Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, kinh tế vùng đồng bào DTTS tiếp tục có những bước phát triển tiến bộ, đời sống đồng bào DTTS ở nhiều vùng được nâng lên; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS đã được quan tâm đầu tư, hoàn thiện; văn hóa, đời sống các DTTS được quan tâm; tự do, tín ngưỡng vùng đồng bào DTTS được đảm bảo; giáo dục và đào tạo ở vùng DTTS có sự chuyển biến tiến bộ; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân vùng đồng bào DTTS được chú trọng; dịch bệnh được kiểm soát; chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, giữ gìn sự ổn định.
Bên cạnh đó, cùng với chính sách dành cho Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo các Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ ban hành và thực hiện trong phạm vi cả nước; từ năm 2013 đến nay, tỉnh Kon Tum đã triển khai chính sách đối với Người tiêu biểu trong đồng bào DTTS. Đây là chính sách đặc thù, sáng tạo của địa phương, nhằm phát huy vai trò những tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như: phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trên địa bàn. Theo đó, trong 7 năm (2013-2019), Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thăm hỏi, động viên, biểu dương đối với hộ DTTS tiêu biểu cho 3.302 hộ, cá nhân người DTTS trên địa bàn tỉnh Trong đó: tổ chức thăm hỏi: 3.242 hộ, tổ chức Hội nghị biểu dương: 60 hộ), tổng kinh phí thực hiện trong 7 năm trên 1,5 tỷ đồng.
Với đặc thù là một tỉnh miền núi, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 55% dân số toàn tỉnh; việc tỉnh Kon Tum ban hành chính sách người tiêu biểu trong đồng bào DTTS là một chủ trương riêng của tỉnh, được giao cho Ban Dân tộc tỉnh thực hiện. Về tiêu chuẩn bình chọn người tiêu biểu cũng tương tự như Người có uy tín trong đồng bào DTTS (không ban hành quyết định công nhận mà đề xuất bình chọn từ thôn, xã khi có đề nghị dựa trên các tiêu chuẩn của người có uy tín); quy định bắt buộc người tiêu biểu không phải là người có uy tín được UBND tỉnh công nhận theo Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó đội ngũ Người tiêu biểu cũng được thăm hỏi, động viên, biểu dương thông qua hội nghị cả về tinh thần lẫn vật chất như Người có uy tín, kinh phí được trích từ ngân sách địa phương.
Qua triển khai thực hiện chính sách đã kịp thời động viên, khích lệ, biểu dương, ghi nhận những đóng góp của hộ gia đình người DTTS có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; nhiều vụ việc xảy ra ở cộng đồng, thôn, làng liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội đã kịp thời được già làng, trưởng thôn, người tiêu biểu phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở thôn nắm bắt báo cho các cấp chính quyền của địa phương hoặc giải quyết dựa trên luật tục, hương ước, quy ước và uy tín của cá nhân, không để xảy ra điểm nóng tại cơ sở đã góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trên cơ sở đó nhân rộng các mô hình, điển hình, cách làm hay, hiệu quả của tập thể, cá nhân là người DTTS trong vùng dân tộc và miền núi để cho các hộ trong thôn, làng học hỏi và noi theo.
Trong chuyến công tác thăm hỏi người tiêu biểu năm 2018 tại làng O, xã YaXiêr, huyện Sa Thầy, chúng tôi gặp và trao đổi với Ông A Sưnh, Phó Chủ tịch UBND xã là người tiêu biểu đề nghị Ban Dân tộc tỉnh tổ chức thăm hỏi, biểu dương năm 2018.
Với vai trò là Phó Chủ tịch UBND xã, ông đã thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình; tham gia nhiều ý kiến với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã, thôn trong việc tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; định hướng phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn xã, nhất là việc góp phần vận động chấm dứt tình trạng thanh niên trong thôn, làng không nghe, không tin lời kẻ xấu xúi dục, dụ dỗ lôi kéo vượt biên trái phép.
Về phát triển kinh tế kinh tế hộ, gia đình ông là một trong những hộ đi đầu trong việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn bà con dân làng tập trung phát triển cây công nghiệp như: cao su, bời lời và chăn nuôi để có cái ăn, cái mặc, nuôi con học hành, biết cái chữ để sau này về giúp thôn, làng... Đến nay gia đình ông có hơn 3,5 ha cao su đang trong giai đoạn thu hoạch, 03 ha đất trồng bời lời, sắn, ruộng nước... Bên cạnh phát triển trồng trọt, gia đình ông còn có hàng chục con bò, lợn; mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Làm kinh tế giỏi, ông luôn quan tâm đến việc học hành của con cái, gia đình ông có 03 người con đều đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học và đang công tác tại các cơ quan nhà nước trong và ngoài tỉnh; 02 người con đang học đại học. Noi gương ông, nhiều gia đình tại thôn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.Với những thành tích đạt được, gia đình ông được công nhận “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, Hội Nông dân tỉnh tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; Ban Thường vụ Hội khuyến học tỉnh Kon Tum công nhận đạt gia đình hiếu học tiêu biểu toàn tỉnh giai đoạn 2008- 2013; UBND huyện Sa Thầy, xã Ya Xiêr tặng nhiều bằng khen, giấy khen trong các phong trào... Ông là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, gia đình hiếu học để bà con trong thôn, làng học hỏi và noi theo.
