Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Ia Đal, nhiệm kỳ 2015-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã giai đoạn 2015-2020. Trên cơ sở các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn giành sự quan tâm đặc biệt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các chương trình chính sách lớn như: 30a, 135, các dự án, chính sách ưu đãi, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, dân sinh… được triển khai rộng rãi trên địa bàn xã. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể các cấp và Nhân dân xã Ia Đal luôn giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức; đề ra các giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã.
Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình đầu tư trên địa bàn; thường xuyên vận động nhân dân phát triển sản xuất, phát triển các hình thức chăn nuôi, trồng cây công nghiệp phá thế độc canh cây cao su, phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân.
Tập trung đẩy mạnh công tác khai hoang mở rộng diện tích lúa nước qua 5 năm thực hiện được 15ha, tăng 9ha so với năm 2015. Chú trọng công tác chăn nuôi nâng tổng đàn gia súc từ 713 con lên 1.679 con năm 2019, gia cầm từ 6.751 con năm 2015 lên 14.178 con năm 2019. Chỉ đạo công tác tuyên truyền cho nhân dân ấp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho giống cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng năng xuất. Tiếp tục thực hiện chương trình định canh, định cư gắn với địa bàn sản xuất, thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư theo quy hoạch, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng.
Các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như 30a, dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình135; các hợp phần hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất thuộc Quyết định 755/TTg được tập trung triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tốt. Nhiều chương trình vay vốn sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm cho nhân dân được quan tâm, tạo điều kiện cho nhân dân ổn định đời sống. Thương mại dịch vụ có bước phát triển; công tác thu chí ngân sách đạt chỉ tiêu cấp trên giao.
Mô hình trồng cà phê vối của gia đình Anh Nông Văn Kế (Thôn 8, xã Ia Đal)
Tham mưu cho cấp trên hỗ trợ công cụ sản xuất, cây con giống phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng cho hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn để phát triển kinh tế, công tác xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến đáng kể. Tính đến cuối năm 2018 còn 53,14% (483 hộ nghèo), giảm 21,47% so với năm 2016 (667 hộ, chiếm tỷ lệ 74,61%).
Tuy nhiên, do là xã mới được thành lập năm 2014 đến nay nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã vẫn còn thiếu thốn, đời sống nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Nhân dân chủ yếu là công nhân cao su, giá mủ cao su thấp; diện tích đất nông nghiệp ít, chủ yếu tận dụng bờ lô, hộp thủy để sản xuất; giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đường đất; thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài. Trình độ nhận thức của nhân dân còn thấp, một bộ phận người dân còn chưa thụ động, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thiếu ý chí vượt khó vươn lên thoát nghèo. Nền nông nghiệp của xã còn mạnh mún, phương thức sản xuất, tập quán canh tác còn lạc hậu, chủ yếu là tự cung tự cấp, phần lớn dựa vào tự nhiên; công tác vận động, tuyên truyền chuyển đổi phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế.
Để triển khai thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn xã Ia Dal trong thời gian tới đạt hiệu quả, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để cán bộ và quần chúng nhân dân các dân tộc nhận thức sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nhất là các chính sách về dân tộc, góp phần lớn trong thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc.
Hai là, Tập trung chỉ đạo và đôn đốc triển khai thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của các chương trình, chính sách trên địa bàn huyện.
Ba là, Tăng cường thêm các nguồn vốn vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp như vay hỗ trợ sản xuất, vay giải quyết việc làm, định mức vay cho mỗi hộ cần tăng lên để có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình. Đầu tư ngân sách để mở các mô hình, lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, cách làm ăn cho người nghèo.
Bốn là, Có cơ chế chính sách để khuyến khích việc thành lập Hợp tác xã, Tổ hợp tác theo hình thức liên kết giữa Nhà nước và tư nhân để làm nơi tập hợp người dân tổ chức phân công sản xuất, bao tiêu nông sản làm ra, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Năm là, Thường xuyên theo dõi tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của đồng bào trên mọi lĩnh vực như về sản xuất và đời sống, lao động và việc làm, về tình hình an ninh trật tự xã hội trong vùng đồng bào DTTS. Qua đó kịp thời tham mưu, đề xuất với các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ những bức xúc khó khăn, ổn định đời sống và an ninh trật tự.
Nguyễn Thanh Hưng
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.