banner
Thứ 5, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Tuyên truyền, vận động xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trong đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum
31-3-2022

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 18-3-2022 về tăng cường sự lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn, xây dựng và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Nhiều lễ hội văn hóa, nghề truyền thống, phong tục tốt đẹp, tiến bộ được khôi phục, giữ gìn và phát huy; nhiều hủ tục, phong tục không còn phù hợp từng bước được xóa bỏ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hủ tục, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số không còn phù hợp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đời sống của Nhân dân, như: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; mê tín dị đoan, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm trong đám tang, lễ hội, gây lãng phí, tốn kém…

Những hủ tục, phong tục không còn phù hợp còn tồn tại trong đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều nguyên nhân, được hình thành từ lâu đời và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tư tưởng người dân không muốn thay đổi, đặc biệt là các hủ tục, phong tục mang tính tâm linh, tín ngưỡng.

Trước đó, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo rà soát, lập danh sách các hủ tục lạc hậu, tập tục không còn phù hợp (Văn bản 1683-CV/VPTU ngày 27-9-2021); UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa-TT&DL chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát, tham mưu lập danh mục những hủ tục lạc hậu, tập tục không còn phù hợp cần xóa bỏ hoàn toàn, những tập tục cần xóa bỏ một phần trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Qua rà soát và nghiên cứu, đối chiếu với các quy định, trên địa bàn tỉnh có 13 hủ tục, tập tục được xác định không còn phù hợp, trong đó: 05 hủ tục, tập tục không còn phù hợp đề xuất xóa bỏ một phần và 08 hủ tục, tập tục không còn phù hợp đề nghị xóa bỏ hoàn toàn, cụ thể:

Các hủ tục, tập tục không còn phù hợp đề xuất xóa bỏ một phần:

1. Củi hứa hôn (Củi cưới)

Tập tục này diễn ra tại các làng đồng bào dân tộc Giẻ-Triêng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Các cô gái Giẻ-Triêng, khi bước vào tuổi 16, ngoài thành thạo việc đan chiếu, dệt vải,… thì họ bắt đầu nghĩ đến việc vào rừng chặt củi để làm của hồi môn khi về nhà chồng. Việc này được các bà, mẹ tôn trọng, ủng hộ và chỉ dạy kỹ thuật, kỹ năng chặt, bổ củi sao cho đẹp, gọn gàng. Nhà gái phải chuẩn bị từ 100 – 300 bó củi để làm của hồi môn của cô gái khi về nhà chồng. Củi người Giẻ-Triêng chuộng nhất là củi từ cây Thông và cây Dẻ, hai loại cây này vừa cháy nhanh, vừa lâu tàn, thể hiện tình yêu cháy bỏng, bền lâu theo quan niệm của họ. Sau khi nhà gái cõng củi về nhà trai xong, nhà trai đáp lễ bằng việc giết mổ bò, heo, gà, rượu cần để mở tiệc mời nhà gái và cho nhà gái một phần thịt mang về.

Hiện nay những quy định về số lượng bó củi, loại củi đã dần dần đơn giản hóa theo hình thức tượng trương (dưới 50 bó củi), có thể tận dụng cây bời lời của gia đình sau khi thu hoạch.

Việc duy trì tập tục “củi hứa hôn” theo bản chất truyền thống với số lượng lớn bó củi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cô gái; vi phạm quy định về Luật Lâm nghiệp; Việc đáp lễ bằng cách giết mổ bò, heo, gà, rượu cần để mở tiệc mời nhà gái có thể gây áp lực, ảnh hưởng về kinh tế gia đình. Vì vậy, cần tuyên truyền, vận động người dân hạn chế số lượng bó củi, tận dụng cây gỗ do gia đình trồng (cây bời lời…), hạn chế việc chặt phá rừng (vi phạm Luật Lâm nghiệp 2017); hạn chế việc giết mổ vật nuôi nhằm ổn định kinh tế gia đình; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới xin (theo điểm b, Khoản 1, Điều 6 Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL, ngày 21/01/2011 của Bộ VHTTDL Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội).

