống mạng thông tin; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp soạn thảo, lưu giữ văn bản, tài liệu có nội dung bí mật nhà nước trên máy tính kết nối internet, sử dụng những tiện ích của điện thoại thông minh, máy tính,… có kết nối internet để chụp ảnh, lưu giữ, chuyển, nhận thông tin chứa bí mật nhà nước (như: Zalo, Facebook, Email, Viber, TikTok, Google Drive,…) hoặc tự ý cung cấp ra bên ngoài thông tin, tài liệu có nội dung bí mật nhà nước, bí mật nội bộ.
7. Chủ động bố trí kinh phí; trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định; trong đó, trang bị đầy đủ hệ thống sổ, mẫu dấu, biểu mẫu, máy vi tính dùng riêng cho soạn thảo, lưu giữ tài liệu bí mật nhà nước; kiểm tra an ninh, an toàn các thiết bị khi đưa vào sử dụng. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo vệ bí mật nhà nước.
8. Thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về an ninh, an toàn các máy tính, thiết bị, hệ thống thông tin và việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, khắc phục các sơ hở, thiếu sót và xử lý theo quy định các hành vi vi phạm về bảo vệ bí mật nhà nước, hạn chế thấp nhất hậu quả, thiệt hại xảy ra.
9. Phát huy phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với trách nhiệm tham gia bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ bí mật nội bộ; thực hiện nghiêm quy định về kỷ luật phát ngôn, quy chế tiếp xúc, làm việc với người nước ngoài, cung cấp, trao đổi thông tin cho báo chí.
Để thực hiện hiệu quả các nội dung trọng tâm tại Kế hoạch, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong phạm vi quản lý và địa bàn phụ trách theo quy định; chủ động phối hợp Công an tỉnh để được hướng dẫn triển khai thực hiện đảm bảo theo các quy định hiện hành; báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này lồng ghép vào nội dung báo cáo sơ kết công tác bảo vệ bí mật nhà nước hằng năm./.
Ksor H’Nhuên
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.