Ông A Sưnh đứng bên cạnh rất nhiều bằng khen, giấy khen của gia đình.
Tại xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, tôi được anh Lê Bá Thế, Chủ tịch UBND xã giới thiệu anh A Diêng, 44 tuổi, người dân tộc Xơ Đăng, cư trú ở làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei là điển hình trong việc mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất cây ngắn ngày, kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu và đặc biệt là mô hình trồng cây cà phê xứ lạnh; bên cạnh đó gia đình anh còn tổ chức máy xay xát, bán hàng tạp hóa kết hợp chăn nuôi gia súc có hiệu quả.
Sinh ra và lớn lên dưới chân núi Ngọc Linh được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, từ bao đời nay, gia đình anh cũng như bao gia đình người Xơ Đăng khác chỉ biết trồng lúa, sắn, ngô... Do địa bàn xã Mường Hoong nằm cách xa trung tâm huyện trên 50 km, đường sá đi lại khó khăn nên việc vận chuyển nông sản tiêu thụ tốn nhiều chi phí, giá cả bấp bênh nên hiệu quả kinh tế thấp. Qua nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, được cán bộ các phòng, ban của huyện, xã hướng dẫn và kinh nghiệm tích lũy, từ năm 2012 gia đình anh đã quyết định chuyển đổi diện tích sang trồng 02 ha cà phê xứ lạnh. Bên cạnh đó anh là một trong số ít những hộ gia đình dám nghĩ, dám làm; nhận thấy việc người dân phải dùng cối để giã thóc, ngô... tốn nhiều công sức, lại rất vất vả, từ năm 2010 gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy xay xát để giải quyết nhu cầu của người dân, kết hợp bán hàng tạp hóa cho bà con trong thôn; đầu tư chuồng trại nuôi hơn 20 con heo từ việc tận dụng các nguồn cám, thóc từ máy xay xát.
Để cà phê phát triển tốt và phòng chống các loại dịch bệnh lây lan anh đã đầu tư mua máy tưới nước, tận dụng phân từ chăn nuôi, phân hóa học và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên diện tích cà phê của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt. Hàng năm từ các nguồn đã cho gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Đến nay, gia đình anh đã có căn nhà khang trang, với nhiều tiện nghi sinh hoạt gia đình. Các con anh được đến trường học tập đến nơi, đến chốn.
Vừa làm vừa tìm tòi, nghiên cứu, trong năm 2016, 2017 gia đình đã quyết định đầu tư trồng thêm 02 sào hồng đẳng sâm, 100 gốc sâm Ngọc Linh. Đây là những loại cây trồng có giá trị kinh tế rất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Có được cái ăn, cái mặc gia đình anh không quên nghĩ đến tình làng nghĩa xóm, dù bận rất nhiều công việc nhưng anh Diêng vẫn thường xuyên thăm hỏi, động viên bà con trong thôn, làng; có nhiều đóng góp vào các công tác xã hội ở địa phương; giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn như: cho mượn vốn mua giống cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn, cung cấp tài liệu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay, mô hình của gia đình anh Diêng được đánh giá là mô hình làm ăn có hiệu quả, cần được học tập và nhân rộng trong vùng dân tộc và miền núi.
Khẳng định hiệu quả của chính sách đối với Người tiêu biểu trong đồng bào DTTS trong 7 năm vừa qua trên địa bàn tỉnh. Cùng với đội ngũ Người có uy tín, vai trò tích cực của Người tiêu biểu trong đồng bào DTTS đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn, khuyến khích đồng bào các DTTS tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; góp phần giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực nguồn lực để thực hiện chính sách còn rất hạn chế. Bình quân mỗi năm, Ban Dân tộc được UBND tỉnh bố trí khoảng 250 triệu đồng để tổ chức biểu dương, thăm hỏi Người tiêu biểu; trong khi đối tượng là người tiêu biểu trong các lĩnh vực trên địa bàn thôn, làng vùng DTTS là nhiều.
Mong rằng, trong thời gian, cùng với các chương trình, chính sách của Trung ương, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm ban hành chính sách đặc thù đối với người dân vùng dân tộc và miền núi, trong đó xem xét xét bố trí thêm nguồn lực để kịp thời động viên Người tiêu biểu phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn.
Nguyễn Thanh Hưng
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.