2. Tục nhớ thương và cho người chết ăn

Tập tục này diễn ra tại các làng đồng bào dân tộc Giẻ-Triêng, Xơ đăng, Gia rai,…. Một người sau khi chết vẫn được cho ăn cơm, uống rượu. Lúc chưa chôn: rải cơm, rượu xung quanh thi hài (một số làng đã sửa đổi bằng cách đặt mâm cơm giữa nhà). Sau khi chôn: cắm một ống lồ ô rỗng ruột xuống lòng mộ, người nhà mang cơm, rượu ra đổ vào đó mỗi ngày 1 đến 2 lần, kéo dài đến 1 tháng thì chấm dứt.

Tập tục kéo dài ảnh hưởng đến thời gian, công sức, sức khỏe của người nhà có người chết. Cần vận động xóa bỏ một phần hoặc đơn giản hóa các hình thái tưởng niệm người chết. Đưa vào nội dung xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đối với các làng đồng bào dân tộc thiểu số theo Khoản 2, Điều 3 và Khoản 1, Điều 5 Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

3. Ăn uống kéo dài trong các dịp ma chay, cưới hỏi, lễ hội

Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, như: Xơ đăng, Gia rai, Giẻ-Triêng, Ba na,… Trong đám tang, đám cưới, lễ hội, mừng nhà mới,… đồng bào thường tổ chức ăn, uống rượu kéo dài trong nhiều ngày, mọi người ngồi ăn uống dưới đất, không có bàn ghế và có nhiều vật nuôi bị giết mổ (trâu, bò, heo, dê, gà,…) để cúng và phục vụ mọi người đến tham dự.

Tình trạng này ảnh hưởng nặng nề đến thời gian, tiền bạc, của cải, sức khỏe, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trong cộng đồng. Cần tuyên truyền, vận động người dân hạn chế, đơn giản hóa các thủ tục, đưa vào xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thôn, làng theo Khoản 2, Điều 3 và Khoản 1, Điều 5 Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

4. Thả rông gia súc, gia cầm

Tình trạng này xảy ra ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Xơ đăng, Gia rai, Giẻ-Triêng,… Lối chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức thả rông để vật nuôi tự kiếm ăn, không chăn dắt, không làm chuồng trại rất phổ biến trong đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là các làng đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Trường hợp, vật nuôi của gia đình này đến phá hoại hoa màu của gia đình khác thì phải đền bù với giá trị cao hơn so với năng xuất thực tế sau khi thu hoạch hoặc gia đình có hoa màu bị phá hoại giết chết vật nuôi, chia đều cho hai bên gia đình.

Việc thả rông gia súc, gia cầm làm cho hiệu quả chăn nuôi kém, vật nuôi phóng uế bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường; gia súc, gia cầm phá hoại hoa màu gây thiệt hại về kinh tế, gây bất hòa trong cộng đồng. Cần tuyên truyền, vận động bà con thay đổi phương thức chăn nuôi, làm chuồng trại, chăn dắt gia súc để mang lại hiệu kinh tế quả cao hơn. Đưa vào nội dung xây dựng, thực hiện hương theo Khoản 2, Điều 3 và Khoản 1, Điều 5 Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

5. Tập tục nợ miệng

Khi một gia đình người Gia rai có tang, bà con thân thuộc thường đưa súc vật (trâu, heo, dê,…) đến cùng với gia đình để giết thịt, tổ chức lễ tang. Số lượng gia súc giết thịt vượt quá số lượng cần thiết cho một đám tang thông thường. Tổ chức ăn thịt, uống rượu nhiều ngày tại nhà có tang và chia thịt cho mọi người mang về. Gia chủ phải ghi nhớ số người mang gia súc đến để sau này nhà ai có tang sẽ phải mang đến con vật ngang giá trị để trả nghĩa.

