Trong giai đoạn 2003-2018 một số chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum như: Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020.
Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS; trong thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã thành lập, kiện toàn các Ban chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, xã để triển khai thực hiện nhằm tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chính sách đạt hiệu quả, cụ thể như: Thành lập Ban chỉ đạo 134 cấp tỉnh; chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo 134 cấp huyện và Ban điều hành cấp xã; kiện toàn lại Ban chỉ đạo 134 của tỉnh để thực hiện Quyết định 1592/QĐ-TTg; thống nhất sử dụng Ban Chỉ đạo Đề án nâng cao chất lượng và đẩy nhanh công tác giảm nghèo các cấp để chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án theo Quyết định 755/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh; đối với Đề án thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg, ở cấp tỉnh giao Ban Dân tộc là Cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện; ở cấp huyện giao Phòng Dân tộc là cơ quan thường trực tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân huyện chỉ đạo thực hiện Đề án trên địa bàn.
Căn cứ các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Quyết định của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, chỉ thị, kết luận, kế hoạch để thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hoá bằng các Quyết định phê duyệt đề án và các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện; đồng thời, chỉ đạo cơ quan thường trực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện theo kế hoạch, cụ thể như: Quyết định số 605/QĐ-UB ngày 23/5/2005 phê duyệt Đề án "hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn trên địa bàn tỉnh Kon Tum"; bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Đề án, Ban Chỉ đạo Đề án 134 cấp tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; Quyết định số 133/QĐ-UBND, ngày 02/02/2010 phê duyệt Đề án ”Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, đồng thời Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1592/QĐ-TTg đã xây dựng kế hoạch công tác và phân công nhiệm vụ cho các thành viên và tổ chuyên viên giúp việc của Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; Quyết định số 1169/QĐ-UBND ngày 03/11/2014 về việc Phê duyệt Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, làng ĐBKK trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2014-2015; Quyết định số 1206/QĐ-UBND ngày 24/11/2015 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Đề án “Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2014-2015”; Quyết định số 1249/QĐ-UBND ngày 21/10/2016 về phê duyệt điều chỉnh chỉ tiêu một số nội dung “Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2014-2015” và các Văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện, giao cho Ban Dân tộc phối hợp với các sở ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Đề án; Quyết định số 941a/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 phê duyệt Đề án ”Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020”; Quyết định số 267/QĐ-UBND ngày 26/3/2019 về việc điều chỉnh, bổ sung một số điều Quyết định số 941a/QĐ-UBND ngày 20/9/2017; Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND ngày 11/12/2018 quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất cho mỗi hộ gia đình để làm cơ sở xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Trong giai đoạn 2003-2018, trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện các chính sách về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đạt được một số kết quả như: Tổng số hộ đã được hỗ hỗ trợ đất sản xuất và đất ở là 11.237 lượt hộ, trong đó hỗ trợ đất sản xuất cho 7.206 hộ, hỗ trợ đất ở cho 4.031 hộ với tổng kinh phí 108.047,4 triệu đồng (NSTW: 34.998,7 triệu đồng; NSĐP: 2.961,7 triệu đồng và vốn vay tín dụng: 70.087 triệu đồng).
Nội dung hỗ trợ chuyển đổi nghề thuộc Quyết định 755/QĐ-TTg phát huy hiệu quả tại Thị trấn Đăk Rve huyện Kon Rẫy
Việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn tỉnh nói chung và chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nói riêng luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; công tác phối hợp tuyên truyền của Mặt trận, các đoàn thể; sự nhiệt tình, đồng thuận tham gia thực hiện của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; giữa cơ quan chủ trì thực hiện Đề án với các Sở, ngành liên quan; công tác tổ chức rà soát đối tượng thụ hưởng, nhu cầu hỗ trợ của từng nội dung đều công khai, dân chủ từ cơ sở thôn, làng; các nội dung hỗ trợ đều gắn với quy hoạch và điều kiện thực tế của từng địa phương... vì vậy, các đối tượng được hỗ trợ thực sự phấn khởi, ngày càng thêm tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đã tạo điều kiện cho các hộ có diện tích đất để làm nhà ở ổn định, các hộ được hỗ trợ đất sản xuất từng bước phát triển sản xuất trên diện tích đất được hỗ trợ để nâng cao thu nhập hộ gia đình, giảm bớt khó khăn về tình trạng thiếu lương thực; góp phần làm tăng sản lượng lương thực của địa phương, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống và củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Một số địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ đã chuyển nội dung hỗ trợ về đất sản xuất sang hình thức hỗ trợ chuyển đổi nghề, những hộ này đã thực hiện các nội dung như: chăn nuôi bò cái, dê cái sinh sản; mua máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất…,đến nay, các con giống được chăm sóc và đang sinh trưởng, sinh sản tốt mang lại thu nhập cao cho người dân đã góp phần giúp cho các hộ gia đình có động lực phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống gia đình, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, ổn định cuộc sống lâu dài, đặc biệt đã góp phần thiết thực vào thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS vẫn còn một số tồn tại hạn chế như:
