banner
Thứ 5, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Kết quả thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế- xã hội dân tộc thiểu số rất ít người trên địa bàn huyện Ngọc Hồi
31-8-2020

Ngọc Hồi là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây bắc tỉnh Kon Tum,   đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 56,41% số dân trên toàn huyện, với 17 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có dân tộc Brâu hiện đang sinh sống tại thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (161hộ/513 khẩu), là một trong năm dân tộc rất ít người của cả nước (có dân số dưới 1.000 người).

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ cho vùng DTTS rất ít người trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người Brâu. Đến nay, thôn Đăk Mế cơ bản đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng để phấn đấu thực hiện các mục tiêu về nông thôn mới; hệ thống đường giao thông được quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển nông sản; hệ thống thủy lợi đáp ứng đủ nhu cầu về tưới tiêu trong sản xuất; trên 90% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số hộ trong thôn có điện lưới. Đã kịp thời thực hiện hỗ trợ cây, con giống và vật tư, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật...; hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ sản xuất cho dân tộc Brâu. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của người Brâu được quan tâm, nghề truyền thống của đồng bào được khôi phục, phát triển. Các chế độ, chính sách dành cho người DTTS rất ít người được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS, đảm bảo duy trì sĩ số học sinh đến trường, hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm; công tác bảo vệ và phát triển dân số dân tộc Brâu được các cấp, các ngành chú trọng triển khai, thực hiện. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng DTTS rất ít người tiếp tục được giữ vững, ổn định; các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường, công tác đảm bảo an toàn giao thông luôn được tăng cường...

Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với DTTS rất ít người Brâu trong giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 2086/TTg. Giai đoạn 2016-2019, kinh phí thực hiện các nội dung là: 4,375 tỷ đồng; đạt 100% so với kế hoạch giao. Gồm các nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi; Cấp con giống (bò giống) và cây giống (cây cà phê), vật tư; Hỗ trợ cồng chiêng; ti vi và bộ âm ly; Hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất; thăm quan, học tập Mô hình sản xuất.

Mô hình trồng cà phê của chị Y Hiệp, dân tộc B râu sinh sống tại làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (nguồn Ảnh tác giả: A Lê Khăm: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum)

Bằng nhiều nguồn lực của Trung ương như Chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, đã chủ động phân cấp đầu tư, lồng ghép và ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn xã Pờ Y với kinh phí thực hiện 66,655 tỷ đồng, trong đó có thôn Đăk Mế; tuyên truyền vận động nhân dân cùng chung tay đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất đai, cây cối và vật kiến thức để thực hiện xây dựng các công trình giao thông nông thôn, nhà văn hóa, khu thể thao các thôn trên địa bàn xã. Đến cuối năm 2019, xã Pờ Y đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.

          Đến nay, toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn thôn Đắk Mế được đảm bảo theo chuẩn nông thôn mới, cải tạo, nâng cấp cơ bản cầu, cống dân sinh; đường thôn được cứng hóa, đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa, các tuyến đường có chiều rộng nền đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn thôn được đầu tư theo Chương trình xây dựng Nông thôn mới của xã; Hệ thống điện trên địa bàn xã được đầu tư nâng cấp, 100% người dân thôn Đắk Mế được sử dụng điện lưới quốc gia. Đầu tư phát triển giáo dục trên địa bàn xã Pờ Y, đến nay cơ sở vật chất trường học các cấp học trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia từ 70% trở lên. Nhà sinh hoạt cộng đồng của người Brâu tại thôn Đắk Mế được xây dựng có sự giám sát, lựa chọn của công đồng, thôn có có sân bóng đá (tạm), sân bóng chuyền để tổ chức các hoạt động thể thao ... nhà rông gồm 01 ti vi và bộ âm ly, 01 tủ - kệ ti vi.

Việc hỗ trợ tạo đất sản xuất cho đồng bào DTTS rất ít người Brâu cơ bản đã thực hiện trong giai đoạn 2011-2015; trong giai đoạn 2016-2020 có 01 hộ là người DTTS rất ít người Brâu được hỗ trợ việc khai hoang đất sẩn xuất (chuyển đổi nghề) với kinh phí thực hiện là 5 triệu đồng.

