Kon Tum là một tỉnh nghèo, công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển, sản xuất quy mô nhỏ, số lượng doanh nghiệp ít, số lao động được thu hút vào làm việc trong các doanh nghiệp hàng năm không đáng kể, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chung đạt 52%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 36,5% (dự kiến đến năm 2020). Tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề giai đoạn 2010-2015 là 12.941 người, kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là 16.500 người, bình quân mỗi năm đào tạo khoảng 3.000 người.
Hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, ngày 15/9/2020
Tuy nhiên, việc rà soát, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề để xây dựng kế hoạch cũng như tổ chức thực hiện chưa sát với nhu cầu thực tế; chưa gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng dần lao động tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Một số nghề chưa phát huy được hiệu quả sau đào tạo, người lao động sau khi học nghề chưa duy trì được nghề lâu dài.
Với đặc thù về điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh với thế mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, các loại cây công nghiệp lâu năm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng và chăm sóc các loại dược liệu quý, chăn nuôi và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm,… phù hợp với điều kiện thực tế, khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương; người lao động sau khi tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề có khả năng áp dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất tại gia đình thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế hộ hoặc được các doanh nghiệp tuyển dụng làm việc theo nhu cầu. Trong thời gian qua, toàn tỉnh đã triển khai đào tạo 16.334 người học nghề nông nghiệp, trong đó nhiều mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn triển khai hiệu quả, sau học nghề tỷ lệ lao động có việc làm trên 80%, thu nhập ổn định.
Năm 2011, Tổng cục Dạy nghề chọn xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà triển khai dạy 02 nghề thí điểm, với tổng số 70 học viên (tốt nghiệp 63/70 học viên, đạt 90%). Việc làm của người lao động sau đào tạo nghề như sau: Nghề kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến cà phê, số học viên có việc làm 33/33 học viên, đạt 100% (18 học viên làm công nhân nông trường, 11 học viên đầu tư mua rẫy để sản xuất, 04 học viên làm kỹ thuật chăm sóc cà phê cho các hộ gia đình khác); Nghề kỹ thuật nuôi cá lồng và khai thác thủy sản nước ngọt số học viên có việc làm 25/30 người đạt 83% (13 học viên làm nghề đánh bắt cá lòng hồ, 12 học viên làm nghề nuôi cá, 05 học viên không có việc làm).
Năm 2012, Ban chỉ đạo tỉnh đã chọn huyện Đăk Hà và huyện Kon Plông để thực hiện các mô hình thí điểm như: Huyện Đăk Hà chọn xã Hà Mòn thí điểm 04 mô hình với 231 học viên tham gia học nghề; trong đó có 03 mô hình dạy nghề nông nghiệp (Mô hình Kỹ thuật nuôi cá lồng và khai thác thủy sản 30 học viên; Mô hình Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và sơ chế cà phê 33 học viên; Mô hình Chăm sóc và khai thác mủ cao su 35 học viên) và 01 mô hình dạy nghề phi nông nghiệp: Sửa chữa, vận hành máy nông nghiệp 133 học viên. Huyện Kon Plông chọn xã Măng Cành, xã Hiếu, Đăk Long thí điểm 05 mô hình với 205 học viên tham gia, gồm: Mô hình Chăn nuôi trâu, trồng cây thức ăn và chế biến phụ phẩm làm thức ăn cho trâu tại xã Măng Cành (26 học viên); Mô hình nuôi, phòng và chữa bệnh cho lợn tại xã Măng Cành (29 học viên); Mô hình trồng chăm sóc và thu hái cà phê Catimo tại xã Măng Cành (30 học viên); Mô hình nuôi cá Tầm tại xã Hiếu (30 học viên) và xã Pờ Ê (30 học viên); Mô hình trồng, chăm sóc và thu hái chè Ô Long tại xã Măng Cành và xã Đăk Long (60 học viên).
Trong giai đoạn 2016-2020, đã hướng dẫn các huyện, thành phố quy trình tổ chức triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các chương trình, dự án, chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp để tạo việc làm, tăng thu nhập trên địa bàn huyện, thành phố. Các địa phương đã chỉ đạo triển khai thực hiện học nghề gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; đào tạo nghề nông nghiệp theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hàng hóa; đào tạo nghề gắn với phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống,... Cụ thể các mô hình đã triển khai thực hiện như:
Huyện Kon Plông: Thực hiện đào tạo gắn với tạo việc làm trong các doanh nghiệp (như Công ty sông Đà 3.07, Công ty thủy điện đóng chân tại địa bàn xã Ngọc Tem tiếp nhận vào làm việc đối với nghề hàn điện, nề cốt thép) hoặc được tư vấn, cho vay vốn giải quyết việc làm tại các thôn, làng (đối với nghề sửa chữa xe máy); Mô hình chăn nuôi trâu, trồng cây thức ăn và chế biến phụ phẩm làm thức ăn cho trâu tại xã Măng Cành; Mô hình nuôi, phòng và chữa bệnh cho lợn; Mô hình trồng, chăm sóc và thu hái cà phê Catimo tại xã Măng Cành; Mô hình nuôi cá Tầm tại xã Hiếu, xã Pờ Ê; Mô hình trồng, chăm sóc và thu hái chè Ô Long.
