Vườn sâm ngọc linh trên đỉnh ngọc linh, Ảnh: Lê Trung
Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở Bắc Tây Nguyên với tổng diện tích tự nhiên 9.689,61 km2. Dân số toàn tỉnh đến cuối năm 2018 đạt 533 nghìn người; dân tộc thiểu số chiếm 53,25% với 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê). Toàn tỉnh hiện có 09 huyện, 01 thành phố với 102 xã, phường thị trấn, gồm: 25 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I, 28 xã khu vực II và 49 xã khu vực III; 54 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 66 thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; có 2 huyện nghèo được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông) và 01 huyện nghèo mới bổ sung theo Quyết định 275/QĐ-TTg của của Chính phủ (huyện Ia H’Drai).
Trong những năm qua được sự hỗ trợ của Trung ương, nhiều chủ trương, chính sách đã được đầu tư, triển khai trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp; công tác phối hợp tuyên truyền của mặt trận, các đoàn thể, sự nhiệt tình, đồng thuận tham gia thực hiện của nhân dân. Việc triển khai thực hiện các chính sách đã tạo được những chuyển biến tích cực về nhiều mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng; giúp giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo… Đồng thời đã tạo sự chuyển biến tích cực về xây dựng môi trường văn hóa phong phú lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân và bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội của người dân khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số ngày càng lớn, môi trường sống ngày càng được cải thiện, điều kiện chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn; kiến thức sản xuất, trình độ học vấn, hiểu biết pháp luật của người dân từng bước được nâng lên. Kinh tế xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn, các xã vùng dân tộc thiểu số được cải thiện, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo và các xã vùng dân tộc thiểu số. Kết quả đạt được trên các mặt như: (i) Kết cấu hạ tầng, hệ thống đường giao thông được tập trung đầu tư, nâng cấp, bảo đảm sự kết nối giữa các vùng trong tỉnh và giữa các tỉnh trong khu vực, hiện đang tích cực triển khai một số công trình giao thông quan trọng, như: Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thành phố Kon Tum; Đường giao thông kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 24; Tuyến tránh thuỷ điện Plei Krông trên đường Hồ Chí Minh đoạn Tân Cảnh - Kon Tum; các cầu qua sông Đăk Bla... Nhiều tuyến đường liên xã, giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp đảm bảo thuận lợi cho sản xuất và phục vụ đời sống của Nhân dân. Phong trào "Toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn" được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh; các đường, ngõ nhỏ ở đô thị và các tuyến đường ở những khu vực khó khăn được tập trung xây dựng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Toàn tỉnh hiện có 5.943 km đường giao thông, trong đó có 3.366 km đường được bê tông hóa và láng nhựa chiếm 56,4%; so với năm 2015, tổng chiều dài đường giao thông tăng lên 1.948 km, tỷ lệ đường được bê tông hóa, láng nhựa tăng 1,15 lần (Quốc lộ 444 km, tỉnh lộ 444 km; huyện lộ 625 km; đường đô thị tăng từ 409 km lên 448 km; đường thôn, xã và trục chính nội đồng tăng từ 1.548 km lên 3.466 km; đường chuyên dùng 28 km; đường tuần tra Biên giới 435 km và đường Trường Sơn Đông 52 km).
Các công trình kè chống sạt lở được tập trung đầu tư đầu tư xây dựng, nhằm bảo đảm an toàn cho diện tích sản xuất, tài sản cũng như đời sống của người dân. Công tác xây dựng, tu bổ, sửa chữa các công trình thủy lợi được thực hiện thường xuyên, đảm bảo cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ công trình thủy lợi và công tác ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy để bảo vệ diện tích rừng hiện có và đảm bảo nguồn nước ngầm ổn định.
Hệ thống trường, lớp học tiếp tục được củng cố, mở rộng, tỷ lệ trường học kiên cố không ngừng được tăng lên. Toàn tỉnh hiện có 424 trường (140 trường mầm non, 146 trường tiểu học, 111 trường THCS và 27 trường THPT); trong đó có 158 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 37,3%.
Hạ tầng y tế được tăng cường; hoàn thành 20 công trình y tế cùng trang thiết bị hiện đại đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư, nâng cấp. Việc phục hồi, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa lịch sử được chú trọng, góp phần phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ.