Tuyên truyền vận động đồng bào các DTTS nói chung, đồng bào Brâu nói riêng về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống của dân tộc. Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của của Đảng và nhà nước về bảo tồn văn hóa, các chính sách ưu đãi để đồng bào tự giác, tích cực tham gia bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa, những sản phẩm truyền thống độc đáo và tham gia truyền nghề, học nghề; khơi dậy trong đồng bào các DTTS tại chỗ niềm tự hào và yêu thích sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc. Tổ chức khảo sát kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn huyện, khảo sát xây dựng làng văn hóa truyền thống tại xã Đắk Dục và Pờ Y; kiểm kê di sản văn hóa dân tộc Brâu, làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi. Giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ 02 bộ Chiêng Tha, 02 bộ Chiêng Goang; cấp 05 khung dệt cho 05 hộ gia đình biết làm nghề dệt truyền thống người Brâu; tổ chức hội nghị tuyên truyền, tập huấn sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc Brâu cho 45 người dân thôn Đăk Mế.

Phục dựng nghi lễ cúng mừng lúa mới của người Brâu ở làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi. (nguồn Ảnh: Quang định, Báo Kon Tum)

Qua triển khai thực hiện, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Brâu được bảo tồn, khôi phục như: 04 lễ hội truyền thống gồm:  Đâm trâu cúng mùa gieo trồng vào tháng 4, mừng lúa về kho vào tháng 10, mừng lúa mới vào tháng 11 và lễ hội mừng năm mới; các phong tục hôn nhân, ma chay; nghệ thuật âm nhạc, các loại nhạc cụ; trang phục riêng; sinh hoạt văn hóa truyền thống như thả diều, đi cà kheo, đánh phết; các nghề truyền thống bảo tồn và phát triển…góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào.

Quan tâm rà soát việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ đối với người DTTS Brâu. Hiện UBND xã Pờ Y đã bố trí được 01 công chức địa chính, 02 dân quân, 01cán bộ lâm nghiệp, 01 nhân viên Y tế thôn là người DTTS Brâu công tác tại đơn vị. Đầu năm 2020, có 01 sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm là người DTTS Brâu đến liên hệ công tác trong ngành giáo dục của huyện, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng đối với trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, hiện sinh viên nói trên đã lập gia đình và công tác ở địa phương khác.

Giai đoạn 2016-2020, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành thực hiện tốt các chương trình, chính sách về giáo dục và y tế cho người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đối với người DTTS rất ít người Brâu. Bố trí 01 nhân viêc Y tế thôn bản  làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại thôn Đăk Mế. Tỉ lệ trẻ em từ 1-5 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 100%; 100% các hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hoc đường dành cho học sinh DTTS, trong đó có Chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh DTTS rất ít người theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Căn cứ vào số lượng học sinh hàng năm, UBND huyện phân bổ kinh phí thực hiện hỗ trợ cho các em học sinh DTTS Brâu theo theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS rất ít người Brâu vẫn còn nhiều khó khăn như: Đồng bào Brâu sống ở xã biên giới, địa hình phức tạp, xa khu trung tâm và chịu tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra; xuất phát điểm về kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực thấp so với mặt bằng chung. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; công tác giảm nghèo chưa bền vững do thiếu nguồn lực đầu tư vào sản xuất cũng như điều kiện tiếp cận các tiến bộ khoa học còn khó khăn.Tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (văn hoá, thông tin, y tế,...) còn nhiều hạn chế và chưa kịp thời thời; dễ bị ảnh hưởng văn hóa ngoại lai qua phim ảnh, truyền hình, sách báo do vậy những giá trị văn hóa truyền thống dễ bị mai một, nhiều loại hình văn hóa dân gian có nguy cơ biến mất như cồng chiêng, xoang (múa dân gian), văn học truyền khẩu, phong tục tập quán cũng lai căng, biến tướng...

Để việc triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển Kinh tế- xã hội DTTS rất ít người trên địa bàn huyện Ngọc Hồi trong thời gian tới đạt hiệu quả, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Brâu hiện đang có nguy cơ mai một; quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, phát triển nghề truyền thống dân tộc (hỗ trợ nguyên liệu sản xuất; tìm đầu ra cho sản phẩm...). Bên cạnh đó, Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù bố trí việc làm tại địa phương cho sinh viên người dân tộc Brâu sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học.

Nguyễn Thanh Hưng

Số lượt xem:6688
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

Chung nhan Tin Nhiem Mang


4615845 Tổng số người truy cập: 73 Số người online:
Phát triển:TNC