Trong giai đoạn năm 2014-2019, thực hiện các Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc dưới sự lãnh đạo của Thường trực Huyện uỷ, sự hỗ trợ của Trung ương, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện. Cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo triển khai kịp thời, đảm bảo hiệu quả và đạt chất lượng đối với các chương trình, chính sách dân tộc.
Cùng với việc lồng ghép có hiệu quả các Chương trình MTQG và các Chương trình, chính sách dân tộc. Tình hình kinh tế - xã hội của xã đã có những chuyển biến tích cực; cơ cấu cây trồng, vật nuôi có sự chuyển dịch; đổi mới phương thức sản xuất; tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần cải thiện nâng cao đời sống; Khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của nhân dân được nâng lên, đặc biệt là người nghèo trên địa bàn xã; sản lượng lương thực, thu nhập bình quân đầu người và các chỉ tiêu khác đều vượt và đạt so với mục tiêu đề ra. Hệ thống hạ tầng nông thôn từng bước xây dựng đồng bộ phục vụ sản xuất, sinh hoạt và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Hệ thống chính sách về giảm nghèo và an sinh xã hội ngày càng được tăng cường, hoàn thiện và kịp thời; Nhân dân đã tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin).
Một góc xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà
Một số kết quả nổi bật như sau:
Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2014-2018. Về đầu tư cơ sở hạ tầng, trên địa bàn xã đã đầu tư, xây dựng mới, đầu tư chuyển tiếp và duy tu bão dưỡng 30 công trình, kinh phí là 2.014,5 triệu. Về hỗ trợ phát triển sản xuất đã hỗ trợ 12,4 tấn phân bón NPK; 105 máy cắt cỏ...với tổng kinh phí 893 triệu đồng; đáp ứng nhu cầu cho hơn 240 lượt hộ được hưởng lợi. Hỗ trợ phát triển theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg cho các hộ nghèo trên địa bàn xã đã được hỗ trợ 18,5 tấn giống lúa và ngô các loại; hàng trăm con giống gia súc, gia cầm với tổng kinh phí là 433,5 triệu đồng. Hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng việc hỗ trợ mua con giống cho 23 hộ, với kinh phí là 115 triệu đồng; 62 hộ vay vốn với kinh phí 920 triệu đồng để đầu tư mua bò, phục vụ cho việc sản xuất. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 30 trường hợp với tổng kinh phí hỗ trợ là 39 triệu đồng; Hỗ trợ nhà ở cho 27 hộ với tổng kinh phí là 570 triệu đồng. Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo hướng dẫn vận động nhân dân vay vốn tín dụng của Nhà nước dành cho hộ nghèo đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để tăng thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo. Trong thời gian qua, tổng dư nợ vốn vay trên địa bàn xã là: 28,4 tỷđồng/1.145 lượt vay. Chỉ đạo các bậc học thực hiện tốt chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, thực hiện cấp phát đầy đủ chế độ cho học sinh hộ nghèo, hộ DTTS. Công tác cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được triển khai thực hiện kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tham gia khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Công tác khám chưa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân đã có nhiều chuyển biến, chất lượng khám chưa bệnh từng nước được nâng cao. Công tác dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động được quan tâm; các cấp, các ngành thực hiện tốt các chế độ, chính sách hỗ trợ cho người nghèo; đã giải quyết khó khăn cho người nghèo, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình. UBND xã đã phối hợp trung tâm dạy nghề huyện tổ chức lớp đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây cà phê cho 161 học viên/06 lớp. Chính sách hỗ trợ đa dạng hoá sinh kế trên địa bàn được quan tâm thực hiện, là một trong những chính sách đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, ý nghĩa, góp phần trực tiếp vào kết quả giảm nghèo tại địa phương.
Mặc dù đã đạt được những kết quả như vừa nêu trên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn cũng còn một số tồn tại, hạn chế, như:
- Kết quả giảm nghèo trên địa bàn xã chưa bền vững. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm so với năm 2014 nhưng tỷ lệ hộ nghèo hiện nay vẫn còn cao (21,26%).
- Việc huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách Nhà nước và cơ chế đảm bảo nguồn lực thực hiện chương trình MTQG còn hạn chế.
- Kết quả của một số chương trình còn chưa vững chắc, tính bền vững của chương trình còn chưa cao. Gặp khó khăn trong việc duy trì kết quả thực hiện của Chương trình.
Từ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn xã như sau:
Một là, cấp ủy, chính quyền cần làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách dân tộc đến với mọi người dân, quan tâm chỉ đạo tận dụng Ngân sách Trung ương hỗ trợ để tập trung cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, thì nơi đó thực hiện tốt công tác dân tộc, tạo được sự đồng thuận cao, quần chúng nhân dân sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ, đóng góp sức người, sức của vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước; người dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, phấn đấu làm ăn, vươn lên thoát nghèo, cuộc sống được ấm no hạnh phúc, thông qua đó, an ninh chính trị, trật tự - xã hội cũng được giữ vững.
Hai là, phát huy tốt vai trò của các vị chức sắc, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xác định đây là lực lượng tiêu biểu nòng cốt luôn được đồng bào DTTS nghe theo. Thực hiện tốt công tác dân vận, thường xuyên đi sâu tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của đồng bào DTTS, từ đó đề xuất, triển khai thực hiện các chương trình, chính sách phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của người dân.
Ba là, tiếp tục phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp tập huấn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nâng cao năng suất chất lượng cây trồng vật nuôi góp phần từng bước nâng cao thu nhập người dân.
Bốn là, quan tâm thực hiện tốt công tác cán bộ, công việc, bồi dưỡng đối với cán bộ là người DTTS ở các cấp. Cán bộ, công chức công tác ở vùng DTTS ngoài kiến thức về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đòi hỏi có thêm những kiến thức về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tâm lý dân tộc, tôn giáo thì dễ tiếp cận, nắm bắt tâm tư tình cảm của đồng bào DTTS hơn.
Năm là, tập trung nguồn lực cho vùng DTTS, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bàoDTTS.
Sáu là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh, nắm bắt mọi diễn biến, tình hình, kịp thời phát hiện ngăn chặn và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, ý thức chấp hành pháp luật, phát huy dân chủ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự ở vùng dân tộc và miền núi.
Nguyễn Thanh Hưng
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.