Ngọc Hồi là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum, bên sườn phía đông dải Trường Sơn, giáp với huyện Đắk Glei ở phía bắc, huyện Tu Mơ Rông ở phía đông bắc, huyện Đăk Tô ở hướng Đông Nam, huyện Sa Thầy ở hướng Nam, có đường biên giới giáp Lào và Campuchia. Địa giới hành chính gồm 07 xã và 01 thị trấn (trong đó có 05 xã biên giới). Cuối năm 2019 huyện Ngọc Hồi có 01 xã thuộc khu vực III (xã Đăk Ang), 02 xã thuộc khu vực II (Đăk Dục và Sa Loong), các xã: Đăk Nông, Đăk Xú, Pờ Y, Đăk Kan và thị trấn thuộc khu vực I (hiện nay, theo kết quả sơ bộ về rà soát phân định xã, thôn thuộc vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 huyện Ngọc Hồi có 01 xã thuộc khu vực III là xã Đăk Ang; thị trấn và 05 xã còn lại thuộc khu vực I); dân số toàn huyện là 58.138 người, gồm 17 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, dân tộc thiểu số 33.233 người chiếm 57,16% số dân trên toàn huyện;
Trong những năm qua, từ nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của các CTMTQG như: Chương trình nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Cấp uỷ đảng, chính quyền huyện Ngọc Hồi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung như: lập quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế vào sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, vận động nhân dân chỉnh trang sửa chữa nhà ở, cổng ngõ, công trình giao thông thôn xóm, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi và cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa huyện. Đã kiện toàn thống nhất lại các Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ cấp huyện đến cấp xã; kịp thời ban hành các văn bản quản lý, điều hành cấp địa phương theo quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện đã được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban ngành đoàn thể huyện, sự đồng thuận trong nhân dân; vai trò trách nhiệm chủ thể của người dân được thể hiện, nhất là xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa khu thể thao thôn, làng được phát huy hiệu quả.
Giai đoạn 2016-2020 được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, huyện Ngọc Hồi đã được đầu tư, hỗ trợ hơn 114 tỷ đồng từ các Chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó: nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là: 80.477 triệu đồng; nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được bố trí là: 34.249 triệu đồng. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền; sự cố gắng, nỗ lực của các ban, ngành đoàn thể huyện; sự đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện của người dân, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như: Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 04 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới; 02 xã đạt từ 10-16 tiêu chí và 01 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Huyện đang triển khai xây dựng 01 xã đạt tiêu chí nâng cao (xã Đăk Nông), 01 thôn đạt tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu (thôn 4-xã Đăk Kan) và dự kiến đạt trong năm 2020. Đối với kết quả thực hiện tiêu chí huyện nông thôn mới, theo đánh giá, đến nay huyện Ngọc Hồi đạt 5/9 tiêu chí gồm: tiêu chí số 1 về quy hoạch, tiêu chí số 3 về thủy lợi, tiêu chí số 4 về điện, tiêu chí số 8 về an ninh trật tự xã hội và tiêu chí số 9 về chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.
Lễ công bố xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn nông thôn mới
Bên cạnh đó việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống, xã hội của người dân sinh sống trên địa bàn như: đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện hàng năm đều đạt kế hoạch đề ra, tổng số hộ nghèo năm cuối năm 2019 là 791 hộ, chiếm tỷ lệ 4,96% (giảm 6,48% so với cuối năm 2015); 100% xã có trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 55,55% tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 33 công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng cơ bản nhu cầu tưới tiêu nước cho diện tích cây hàng năm có nhu cầu tưới tiêu phục vụ dân sinh; Có gần 40% lao động qua đào tạo; có 78,4% người trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THCS trở lên; 100% xã có đường từ trung tâm xã đến huyện đều được bê tông hóa; 85% cán bộ công chức cấp xã, đoàn thể, thôn trưởng được tham gia tập huấn về kỹ năng quản lý các chương trình, dự án; 90% các hộ dân thuộc địa bàn xã, thị trấn được tiếp cận thông tin về tình hình phát triển KT-XH thông qua kênh phát thanh, truyền hình; sách, ấn phẩm truyền thông…Nhìn chung, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thông qua các nguồn vốn được hỗ trợ người dân đã nhận thức về phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là người dân đã biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nâng cao năng suất lao động, ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân thay đổi rõ rệt đã giúp họ giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế như:
Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, các hộ nghèo chủ yếu là thuần nông, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; yếu tố ảnh hưởng do thiên tai dẫn đến tỷ lệ phát sinh nghèo và tái nghèo cao.
Việc huy động các nguồn lực từ cộng đồng còn hạn chế. Các mô hình giảm nghèo tại một số địa bàn xã chưa thực sự phát huy tác dụng; công tác nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả còn chậm.
Là huyện miền núi, biên giới nên điều kiện kinh tế - xã hội còn những khó khăn nhất định; việc huy động nguồn lực từ người dân tham gia chưa cao, chủ yếu là hiến đất giải phóng mặt bằng, tham gia ngày công làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, khu thể thao thôn.
Từ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện như:
Một là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động một cách thường xuyên, sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức. Từ đó để nhân dân hiểu được vai trù chủ thể của mình, phát huy mọi nguồn lực để cùng chung sức chung lòng, xây dựng phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Hai là, Sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Ban chỉ đạo các cấp; Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cán bộ xã, thôn. Phát huy tinh thần cán bộ, đảng viên.
Ba là, Tranh thủ, huy động nhiều nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án, tạo ra nguồn lực tổng hợp đầu tư xây dựng nông thôn mới một cách thiết thực, đồng bộ, hiệu quả.
Bốn là, Lựa chọn các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân tạo niềm tin trong nhân dân từ đó phát triển nhân rộng ra.
Năm là, phải vừa lựa chọn thực hiện mô hình điểm, vừa triển khai trên diện rộng; vừa kết hợp xây dựng nông thôn mới trên phạm vi xã, đồng thời chỉ đạo xây dựng nông thôn mới từ thôn, bản, làng đối với những địa phương còn nhiều khó khăn chưa có điều kiện để thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trần Văn Tấn
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.