Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông lâm nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK, những chính sách đó là nguồn lực quan trọng góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội các xã thuộc vùng khó khăn, giúp người dân được tiếp cận các loại giống mới, tiếp cận khoa học kỹ thuật, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những chính sách được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Xác định rõ quyết định 102 là một trong những chính sách quan trọng, một kênh hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, sau khi Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg được Chính phủ ban hành và căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-UBDT-BTC của liên bộ Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính; Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành ở tỉnh, UBND các huyện thành phố; trong đó giao Ban Dân tộc làm đầu mối, chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện chính sách và trên cơ sở chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh liên ngành Ban Dân tộc - Sở Tài chính đã có văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về phạm vị, đối tượng, định mức, phương thức, hình thức hỗ trợ, kinh phí thực hiện…cũng như trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để việc triển khai thực hiện chính sách đảm bảo đúng quy định và đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra. Hàng năm căn cứ vào nguồn kinh phí Trung ương giao cho địa phương và căn cứ danh sách hộ nghèo được UBND tỉnh phê duyệt trên địa bàn các huyện, thành phố, Ban Dân tộc đã phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ vốn về cho địa phương với tổng kinh phí cấp giai đoạn 2010-2018 là 88.190 triệu đồng để tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ các nội dung cho các hộ nghèo ở các xã khu vực II, khu vực III theo hai hình thức, đó là: hỗ trợ bằng hiện vật và tiền mặt.
Qua 9 năm thực hiện chính sách, từ năm 2010 đến 2018 trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ cho 840.701 lượt người nghèo sinh sống ở vùng khó khăn với tổng kinh phí thực hiện là 81.074,60 triệu đồng, đạt 91,93% so với kinh phí giao, trong đó hỗ trợ bằng hiện vật 79.268,45 triệu đồng, gồm (các loại cây trồng như: bời lời, cao su, tre lấy măng, cà phê, xoài… với số lượng trên 19.000 ngàn cây; các loại gíống cây trồng như: lúa, ngô, rau với số lượng trên 1.500 ngàn kg, các loại giống gia cầm với số lượng trên 365 ngàn con, muối iốt, phân bón với số lượng trên 1.900 ngàn kg; thuốc bảo vệ thực vật với 79 ngàn lít ); hỗ trợ bằng tiền mặt sau khi hỗ trợ bằng hiện vật, số tiền còn dư đã cấp phát cho người dân để đảm bảo định mức hỗ trợ theo Quyết định số 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hỗ trợ bằng tiền mặt đối với các hộ nghèo là người già neo đơn không đủ sức lao động 1.806,15 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Có thể thấy, sau 9 năm triển khai chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg đời sống người dân, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số đã từng bước được nâng lên, có sự thay đổi rõ nét. Nhận thức của người dân có chuyển biến tích cực, giúp bà con nông dân có thêm cơ hội lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để đáp ứng nhu cầu thị trường; đặc biệt người dân đã biết lựa chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, tạo thêm động lực cho hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo; góp phần giảm thiểu bệnh bướu cổ thường xảy ra từ đó góp phần nâng cao ý thức cải thiện điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe của người dân trong chiến lược nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện chính sách có ý nghĩa sâu sắc, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi nói chung và vùng khó khăn nói riêng.
Người dân sử dụng muối iốt trong bữa ăn hàng ngày
Bên cạnh những mặt đạt được việc thực hiện chính sách vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế như:
- Chính sách hỗ trợ thực hiện trong thời gian dài; định mức hỗ trợ thấp, không được điều chỉnh hằng năm trong khi giá cả các mặt hàng thiếu yếu vật tư đầu vào trong những năm qua tăng nhanh, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh nên còn gặp khó khăn trong lựa chọn nội dung hỗ trợ, không thể đạt được mục tiêu chính sách đề ra.
- Mặt bằng dân trí một số nơi còn thấp, phong tục tập quán của người dân còn lạc hậu, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật và giống mới vào sản xuất. - Việc hỗ trợ trực tiếp bằng hình thức cho không chỉ thích hợp trong thời gian ngắn, hiệu quả lâu dài còn hạn chế và thiếu tính bền vững; xuất hiện một bộ phận người dân ỷ lại, không tự vươn lên thoát nghèo
- Danh mục quy định về mặt hàng hỗ trợ theo Quyết định 102 chưa đa dạng, còn giới hạn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn ở nhiều địa phương.
- Các đối tượng được thụ hưởng chính sách đăng ký nhiều nội dung, nhỏ lẻ, nhu cầu đa dạng nên khó khăn trong việc triển khai và xác định nhu cầu đầu tư để hỗ trợ theo từng đối tượng. Công tác kiểm tra sau khi hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi , đánh giá hiệu quả các nội dung hỗ trợ ở một số địa phương chưa được chú trọng, quan tâm kịp thời, chưa đi vào chiều sâu.
Với những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện chính sách và trên cơ sở đề xuất kiến nghị của các địa phương, ngày 06/6/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2018/QĐ-TTg ngày 06/6/2018 bãi bỏ Quyết định 102 về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế, nhằm giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng; khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo.
Mỹ Hạnh
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.