Với đặc thù là địa phương có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 07 dân tộc thiểu số tại chỗ (Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Hrê, Brâu, Rơ Măm), chiếm tỷ lệ 54,93% dân số toàn tỉnh; trong các cộng đồng DTTS của tỉnh Kon Tum còn lưu giữ nhiều văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, thiết thực và hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa vùng đồng bào DTTS ở địa phương.
Là đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao triển khai thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Trong 02 năm vừa qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu được giao, hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về đối tượng, khu vực thụ hưởng chính sách, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay gắn với việc tuyên truyền quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch tại địa phương.
Theo đó, kế hoạch vốn giao trong 02 năm (2022, 2023) là 45.276 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 34.496 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 10.780 triệu đồng). Kết quả giải ngân: 15.441 triệu đồng, đạt 37,2% tổng nguồn vốn giao.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp: Đối với nguồn sự nghiệp: Tổng kinh phí thuộc Dự án 6 năm được cấp trên địa bàn toàn tỉnh là: 10.780 triệu đồng thực hiện 16 mục tiêu/ 19 mục tiêu thuộc Dự án 6. Đối với nguồn vốn đầu tư: Tổng kinh phí Dự án 6 năm 2022 và 2023 được cấp trên địa bàn toàn tỉnh là: 34.496 triệu đồng, thực hiện 4 mục tiêu.
Phục dựng Lễ cưới truyền thống của người Ba Na
Có được kết quả thực hiện trên luôn có sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc hướng dẫn sớm và cụ thể, do đó việc triển khai thực hiện Dự án thuận lợi và có sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; sự chỉ dạo quyết liệt của Tỉnh ủy trong việc ban hành các nghị quyết về bảo tồn nghề truyền thống; Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân trong việc phân bổ, giao kế hoạch vốn, phê duyệt dnah mục cho sở, ngành, đơn vị thực hiện kịp thời. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Văn hóa, Thể thao với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và UBND các huyện, thành phố trong việc đề xuất xây dựng các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ trong việc tham mưu các văn bản chính sách có liên quan đến Chương trình. Đồng thời hướng dẫn các huyện, thành phố trong việc đăng ký các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đơn vị và đảm bảo việc phân cấp về nguồn vốn theo quy định hiện hành. Tính đến thời điểm hiện tại, các nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2022 sang năm 2023, các nhiệm vụ được giao vốn trong năm 2023, các địa phương cơ bản đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.
Bên cạnh kết quả đạt được còn có một số khó khăn, vướng mắc như sau: Đối với Dự án 6, công tác phối hợp giữa Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa thực sự nhịp nhàng và thống nhất thống nhất trong việc giao đầu mối triển khai thực hiện, gây khó khăn trong quá trình tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Dự án 6. Các đơn vị, địa phương chưa có kinh nghiệm, nên gặp nhiều hạn chế trong xây dựng kế hoạch; khối lượng công việc phải thẩm định đa dạng, các văn bản hướng dẫn về tài chính có sự chồng chéo… ảnh hưởng đến tiến độ chung của trong thực hiện các nhiệm vụ. Đối với một số nội dung thuộc nguồn vốn đầu tư, các thủ tục pháp lý, quy trình liên quan đến việc triển khai thực hiện mất nhiều thời gian.
Để triển khai thực hiện dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian đến có hiệu quả cần có một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Thống nhất công tác giao việc theo chức năng, nhiệm vụ đảm bảo nội dung, chất lượng, tiến độ công việc phù hợp với đối tượng thụ hưởng theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thứ hai, Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi theo hướng toàn diện, bền vững, đồng thời mở rộng vốn ưu đãi đối với các chương trình, dự án, tạo sinh kế cho đồng bào. Đẩy mạnh việc đa dạng hóa và xã hội hóa các nguồn lực, trong đó, nguồn lực nhà nước có vai trò quan trọng và quyết định trong việc huy động các nguồn lực khác
Thứ ba, trong quá trình thực hiện Dự án số 6 thuộc Chương trình giai đoạn 2021-2025 cần phải có sự kế thừa, chọn lọc và phát huy có hiệu quả bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp.
Thứ tư, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và Nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, cuộc vận động về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ năm, thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các mục tiêu, kịp thời điều chỉnh các nội dung chưa đảm bảo. Kịp thời tổng kết thực tiễn, phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; đồng thời, ngăn chặn và xử lý kịp thời những biểu hiện làm mai một văn hóa truyền thống dân tộc.
Nguyễn Thanh Hưng
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.