Ảnh minh họa
Toàn huyện Đăk Hà có 10 xã và 01 thị trấn, có 04 xã khu vực III, 04 xã thuộc khu vực II và 03 xã khu vực I; có 44/105 thôn, tổ dân phố thuộc diện thôn ĐBKK, trong đó 31 thôn ĐBKK thuộc xã khu vực III, 13 thôn ĐBKK thuộc xã khu vực II. Dân tộc thiểu số chiếm trên 51% dân số toàn huyện, chủ yếu là các dân tộc Kinh, Xê Đăng, Ba na, Thái, Tày, Giẻ, Triêng và các dân tộc khác...
Thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước, huyện đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách dân tộc như Chương trình 135; Chính sách theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 18/2011/QĐ-TTg và Quyết định 56/2013/QĐ-TTg nay là Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 12/2018/QĐ-TTg; Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK theo Quyết định số 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020...Đồng thời, các chương trình, chính sách đã kết hợp lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tình hình vùng dân tộc thiểu số huyện nhìn chung ổn định, an ninh được giữ vững, đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Người dân, nhất là hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số đã biết chủ động chăm lo phát triển kinh tế, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi có năng xuất và hiệu quả kinh tế cao. Nhiều loại giống cây trồng vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt, nhiều mô hình sản xuất hàng hóa đã được đưa vào phổ biến, từng bước thay thế tập quán sản xuất lạc hậu. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cây trồng, vật nuôi.
Trong 02 năm (2016-2018) triển khai thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Hội đồng nhân dân cùng với sự kết hợp chặc chẽ, đồng bộ với tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và các địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nhiều chính sách dân tộc nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Nhờ đó đã thu được những kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo vùng DTTS; cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại thông thương và trao đổi hàng hóa vùng đồng bào DTTS; hộ đồng bào DTTS được sử dụng mạng lưới điện quốc gia, sử dụng nước hợp vệ sinh, có nhà ở kiên cố, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, ... được tăng lên đáng kể, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống, phát triển sản xuất, ổn định an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc. Cụ thể các mặt như sau:
(i) Về kinh tế, trên địa bàn huyện, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển đổi đáng kể theo hướng sản xuất hàng hóa. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng đã làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, các chương trình, chính sách đã tạo ra cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng dân tộc và miền núi như: Giao thông, thuỷ lợi, điện lưới, trường học, trạm y tế… Nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ được xây dựng đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo điều kiện cho hàng hoá thông thương, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình xoá đói giảm nghèo của địa phương. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đồng bào được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị máy móc, công cụ sản xuất; các mô hình sản xuất đã giúp đồng bào vùng DTTS có thêm kiến thức trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS.
(ii) Hệ thống phát thanh phủ sóng trên 100% địa bàn, trên 90% địa bàn được phủ sóng truyền hình; gần 100% số xã có trường tiểu học, trong đó có 13/21 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 61,91%; mạng lưới y tế phát triển rộng khắp đến các xã, ngay cả trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ðến năm 2018, 100% số xã có trạm y tế, trong đó trên 85 % số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
(iii) Về văn hóa, xã hội, chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước ta trong thời gian qua thực sự góp phần bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa vật thể và phi vật thể của người dân các dân tộc. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được duy trì và phát triển. Nhiều gia đình, thôn, bản, khu dân cư ở vùng dân tộc và miền núi được công nhận là gia đình văn hóa và đơn vị văn hóa. 100% các xã có thiết chế văn hóa. Các thiết chế gia đình, dòng họ, thôn, làng trong xã hội truyền thống được chắt lọc; các tri thức tộc người, tri thức địa phương được vận dụng để xây dựng nông thôn mới…
(iv) Trong công tác giáo dục và đào tạo, những năm qua, Ðảng và Nhà nước cũng như các địa phương vùng dân tộc và miền núi rất quan tâm, đầu tư để nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực. Có các biện pháp hỗ trợ đào tạo nghề, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, xuất khẩu lao động, nên tình trạng thanh niên không có việc làm ở nông thôn vùng dân tộc và miền núi giảm đáng kể.
(v) Trong công tác y tế, chăm sóc sức khỏe của người dân, cho đến nay mạng lưới y tế phát triển rộng khắp đến tất cả các xã; nhiều thôn, làng có cán bộ y tế; hệ thống bệnh viện các tuyến tỉnh, huyện, xã được đầu tư, phát triển. Đa số trạm y tế cấp xã được bố trí bác sĩ. Ðồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có các xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, kịp thời khống chế được các dịch bệnh, như sốt rét, bướu cổ, lao, ...
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc còn gặp một số khó khăn, tồn tại:
(i) Về nội dung chính sách: Các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách đôi lúc còn thiếu kịp thời, đồng bộ nên gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.
(ii) Về nguồn lực thực hiện chính sách: Hầu hết các chính sách đều có 3 nguồn lực chính: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Trong khi ngân sách trung ương phân bổ chưa đủ so với quy định, ngân sách địa phương hạn hẹp, nên hầu như không đảm bảo nhu cầu, thậm chí không bố trí vốn đối ứng, huy động hợp pháp khác cơ bản không có. Vì vậy có thể nói nguồn lực thực hiện chính sách cơ bản không đáp ứng nhu cầu.
(iii) Phân công cơ quan chủ trì quản lý, triển khai chính sách không nhất quán, đồng bộ, cơ chế phối hợp chưa rỏ ràng dẫn đến việc triển khai thực hiện chính sách còn bất cập, chưa hiệu quả.
(iv) Phân cấp cho địa phương đối với các chương trình, dự án cơ bản phù hợp, đảm bảo tính tự quyết của các địa phương; riêng đối với các chính sách riêng lẽ, nguồn lực không lớn nhưng trung ương vẫn chưa phân cấp một cách triệt để cho các địa phương nên một số nội dung thực hiện không phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc trong thời gian tới trên địa bàn huyện, cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tổ chức tập huấn nghiệp vụ triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác dân tộc ở cấp huyện, xã, thị trấn và đội ngũ cán bộ không chuyên trách phụ trách công tác dân tộc.
Hai là, việc bố trí các nguồn lực, nên tích hợp, gắn kết, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hộ nghèo từ các chương trình giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội để tập trung hỗ trợ trên cùng một địa bàn, một đối tượng để mang lại hiệu quả nhất định, tránh hỗ trợ nhỏ lẻ, chồng chéo.
Ba là, cần thực hiện tốt việc phân cấp, trao quyền cho cấp xã, thị trấn để phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn với trách nhiệm người đứng đầu của các địa phương trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực.
Bốn là, việc hỗ trợ các chương trình, chính sách nên mở rộng thêm nhóm đối tượng hộ khó khăn, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo nhằm tạo điều kiện để các hộ tiếp tục phát triển kinh tế nhằm thoát nghèo bền vững, tránh tình trạng tái nghèo. Có cơ chế loại trừ đối với những trường hợp hộ nghèo chây ỳ, lười lao động để tạo động lực phấn đấu, thay đổi về trong nhân dân thì chính sách giảm nghèo mới đem lại hiệu quả nhất định.
Năm là, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân ý nghĩa, tầm quan trọng các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ cho nhân dân vùng đồng bào DTTS, xã đặc biệt khó khăn nhằm đảm bảo và thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Sáu là, phối hợp với cơ quan chuyên môn khác tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo thực hiện đúng đối tượng chính sách và đúng quy định hiện hành.
Bảy là, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện nhằm đạt kết quả cao nhất.
Nguyễn Xuân Lộc
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.