banner
Thứ 5, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương khoá IX “về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” trên địa bàn tỉnh Kon Tum
13-10-2022

Sau 20 năm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đã đạt được những kết quả nổi bật trong lĩnh vực công tác dân tộc sau:

 Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam: Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum luôn quan tâm đến việc thực hiện công tác dân tộc, luôn xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đồng thời Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện về lĩnh vực công tác dân tộc góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả tích cực.

Giai đoạn 2012 - 2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện, giải quyết đầy đủ các chế độ chính sách trợ giúp xã hội cho 17.311 đối tượng bảo trợ xã hội; đến năm 2020 toàn tỉnh có 13.224 người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên, trong đó có 0,34 % là người cao tuổi. Thông qua hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đến năm 2021 các tổ chức Hội đã huy động được trên 134 tỷ đồng và mỗi năm có khoảng hơn 47.000 lượt người nghèo được hỗ trợ. Triển khai có hiệu quả công tác hỗ trợ giảm nghèo như: Mô hình nuôi heo sọc dưa, trồng hồng đảng sâm, sâm đương quy, dệt thổ cẩm, các mô hình trang trại … Ngoài ra, việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS.

Phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, xóa đói giảm nghèo: Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh tại 06 huyện nghèo như: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, nhà văn hóa... đã được đầu tư mới, nâng cấp theo tiêu chuẩn nông thôn mới, đảm bảo phục vụ người dân về sinh hoạt và sản xuất. Hỗ trợ cây công nghiệp (cây bời lời, keo lai…); gia súc (trâu, bò, lợn, dê..); vật tư (phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật…); hỗ trợ máy, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất cho 546 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135. Chỉ đạo triển khai thực hiện 12 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn 12 xã thuộc 07 huyện, thành phố, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân, đảm bảo giảm nghèo bền vững, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, đến nay, toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn là 16,15 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn tỉnh tăng, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đạt chỉ tiêu đề ra; đã đáp ứng các nhu cầu xã hội cơ bản cho người dân về tạo việc làm, phát triển sản xuất, về các dịch về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin..., công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân vùng đồng bào DTTS được chú trọng; dịch bệnh được kiểm soát; chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, giữ gìn sự ổn định; từ đó đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng khác trên địa bàn tỉnh. 

Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được phát huy. Tập trung thực hiện các tiêu chí về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở xã, thôn; gắn phong trào xây dựng "Khu dân cư văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Công tác phát thanh truyền hình bằng tiếng các DTTS được quan tâm thực hiện. Việc quản lý, sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng góp phần nâng cao ý thức của người dân địa phương trong việc bảo vệ và phát huy di sản cũng như giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa đến với khu khách thập phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những bất cập, hạn chế như sau:

- Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tuy giảm qua các năm nhưng chưa thật sự bền vững, nhất là ở vùng đồng bào DTTS; đời sống của đồng bào DTTS đã nâng cao, tuy nhiên mức sống, mức thụ hưởng các dịch vụ xã hội vẫn còn thấp so với các vùng, khu vực đồng bằng, đô thị trên địa bàn tỉnh; kinh tế một số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có phát triển nhưng chậm và chưa đồng đều, khả năng cạnh tranh thị trường của hàng hóa nông nghiệp vùng đồng bào DTTS thấp, giá cả các mặt hàng nông sản không ổn định. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế nên năng suất, chất lượng và sản lượng thấp, các sản phẩm chưa mang tính hàng hóa, khó tiêu thụ nên thu nhập còn thấp, không ổn định. Một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được xóa bỏ triệt để. Tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp kéo dài trong thời gian qua đã tác động rất lớn đền đời sống của Nhân dân, trong đó một bộ phận đồng bào DTTS đã bị ảnh hưởng.

- Hệ thống các chương trình, dự án, chính sách dân tộc nói riêng và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo  trong  xây  dựng và thực hiện chính sách (đối tượng, nội dung, địa bàn và quản lý điều phối).

- Điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn nên việc huy động nguồn lực ở địa phương còn hạn chế; nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương. Công tác điều hành, quản lý, tham mưu, tổ chức thực hiện ở các cấp, ngành còn những tồn tại, bất cập.

- Nguồn kinh phí được Trung ương phân bổ cho địa phương chậm, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương, thiếu hướng  dẫn  cụ thể nên gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện và làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, dự án; Một số chính sách suất đầu tư ít, định mức hỗ trợ thấp, chưa phù hợp với địa bàn vùng dân tộc và miền núi. Đa số chính sách có thời gian thực hiện ngắn (5 năm), trong khi đó thời gian chuẩn bị thủ tục xây dựng và trình một số Đề án chính sách mất nhiều thời gian nên khi chính sách được ban hành thì thời gian thực hiện còn lại rất ngắn; nhiều chính sách khi hết hiệu lực nhưng mục tiêu không đạt được do nguồn vốn Trung ương cấp không đủ.

Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, HĐND, Uỷ ban nhân dân; sự phối hợp chặt chẽ của Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; sự đồng thuận tích cực tham gia của người dân; Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy được tác dụng to lớn, thiết thực, tạo được sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Nhân dân và sự đồng thuận của xã hội về quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh. Các chế độ ưu đãi xã hội, phúc lợi xã hội và an sinh xã hội cho người dân được quan tâm; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển xã hội đã cơ bản hoàn thành và vượt so với kế hoạch; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục được cải thiện.

                                                                                     Trần Thị Y Tú

Số lượt xem:3189
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

Chung nhan Tin Nhiem Mang


4614401 Tổng số người truy cập: 140 Số người online:
Phát triển:TNC