banner
Thứ 5, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Một số giải pháp trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Đăk Hà
12-12-2022

Huyện Đăk Hà có 11 đơn vị hành chính gồm 10 xã và 01 thị trấn, dân số có 85.787 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44,72% trên tổng số dân toàn huyện. Toàn huyện có 04 xã thuộc khu vực III, 01 xã thuộc khu vực II, 04 xã thuộc khu vực I, với 35/84 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định 612 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc. Tính đến cuối năm 2022 tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 1.507 hộ (hộ nghèo DTTS là 1.397 hộ, chiếm 92,70% tổng số hộ nghèo); tổng số hộ cận nghèo trên địa bàn huyện là 1.137 hộ (hộ cận nghèo DTTS là 1.018 hộ chiếm 89,63% tổng số hộ cận nghèo).

Trong năm 2022, việc triển khai thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tiếp tục được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua việc Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa VI) ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 16/02/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh Kon Tum (Khóa XVI); Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, nắm tình hình đời sống Nhân dân, đồng bào vùng DTTS và miền núi sau tết Nguyên đán Nhâm dần 2022; tăng cường thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới; thực hiện công tác phát triển nguồn nhân lực các DTTS trên địa bàn huyện; chỉ đạo triển khai các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Tập trung triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình; thành lập Tổ công tác và ban hành Quy chế hoạt động Chương trình. Thành lập Ban quản lý các Chương trình tại UBND các xã. Kịp thời ban hành các kế hoạch thực hiện Chương trình đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Căn cứ nguồn kinh phí được giao, kịp thời phân bổ kinh phí ngân sách trung ương thực hiện các tiểu dự án, dự án đảm bảo theo quy định, hướng dẫn. Theo đó, kế hoạch vốn Ngân sách trung ương phân bổ cho huyện Đăk Hà thực hiện Chương trình là 39.213 triệu đồng (trong đó, vốn ĐTPT là: 29.178 triệu đồng, vốn SN là: 10.036 triệu đồng); Nguồn vốn đối ứng từ NSĐP: 11.027 triệu; Nguồn vốn tín dụng, tính đến nay, nguồn tín dụng đã giải ngân được 5.080/15.370 triệu đồng, đạt 33,05% kế hoạch phê duyệt. Đối với các dự án, tiểu dự án, hiện nay, các đơn vị cơ bản đã phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình phê duyệt hồ sơ điều chỉnh dự án đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai thi công và giải ngân theo quy định. Đối với nguồn vốn sự nghiệp UBND huyện đang tập trung triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần cho đối tượng thụ hưởng theo quy định.

Ngoài ra trong năm 2022, đã tổ chức thăm hỏi; phối hợp với Ban Dân tộc tổ chức thăm hỏi, tặng 281 suất quà cho người có uy tín với kinh phí là 206 triệu đồng. Chỉ đạo các ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát triển khai thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện chỉ tiêu về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS trên địa bàn. Kết quả thực hiện chỉ tiêu về đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS, cụ thể: số hộ DTTS có đất ở là: 8.098 hộ/8.114 hộ, chiếm 99,80%; số hộ DTTS có đất sản xuất là: 7.994 hộ/8.114 hộ, chiếm 98,52% (đạt và vượt chỉ tiêu năm 2022 theo kế hoạch).

 

Mô hình phát triển trồng cà phê trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đăk Hà (Ảnh của TN)

Qua thực hiện Chương trình, đã góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hoá, xã hội tiếp tục có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào DTTS tiếp tục được nâng lên. Công tác an sinh xã hội, hỗ trợ các gia đình chính sách được quan tâm, đảm bảo cho các đối tượng chính sách được hưởng trợ cấp kịp thời và đúng chế độ. Triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động năm 2022 trên địa bàn huyện theo các Chương trình cho 495 chỉ tiêu, đạt 100% kế hoạch tỉnh giao.  Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được duy trì và giữ vững với 11/11 xã, thị trấn chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi; công tác phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ được duy trì và nâng cao. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia vùng DTTS & MN được chú trọng. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được triển khai thường xuyên. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao. Tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa có 07/10 xã đạt và giữ vững danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; xã có nhà văn hóa đạt chuẩn quốc gia đạt 100%; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng 51/51 thôn, đạt 100%. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 05/10 xã, đạt 50%; tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đạt 100%; tỷ lệ xã có đường ô tô đến Trung tâm xã 100%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 46,15 triệu đồng/người/năm, đạt 100,04% so với kế hoạch. Tình hình an ninh chính trị vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, kịp thời nắm bắt, xử lý đối với những vấn đề phát sinh ở cơ sở.

Bên cạnh kết quả đạt được và quá trình đi kiểm tra thực tế việc thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện còn một số khó khăn, vướng mắc như sau: trung ương chưa ban hành một số định mức để thực hiện một số nội dung theo quy định; phân bổ giao vốn chậm về thời gian; Danh mục các dự án thuộc Chương trình hầu hết với đặc thù là dự án có quy mô nhỏ, số lượng danh mục dự án nhiều, trong quá trình triển khai thực hiện dễ phát sinh việc điều chỉnh hoặc bổ sung danh mục. Công chức các cấp trên địa bàn huyện chưa được tập huấn các nội dung  thuộc Chương trình do trung ương chưa ban hành bộ tài liệu nên quá trình rà soát, thực hiện còn lúng túng. Một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần chưa ban hành hướng dẫn đầy đủ, khó đạt mục tiêu thực hiện theo kế hoạch được giao.

Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc; đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia vùng DTTS & MN năm 2022 và các năm tiếp theo trên địa bàn huyện có hiệu quả, huyện Đăk Hà đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Một là, Tiếp tục phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, phát huy cao sự tham gia tích cực chủ động của cán bộ, công chức, đảng viên và sự quan tâm của toàn xã hội đối với Chương trình.

Hai là, Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc; rà soát, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, làm cơ sở để tổ chức thực hiện Chương trình gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS & MN của huyện.

Ba là, Tăng cường chỉ đạo sự phối hợp giữa các phòng, ban có liên quan và UBND các xã, thị trấn trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình; kịp thời rà soát tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn được giao.

Bốn là,  Ưu tiên nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn thực hiện Chương trình trên địa bàn các xã, phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới những năm tiếp theo kế hoạch đề ra.

Năm là, Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện các nội dung dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình.

Sáu là,  Chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện và kịp thời giao mục, tiêu nhiệm vụ Chương trình năm 2023 cho các cấp, các ngành và tình hình thực tế của địa phương; chủ động bố trí ngân sách địa phương đối ứng thực hiện Chương trình theo quy định của trung ương và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh. Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của xã, thị trấn trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.

Bảy là, Tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện về triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Nguyễn Thanh Hưng

 

Số lượt xem:5892
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

Chung nhan Tin Nhiem Mang


4614298 Tổng số người truy cập: 93 Số người online:
Phát triển:TNC