banner
Thứ 6, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Kết quả thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trong 6 tháng đầu năm 2019 tỉnh Kon Tum
24-8-2019

Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo, đã góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2018 là 22.851 hộ, chiếm tỷ lệ 17,29% tổng số hộ dân toàn tỉnh; trong đó có 21.392 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 30,89% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh; Số hộ cận nghèo 8.700 hộ, chiếm 6,58% tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 7.807 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 11,27% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo Kon Plông và Tu Mơ Rông đến 31 tháng 12 năm 2018 giảm còn 5.535 hộ, chiếm 42,41% tổng số hộ dân trên địa bàn 02 huyện (bình quân giảm 7,01%/huyện/năm).

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn huyện, xã, thôn, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã là 80,4%; 86/86 xã đã có trạm y tế, có đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% xã có bác sỹ; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 89,5%; 100% các huyện, thành phố có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân. Có 160 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 87% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm trên địa bàn.

100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua báo chí, các xuất bản phẩm và phương tiện truyền thông khác. Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.960 lao động nông thôn.

Thực hiện các dự án thành phần thuộc Chương trình: (i) Dự án 1: Chương trình 30a, về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo: Đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh tại 03 huyện nghèo; Hệ thống đường giao thông trên địa bàn các xã được nâng cấp, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa. Các công trình thủy lợi, hệ thống cấp thoát nước được xây dựng, hệ thống trường lớp học được đầu tư, sửa chữa, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và học tập của người dân trong vùng vơi kinh phí thực hiện đã thực hiện giải ngân 72.689,04 triệu đồng, đạt 44,59% so với kế hoạch năm; về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, thực hiện mua vắc xin tiêm phòng thực hiện Chương trình quốc gia lở mồm, long móng; thực hiện các nhiệm vụ về giao khoán, bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với kinh phí thực hiệngiải ngân là 1.730,87 triệu đồng, đạt 8,88%; Về hỗ trợ đưa lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, được bố trí 653 triệu đồng, hiện các địa phương đang triển khai thực hiện; (ii) Dự án 2: Chương trình 135, tổng kế hoạch giao vốn 92,164 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở... đến nay đã thực hiện 34,455 tỷ đồng, đạt 37,38% kế hoạch năm, trong đó đã đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn, thủy lợi, điện sinh hoạt, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, nước sinh hoạt…; Tổ chức 03 Hội nghị tập huấn, nâng cao năng lực cho 291 đối tượng là cộng đồng tham gia. (iii) Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, kế hoạch giao ngân sách Trung ương bố trí 1.156 triệu đồng để triển khai thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; (iv) Dự án 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, tổng kế hoạch vốn năm 2019 được ngân sách Trung ương bố trí là 5.263 triệu đồng để thực hiện hoạt động truyền thông về giảm nghèo và giảm nghèo về thông tin. Các đơn vị được giao nhiệm vụ đã tổ chức khảo sát và lựa chọn địa điểm lắp đặt Cụm thông tin cơ sở tại khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y, giá trị giải ngân đạt 68 triệu đồng, đạt 1,29% kế hoạch năm; (v) Dự án 5: Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá, kế hoạch năm 2019 được bố trí để thực hiện nhiệm vụ nâng cao năng lực và giám sát đánh giá là 823 triệu đồng từ nguồn ngân sách trung ương, thực hiện giải ngân được 75,72 triệu đồng, đạt 9,2% kế hoạch năm.

Cầu treo thôn Ri Nầm xã Đăk Môn huyện Đăk Glei được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135 

Để đạt được những kết quả trên, BCĐ các CTMTQG tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các CTMTQG bám sát các chủ trương, định hướng của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về giảm nghèo bền vững; Chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các CTMTQG phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế; định kỳ tiến hành kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG. Kịp thời triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ phát sinh, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ, ngành Trung ương.

Các thành viên BCĐ các CTMTQG tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã tích cực tham mưu các cấp có thẩm quyền chuyển nguồn, phân bổ kế hoạch vốn thực hiện các CTMTQG ngay sau khi được Trung ương bố trí chi tiết; cụ thể hóa và ban hành các cơ chế, chính sách, các quy định về giảm nghèo bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và điều kiện nguồn lực của địa phương; chủ động hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động, dự án thành phần của các chương trình, xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng đặc biệt khó khăn, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên việc thực hiện chương trình vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: Tiến độ thực hiện, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn còn thấp, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp do nhiều nội dung, nhiệm vụ các đơn vị, đại phương chậm triển khai thực hiện (nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn…); Đối với các công trình có giá trị gói thầu nhỏ, đa số đơn vị thi công không tạm ứng mà thực hiện thanh toán một lần sau khi công trình hoàn thành nên ảnh hưởng đến kết quả giải ngân; Sự phối hợp giữa các địa phương và các cơ quan chủ chương trình chưa được chặt chẽ, đồng bộ; Các đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến báo cáo và đề xuất những tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ của từng chương trình, dự án; tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ theo đề cương, biểu mẫu hướng dẫn, báo cáo còn thiếu thông tin, thiếu nguồn vốn, dẫn đến khó khăn trong công tác tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.

Bên cạnh những mặt đã đạt được trong thời gian qua và để thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác thông tin, truyền thông, công tác giáo dục chính trị tư tưởng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp Nhân dân về giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh; Tăng cường công tác chỉ đạo từ cấp tỉnh đến các cấp huyện, xã thông qua chương trình công tác của BCĐ các CTMTQG các cấp nhằm bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn; Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hỗ trợ hiệu quả cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu và thôn, làng đặc biệt khó khăn; tăng cường hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn các xã; Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định./.

Nguyễn Xuân Lộc

Số lượt xem:5086
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

Chung nhan Tin Nhiem Mang


4618217 Tổng số người truy cập: 49 Số người online:
Phát triển:TNC