Huyện Kon Rẫy: Mô hình nuôi lợn nái sinh sản tại thôn 7, xã Đăk Tơ Lung với 05 hộ gia đình hình thức hỗ trợ xây chuồng, heo giống, thức ăn và kỹ thuật; Mô hình trồng, chăm sóc cà phê vối tại thôn 01, thôn 2 xã Đăk Pne và thôn 4, thôn 6 xã Tân Lập. Tất cả mô hình trồng, chăm sóc cà phê vối được hỗ trợ về cây giống, phân bón, và kỹ thuật.
Thành phố Kon Tum: Đào tạo nghề gắn với Dự án “Cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo”, Dự án “phát triển cao su tiểu điền”; đào tạo nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng, gồm: nghề dệt 35 học viên, chế biến rượu cần 30 học viên, kỹ thuật chế biến món ăn 27 học viên và dự kiến năm 2020 tổ chức 01 lớp dịch vụ nhà hàng cho 25 học viên.
Huyện Đăk Hà: Xây dựng Mô hình chăn nuôi heo sọc dưa; Mô hình nuôi gà; Mô hình trồng và trăm sóc cà phê vối; Mô hình trồng nấm.
Huyện Tu Mơ Rông: Xây dựng mô hình trồng sâm dây tại 03 xã: Đăk Hà, Đăk Sao, Đăk Na; Mô hình chăn nuôi bò tại xã Đăk Sao để thực hành và nhân rộng.
Việc triển khai các mô hình nêu trên đã giúp người nông dân thay đổi nhận thức về vị trí vai trò của công tác đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế- xã hội. Sau khi kết thúc khóa học, đa số học viên đã nắm bắt được kiến thức và áp dụng vào thực tế ngay trong kinh tế gia đình, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục phát huy sáng kiến, đổi mới trong tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chính quyền các cấp cần quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, chú trọng tuyên truyền để các đối tượng chính sách nắm rõ và biết để hưởng ứng tham gia học nghề; thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng hình thức đặt hàng đào tạo; nêu cao vai trò trách nhiệm, thu hút sự tham gia của các ngành, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể có liên quan và chính quyền các cấp. Đẩy mạnh tuyên truyền mô hình đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập.
Thứ hai, xây dựng và ban hành Quy trình tổ chức triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các chương trình, dự án, chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; thu hút các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho Nhân dân từ các chương trình, dự án thuộc Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, Chương trình Giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030,... khắc phục tình trạng người tốt nghiệp không được hỗ trợ vốn hoặc các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ vốn cho người lao động nhưng không được đào tạo nghề nghiệp như trong thời gian qua.
Thứ ba, các mô hình đào tạo nghề phải được thực hiện trên cơ sở tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề sát thực tế từ cơ sở; tổ chức theo phương thức đặt hàng đào tạo, hình thành nhóm sở thích; phù hợp kế hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững (mô hình đào tạo nghề, tạo việc làm tại các dự án đầu tư lớn; mô hình đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, phát triển ngành nghề trong nông thôn; mô hình đào tạo nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, thực hiện tác cơ cấu ngành nông nghiệp;…); gắn việc làm và thu nhập của mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề.
Thứ tư, tổ chức rà soát đội ngũ lao động có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh là các nhà khoa học, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành, người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 1 hoặc chứng nhận bậc thợ 3/7, 2/6 trở lên, nghệ nhân cấp tỉnh, nghệ nhân làng nghề, nông dân sản xuất giỏi, người trực tiếp làm nghề liên tục từ 5 năm trở lên,… Xây dựng chính sách hỗ trợ, tổ chức khóa đào tạo kỹ năng dạy học cho người có tay nghề cao nhằm tăng cường các giải pháp thu hút, đào tạo và sử dụng lao động có tay nghề cao, nghệ nhân tham gia đào tạo nghề tại địa phương.
Thứ năm, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo phù hợp, đảm bảo quyền lợi của đội ngũ nhà giáo, người lao động trên tinh thần Nghị quyết 03/NQ-CP. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo GDNN đồng bộ phải thiết thực, phù hợp với trình độ đào tạo và công nghệ sản xuất tại địa phương, tránh đầu tư dàn trải không hiệu quả./
U Minh Nam
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.