Kon Tum là một tỉnh miền núi, vùng cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với các chương trình dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, đời sống của bà con nhân dân và bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Thời gian qua, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân ở vùng thụ hưởng chính sách, Chương trình 135 ở tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định như cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ; sản xuất ở một số vùng đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; y tế, giáo dục, văn hóa xã hội vùng đồng bào dân tộc được cải thiện và quan tâm đúng mức. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên về nhiều mặt.
Giai đoạn 2012-2018, với tổng kinh phí đầu tư hỗ trợ 578.592 triệu đồng. Đã thực hiện đầu tư công trình được đầu tư 1.191 công trình các loại; hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, chuồng trại; vật tư phân bón các loại, thuốc BVTV; xây dựng các mô hình chuồng trâu, bò, bền vững; hỗ trợ máy, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất với tổng số hộ được hưởng lợi là 51.339 lượt hộ nghèo; tổ chức 122 hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực cho đối tượng cộng đồng, cán bộ cơ sở trên địa bàn các huyện, thành phố với nhiều nội dung phong phú với 7.414 lượt người tham gia.
Có thể nói, Chương trình 135 đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi và vùng sâu vùng xa; tình hình kinh tế- xã hội của các xã, thôn đặc biệt khón khăn được thụ hưởng Chương trình đã có những chuyển biến rõ rệt, cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn được củng cố và nâng cấp tạo thuận lợi hơn cho việc đi lại cũng như vận chuyển, giao lưu hàng hoá, nông sản dễ dàng thúc đẩy sản xuất phát triển, cải thiện đời sống, tạo ra bộ mặt nông thôn mới khang trang sạch đẹp hơn; các công trình thuỷ lợi phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho nhân dân, giảm đáng kể việc phát rừng làm nương rẫy, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, sản lượng lương thực; từng bước xoá đói giảm nghèo cho người dân; Trường học được xây dựng khang trang tạo môi trường học tập thuận lợi, phục vụ nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng; xây dựng các công trình nước sinh hoạt như: hệ thống nước tự chảy, giếng nước... đã đáp ứng được nhu cầu về nước sạch sinh hoạt hằng ngày cho người dân, đưa tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ngày càng cao, tạo cho người dân có thói quen dùng nước sạch phòng tránh tình trạng dịch bệnh xảy ra; công trình điện sinh hoạt đã phục vụ thiết thực cho đời sống người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới góp phần làm cho đời sống văn hoá tinh thần của người dân có bước phát triển mạnh mẽ.
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, bằng việc hỗ trợ các loại giống cây trồng vật nuôi, máy móc thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất, trong những năm qua dự án đã góp phần chuyển đổi mạnh về cơ cấu kinh tế cho nhân dân, đặc biệt là giúp người dân về kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, các loại con giống như trâu, bò, lợn dê đã mang lại hiệu quả về kinh tế. Thông qua việc hỗ trợ của dự án đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng thụ hưởng, thâm canh tăng vụ và phát triển mạnh các loại cây trồng, nhân rộng các mô hình về sản xuất và chăn nuôi.
Dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cở sở, việc triển khai tổ chức tiểu dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở đã góp phần tăng cường trong công tác phổ biến, cung cấp thông tin giúp cho cộng đồng các thôn, làng thuộc các xã, thôn ĐBKK tiếp thu những kiến thức cơ bản về Chương trình 135, tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đời sống để hộ nghèo vùng ĐBKK từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Giúp cho đội ngũ cán bộ thôn, làng có thêm kinh nghiệm, đủ năng lực quản lý cộng đồng, thực hiện tốt vai trò, vị trí trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cán bộ xã tích lũy kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tại địa phương từ đó từng bước góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh nhất là nguồn nhân lực trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Chương trình còn những khó khăn như: (i) Công tác điều hành, quản lý, tham mưu chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 135 ở một số huyện, thành phố chưa thống nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện; việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư còn lúng túng trong triển khai thực hiện, quy trình thủ tục, tổng hợp báo cáo chưa đảm bảo theo yêu cầu; bên cạnh đó, các huyện, thành phố chưa kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; việc huy động các nguồn lực lồng ghép và các nguồn lực địa phương trong quá trình thực hiện dự án còn hạn chế; (ii) Đối với Dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở: Về chế độ cho học viên hưởng lương không có nên địa phương sẽ gặp khó khăn trong việc triệu tập đối tượng là cán bộ công chức xã tham gia tập huấn tại tỉnh, vì ngân sách các xã không có nguồn để hỗ trợ cho cán bộ tham gia tập huấn theo quy định; (iii) Mục tiêu xã có công trình, dân có việc làm tăng thêm thu nhập; thời gian qua đã có quan tâm thực hiện nhưng kết quả đạt được chưa cao, trình độ dân trí và công tác đào tạo nghề cho người dân còn nhiều hạn chế; (iv) Chế độ thông tin báo cáo của các huyện, thành phố còn chậm, chưa đầy đủ, dẫn đến việc tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Trung ương chưa kịp thời.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình, trong thời gian đến cần đề ra các giải pháp sau: (i) Kết hợp, lồng ghép thực hiện Chương trình 135 với việc thực hiện Chương trình 30a, Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017- 2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg; Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg và một số chính sách đặc thù với các xã trọng điểm ĐBKK trên địa bàn tỉnh Kon Tum; (ii) Chủ động, tích cực quán triệt và triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, bố trí bổ sung từ ngân sách địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, đẩy nhanh tiến trình giảm nghèo nhanh, bền vững vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ; (iii) Triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020 phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ công trên cơ sở đó xây dựng các chính sách đặc thù cho vùng, như: Chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Chính sách đào tạo, dạy nghề, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đào tạo và sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ; (iv) Tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, huy động có hiệu quả đóng góp của các tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đặc biệt khó khăn, như: cung cấp điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, phát triển chợ đầu mối, mở rộng giao lưu, trao đổi, quảng bá hàng hóa nông sản tại các vùng sản xuất tập trung, chợ dân sinh, phát triển hạ tầng truyền dẫn phát sóng đồng bộ, đảm bảo các dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn./.
Nguyễn Xuân Lộc
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.