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tại một số địa phương chưa được thường xuyên nên một số đối tượng thụ hưởng chưa nắm hết các nội dung hỗ trợ của chính sách, việc xác định nhu cầu hỗ trợ chưa sát với thực tế tại địa phương, cơ sở; công tác phối hợp trong việc rà soát nhu cầu, đối tượng thụ hưởng của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chưa sát với nhu cầu thực tế (nhất là nội dung hỗ trợ đất sản xuất), số hộ thiếu đất sản xuất đăng ký nhu cầu hỗ trợ rất lớn nhưng địa phương không có đủ quỹ đất để cấp; số hộ đăng ký hỗ trợ đất ở (san tạo nền nhà) là hộ nghèo nên không đủ điều kiện để làm nhà, không tạo được quỹ đất; thời gian khảo sát, đăng ký nhu cầu khá lâu so với thời gian phê duyệt Đề án dẫn đến một số hộ không còn nhu cầu hỗ trợ, có nhu cầu chuyển sang hỗ trợ nội dung khác hoặc đã được hỗ trợ từ các Chương trình, chính sách khác nên khi triển khai thực hiện phải tổ chức rà soát lại và đề nghị điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ các nội dung theo Đề án được duyệt ở cơ sở gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, lúng túng như: xác định quỹ đất, thủ tục giải ngân; tình trạng mua bán chuyển nhượng đất đai (chủ yếu là đất sản xuất); tỷ lệ phát triển dân số cao, nhiều gia đình tách hộ khiến nhu cầu đất ở, đất sản xuất ngày một tăng cao đã làm phát sinh tình trạng một bộ phận lâm vào cảnh thiếu đất sản xuất; Trung ương phân bổ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho địa phương để triển khai thực hiện chưa kịp thời, không đảm bảo theo nhu cầu; kế hoạch vốn giao hàng năm còn thiếu đồng bộ giữa nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn sự nghiệp; giữa nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ với nguồn vốn vay; định mức hỗ trợ một số nội dung còn thấp như: hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, đất sản xuất trong khi đó nhu cầu của người dân thì nhiều, khác nhau, đối tượng được hỗ trợ thuộc hộ nghèo không có khả năng để góp thêm nên rất khó thực hiện; việc tổ chức lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án khác với Đề án còn hạn chế; đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn thiếu và yếu, cán bộ cơ sở phụ trách không ổn định, thường xuyên thay đổi; công tác phối hợp giữa các ngành chưa thật sự chặt chẽ, thường xuyên do đó việc triển khai thực hiện chính sách còn chậm, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chương trình, chính sách dân tộc nói chung và chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nói riêng cho người dân nắm được để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện chính sách tại địa phương.
Hai là; Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa đến công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, chính sách với tinh thần quyết liệt, sâu sát; làm tốt công tác phối kết hợp giữa các ngành, các cấp; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, đốc đốc triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc ở cơ sở; tạo điều kiện cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện.
Ba là; Các địa phương (huyện, xã) phải làm tốt công tác điều tra, rà soát nội dung, nhu cầu, đối tượng hỗ trợ ở cơ sở thôn, làng để xây dựng Đề án sát với nhu cầu thực tế; xác định mục tiêu, nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện của từng năm và cả giai đoạn; đề ra một số biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện đạt tiến độ, chất lượng, mục tiêu theo Đề án phê duyệt.
Bốn là; Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung hỗ trợ của chính sách, đảm bảo chất lượng, phát huy được hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Việc hỗ trợ đất sản xuất, đất ở phải gắn với cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, vay vốn, chuyển đổi nghề, phương án sản xuất tốt để giúp cho hộ ổn định sản xuất, thoát nghèo, định canh định cư bền vững; việc hỗ trợ đất ở phải gắn với phương án làm nhà thông qua các chương trình như: Nhà ở theo Quyết định 33/TTg (Quyết định 167/TTg giai đoạn 2), nhà Đại đoàn kết, nhà cho hộ chính sách,... vận động sự tham gia góp công, góp sức của chủ hộ, các tổ chức đoàn thể để xây dựng ngôi nhà khang trang hơn.
Năm là; Làm tốt công tác quy hoạch đất sản xuất, đất ở; công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, thu hồi, chuyển giao đất sử dụng không hiệu quả của các Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng, nông lâm trường về cho địa phương quản lý, xây dựng phương án sử dụng đất để giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho người dân; gắn với việc giao khoán, quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo điều kiện cho người dân có công ăn việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Sáu là; Hàng năm tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm đạt mục tiêu, kế hoạch; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết và thực hiện tốt chế độ báo cáo theo quy định.
Bảy là; Các Bộ, ngành Trung ương cần quan tâm bố trí đủ nguồn kinh phí theo nhu cầu và phân kỳ đầu tư và đồng bộ giữa nguồn vốn đầu tư với nguồn vốn sự nghiệp để địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất hỗ trợ đồng bào DTTS trong thời gian tới.
Trần Văn Tấn
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.