Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước vùng dân tộc và miền núi được đầu tư và hỗ trợ các chương trình, chính sách như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Quyết định 755/QĐ-TTg, Quyết định 102/2009/QĐ-TTg…đã từng bước góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Song song với việc đầu tư, hỗ trợ từ các nguồn vốn của các chương trình, chính sách thì việc cung cấp thông tin và nâng cao dân trí cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm và các cấp, các ngành triển khai thực hiện kịp thời.
Thực hiện Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 16/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017 - 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum giao Ban Dân tộc là cơ quan thường trực, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo quán triệt, phổ biến các nội dung liên quan và mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách; đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm túc văn bản số 766/UBND-KGVX ngày 24/3/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 59/QĐ-TTg.
Qua 02 năm thực hiện chính sách, trên địa bàn tỉnh đã triển khai cấp phát không thu tiền 18 loại ấn phẩm, báo, tạp chí cho các đối tượng thụ hưởng là các cơ quan, đơn vị, trường học, người uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi với số lượng trên 812 ngàn tờ báo, tạp chí các loại.
Với ưu điểm và thế mạnh là đưa thông tin sâu và lưu trữ thông tin lâu, báo in ngoài việc chuyển tải kịp thời thông tin đến với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, còn là cẩm nang không thể thiếu giúp cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và bộ đội biên phòng, người có uy tín, già làng, trưởng bản làm tài liệu tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trở thành kênh tuyền truyền thiết thực, công cụ hữu hiệu và sổ tay cho các đối tượng phát huy vai trò, vị trí của mình. Đặc biệt, nội dung các ấn phẩm báo, tạp chí đã đã đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội nhất là chính sách dân tộc, kinh nghiệm và mô hình sản xuất giỏi, hiệu quả, phù hợp của các địa phương cũng như phong tục tập quán tốt đẹp, bản sắc văn hóa của từng dân tộc trên địa bàn để đối tượng thụ hưởng tiếp thu, học tập, vận dụng có hiệu quả vào thực tế. Qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng bền chặt.
Đối tượng thụ hưởng đọc báo được cấp
Cùng với đó, Bưu điện tỉnh đã làm tốt công tác tiếp nhận, theo dõi, quản lý, thống kê số lượng ấn phẩm báo, tạp chí nhận từ Công ty Phát hành báo chí Trung ương, tiến hành bàn giao cho các huyện, thị xã theo đúng chủng loại và từng kỳ phát hành. Các loại ấn phẩm báo, tạp chí đã được chuyển giao đến địa chỉ, đối tượng thụ hưởng được thực hiện đầy đủ. Ban Dân tộc tỉnh đã kịp thời đôn đốc các huyện, thị xã tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn từng địa phương, trường học, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tuyên truyền, thông tin đến đối tượng được thụ hưởng để khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại ấn phẩm báo và tạp chí theo quy định.
Bưu điện cấp, phát báo cho các đối tượng thụ hưởng
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Địa bàn rộng, địa hình và giao thông đi lại khó khăn nên việc phát báo đến các đối tượng ở thôn, làng chưa kịp thời (các đối tượng nhận vào các ngày họp, giao ban tại xã trong tuần); số lượng báo, tạp chí cấp tuy nhiều nhưng một số ấn phẩm chưa thực sự phù hợp với bà con nên chưa phát huy hết hiệu quả của công tác tuyên truyền; việc xác định danh sách, địa chỉ đối tượng thụ hưởng chưa kịp thời, gây khó khăn cho công tác rà soát, tổng hợp và đăng ký nhu cầu để phát hành các loại báo, tạp chí cấp cho các đối tượng…hoạt động kiểm tra, giám sát, nắm tình hình và phản ánh những ý kiến phản hồi của các đối tượng thụ hưởng về chất lượng, nội dung, hình thức và hiệu quả của từng loại báo, tạp chí được cấp phát để phản hồi cho đầu mối thực hiện chính sách chưa thường xuyên, thiếu kịp thời. Việc quản lý, theo dõi cấp phát báo, tạp chí gặp nhiều khó khăn do các ấn phẩm báo chí, tạp chí được cấp phát trực tiếp từ các Bộ, ngành trung ương thông qua hệ thống bưu điện để cấp thẳng đến các đối tượng thụ hưởng, trong khi đó Ban Dân tộc tỉnh được giao trách nhiệm theo dõi, đánh giá, xem xét, đóng góp ý kiến cho các ấn phẩm báo, tạp chí.
Có thể thấy, việc cấp phát, không thu tiền các ấn phẩm báo chí cho vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và cần được tiếp tục duy trì. Vì vậy, để đạt hiệu quả truyền thông cũng như mục tiêu đã đề ra trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan từ trung ương đến địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả của các ấn phẩm báo, tạp chí tới đối tượng thụ hưởng.
- Nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tế cũng như sự quan tâm đầu tư, đổi mới cách trình bày, nội dung của các cơ quan báo chí cho những ấn phẩm có tính chất đặc thù cho vùng DTTS và miền núi để những ấn phẩm báo chí đến với bà con thực sự thu hút và phù hợp, phục vụ cho công tác tuyên truyền ngày càng có chất lượng hơn.
- Tiếp tục đổi mới nội dung, tăng hình ảnh minh họa và sử dụng ngôn ngữ gần gũi với đời sống đồng bào DTTS và viết bài phản ánh kịp thời trên nhiều vùng miền của đất nước tránh tập trung vào một vùng. Cân đối, giảm số lượng ấn phẩm báo chí, thu gọn đối tượng thụ hưởng chính sách cho phù hợp;
- Bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc để tuyên truyền đến bà con các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con các dân tộc với Đảng và Nhà nước.
Phạm Thị Mỹ Hạnh
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.