banner
Thứ 6, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Không ngừng nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum
4-3-2020

Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 23/9/2019 về "Vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững" đã khẳng định: Qua 17 năm thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, là trụ cột quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, hộ chính sách, đồng bào tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen, tạo nguồn lực cho địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ảnh: Đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động và triển khai nhiệm vụ năm 2020

Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum, năm 2019 Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh (gọi tắt là Ban đại diện) tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhiều nội dung quan trọng, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương; tuyên truyền phát động đợt thi tìm hiểu về Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 12/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW.

Ban đại diện đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị 12-CT/TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 22-CT/TU ngày 22/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường các giải pháp mở rộng tín dụng; ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Kon Tum; thực hiện Thông báo số 366/TB-VPCP ngày 15/10/2019 về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững"; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Kon Tum (Nghị quyết số 67/2019/NQ-HĐND ngày 30/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum);

Đặc biệt, trong năm 2019 Ban đại diện các cấp đã tham mưu cho UBND cùng cấp chuyển nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách với số tiền là 40,26 tỷ đồng, nâng tổng số vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương từ 26,9 tỷ đồng lên 67,2 tỷ đồng (tăng 40,3 tỷ đồng); đồng thời UBND tỉnh đã có văn bản giao chỉ tiêu kế hoạch vốn ngân sách huyện, thành phố ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay năm 2020.

Đã triển khai thực hiện nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, cho vay hộ đồng bào DTTS nghèo theo Quyết định 2085/TTg mức tối đa lên 100 triệu đồng/hộ; thời gian cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của hộ vay.

Kết quả huy động tổng nguồn vốn đến 31/12/2019 đạt 2.688 tỷ đồng, tăng 317 tỷ đồng (+13,4%) so với năm 2018; doanh số cho vay đạt 866 tỷ đồng, tăng 44 tỷ đồng so với năm 2018 với 24.567 lượt hộ được vay vốn; về chất lượng tín dụng: nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,28%; thường xuyên thực hiện việc rà soát và xử lý nợ bị rủi ro theo quy định; thực hiện xóa nợ 141 món vay với số tiền 2 tỷ đồng và khoanh nợ 26 món vay với số tiền 0,3 tỷ đồng.

Toàn tỉnh thực hiện tổ chức giao dịch tại 102/102 điểm giao dịch tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến giao dịch; đồng thời phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp. Đến cuối năm 2019, tổng dự nợ ủy thác đạt 99,9% tổng dự nợ của Ngân hàng CSXH, trong đó: Hội Phụ nữ 1.091,2 tỷ đồng (chiếm 40,7%); Hội Nông dân 779,2 tỷ đồng (chiếm 29,1%); Đoàn Thanh niên 498,4 tỷ đồng (chiếm 18,5%); Hội Cựu chiến binh 313,2 tỷ đồng (chiếm 11,7%).

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp 24.567 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn để sản xuất; duy trì và tạo việc làm cho 2.828 lao động; giúp 161 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng và sửa chữa, cải tạo 13.708 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 485 căn nhà cho người nghèo để ổn định cuộc sống; 72 căn nhà thuộc chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 17,29% cuối năm 2018 xuống còn 13,62% cuối năm 2019, toàn tỉnh có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thông qua nguồn vốn tính dụng chính sách đã giúp người dân trên địa bàn phát triển sản xuất, bám đất, bám làng, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo. Các chương trình tín dụng chính sách đã tác động tích cực đến vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS; lồng ghép với công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập cho hộ nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới, Ban Đại diện và hoạt động của Ngân hàng CSXH cần xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Chỉ thị số 12-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường các giải pháp mở rộng tín dụng, ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh; Thực hiện tốt Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững".

Thứ hai, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương; chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng; chú trọng đến chất lượng hoạt động giao dịch tại xã.

Thứ ba, chỉ đạo triển khai tốt Kế hoạch tín dụng được giao năm 2020, đặc biệt là thực hiện Đề án cho vay tiêu dùng và mở rộng đối tượng sản xuất kinh doanh từ nguồn ngân sách địa phương đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 67/2019/NQ-HĐND để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, tập trung huy động nguồn lực cho vay, nhất là nguồn ngân sách địa phương (gồm cả ngân sách tỉnh, huyện) ủy thác cho Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn tín dụng chính sách, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, hoạt động"tín dụng đen"  tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là đối với các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tốt kế hoạch tín dụng năm 2020, lồng ghép nguồn vón tín dụng chính sách với các nguồn vốn khác, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để phát huy hiệu quả các nguồn vốn; tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay; thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; theo dõi và hướng dẫn lập hồ sơ xử lý rủi ro; đôn đốc hộ vay trả nợ, trả lãi./.

U Minh Nam

 

Số lượt xem:3974
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

Chung nhan Tin Nhiem Mang


4617432 Tổng số người truy cập: 58 Số người online:
Phát triển:TNC