Kết cấu hạ tầng đô thị được chú trọng đầu tư và có bước cải thiện đáng kể, nhất là thành phố Kon Tum, góp phần làm thay đổi diện mạo chung của tỉnh. Các công trình hạ tầng thiết yếu của huyện mới Ia H'Drai được tập trung thực hiện. Trung tâm xã, cụm xã, công trình hạ tầng thiết yếu ở vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Kon Tum được triển khai thực hiện tích cực, các dự án thủy điện hầu hết đã phát huy và đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Đến nay, tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới trên địa bàn tỉnh đạt 99,03% và tỷ lệ số thôn, làng có điện lưới quốc gia khoảng 99,44%.
Mạng lưới chợ được đầu tư và phát triển, phân bố tương đối phù hợp, hiện nay tỉnh có 27 chợ, trong đó có 04 chợ hạng II, 23 chợ hạng III (bao gồm cả chợ tạm).
(ii) Về đời sống của người dân: Thu nhập bình quân đầu người từ 31,96 triệu đồng năm 2016 lên 39,94 triệu đồng năm 2018. Thu nhập bình quân của hộ nghèo là 644 ngàn đồng/người/tháng; Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh tính đến cuối năm 2018 là 22.851, chiếm tỷ lệ 17,29% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh. Trong 3 năm, tổng số hộ thoát nghèo là 15.596 hộ. Tỷ lệ giảm hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 4,16% năm 2016 còn 4,08% năm 2018; Tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số toàn tỉnh là 21.392 hộ, chiếm tỷ lệ 30,89% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 6,05%/năm (từ 46,57% vào cuối năm 2015 xuống còn 30,89% vào cuối năm 2018). Trong 3 năm, tổng số hộ thoát nghèo dân tộc thiểu số là 13.894 hộ; Tổng số hộ cận nghèo toàn là 8.700 hộ, chiếm tỷ lệ 6,58% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh (từ 6,64% vào cuối năm 2015 còn 6,58% vào cuối năm 2018; trong 03 năm tổng số hộ thoát cận nghèo là 8.130 hộ, chiếm tỷ lệ 31,69% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh); Tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới trên địa bàn tỉnh đạt 99,03%; tỷ lệ số thôn, làng có điện lưới quốc gia khoảng 99,44% (toàn tỉnh vẫn còn 05 thôn chưa có điện). Tỷ lệ hộ xem Đài truyền hình Việt Nam đạt 96%; Tỷ lệ hộ nghe Đài tiếng nói Việt Nam đạt 98%. Tỷ lệ số dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 87,5%; tỷ lệ người nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 69%; tỷ lệ số dân sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn quốc gia - QC 02 là 33,8%; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến cuối năm 2018 đạt 90,79%; trong đó, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chiếm 23,99% tổng số người có thể bảo hiểm y tế (chưa bao gồm người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người DTTS sinh sống ở vùng đặt biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế); Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 22,2%; Tổng số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có xu hướng giảm dần, từ 351 trường hợp tảo hôn và 03 cặp kết hôn cận huyết thống (năm 2017) giảm xuống 172 cặp (207 trường hợp) và 01 cặp kết hôn cận huyết thống (năm 2018).
Bên cạnh những mặt đã đạt được trong thời gian qua và trong thời gian tới cần đề ra các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, bảo đảm các nguồn vốn đầu tư đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn thực sự có hiệu quả, tạo điều kiện để đồng bào phấn đấu vươn lên thoát nghèo một cách bền vững; giải quyết căn bản về tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt cho người dân; hỗ trợ đồng bào phát huy tiềm năng, thế mạnh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập để thoát nghèo bền vững.
Hai là, thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chương trình, dự án phục vụ trực tiếp cho công tác giảm nghèo. Triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững; quan tâm chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người cao tuổi, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, người khuyết tật. Thực hiện tốt phong trào đền ơn, đáp nghĩa và hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, về tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong việc thực hiện các chính sách dân tộc. Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn; tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp, các ngành; giải quyết những vấn đề bức xúc, nhạy cảm, nhất là các vụ việc nổi cộm ở vùng đồng bào DTTS, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự, bị động, bất ngờ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc; làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Bốn là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhất là đối với cấp uỷ, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp về vị trí, nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong tình hình mới.
Năm là, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ là người DTTS, nâng cao tỷ lệ cán bộ là người DTTS trong cấp ủy các cấp, HĐND các cấp, trong đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh.
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đồng thời giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc ở cơ sở./.
Nguyễn Xuân Lộc
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.