Hiện tượng này gây nên cảnh nợ nần, túng thiếu; việc tổ chức ăn, uống rượu kéo dài nhiều ngày tại đám tang làm mất ý nghĩa về văn hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây lãng phí, tốn kém cho người dân. Cần tuyên truyền, vận động người dân đơn giản hóa tập tục, hạn chế giết mổ súc vật, tiết kiệm chi phí. Vận động bà con giúp nhau bằng công cán, góp một ít tiền có tính tượng trưng như ở các cộng đồng khác, thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ (theo Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL, ngày 21/01/2011 của Bộ VHTTDL Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội)

Các hủ tục, tập tục không còn phù hợp đề xuất xóa bỏ hoàn toàn:

1. Kiêng cữ về chết xấu

Chết xấu được hiểu là chết bất đắc kỷ tử như là chết do tai nạn giao thông, ngã từ trên cây, cây đè, đuối nước, sét đánh, thú dữ vồ, tự tử, đẻ khó,... Đồng bào các dân tộc quan niệm chết xấu là do thần linh phạt do con người đã vi phạm luật tục (quan hệ trước hôn nhân…) hoặc do vật nuôi gây nên (vật nuôi giao phối khác loài…). Khi chết xấu, có dân tộc không đưa thi thể người chết vào trong làng để tổ chức tang ma, mà tổ chức ở rìa làng; có dân tộc vẫn đưa thi thể người chết vào trong làng. Người chết xấu không được chôn chung nghĩa địa với người chết bình thường (chết do ốm đau, bệnh tật).

Trong quá trình tang ma, chỉ có gia đình và họ hàng ruột thịt tổ chức đám tang, còn dân làng kiêng kị, không tham gia giúp đỡ, họ quan niệm nếu tham gia mọi xui xẻo, chết chóc sẽ đến với họ. Có những trường hợp người thân trong gia đình (một người) phải cõng người chết xấu trên lưng đưa đi chôn ở những nghĩa địa rất xa. Người chết xấu cũng không được chôn chung nghĩa địa với cộng đồng.

Sau khi chôn cất, gia đình cùng họ hàng ruột thịt và dân làng kiêng không đi làm rẫy trong thời gian 10 ngày hoặc chỉ có những người đưa người chết xuống huyệt kiêng không đi làm 10 ngày, còn người thân và dân làng kiêng không đi làm vào các ngày thứ nhất, thứ 3 và thứ 10 (đặc biệt, tuyệt đối không xuống giống cây trồng trong 10 ngày sau khi chôn), hình thức kiêng cữ này mỗi làng có quy định riêng. Gia đình có tang sẽ giết mổ một số gia súc, gia cầm để ăn uống sau khi chôn cất và số vật nuôi còn lại của tang chủ thì anh em trong gia đình đem bán hết với giá rất rẻ so với giá thị trường. Qua một năm, họ có thể tiếp tục thực hiện lại việc chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Tập tục mang tính mê tín dị đoan, thiếu sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng làng, gây ảnh hưởng về tinh thần, kinh tế gia đình. Cần tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tập tục này. Đưa tập tục này vào nội dung, hình thức trong xây dựng hương ước, quy ước của làng theo Khoản 2, Điều 3 và Khoản 1, Điều 5 Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

2. Cúng ốm đau

Đồng bào các dân tộc thiểu số quan niệm con người bị bệnh là do thần linh phạt, do các con ma, ác quỷ gây ra. Để khỏi bệnh thì phải làm lễ cúng tạ lỗi với thần linh, cầu xin thần linh phù hộ. Tập tục này, diễn ra với 02 trường hợp:

- Thứ nhất, Việc cúng ốm đau diến ra sau khi thầy cúng xem bệnh và chỉ định vật hiến sinh: Khi người thân bị bệnh nặng lâu ngày không khỏi, người nhà mời thầy cúng đến xem bệnh, bằng hình thức giống như bói quẻ. Họ quan niệm, thầy cúng là sợi dây kết nối, giao tiếp với thần linh. Sau khi xem bệnh, thầy cúng sẽ thông báo với gia đình lý do tại sao người nhà bị bệnh và tùy theo tình trạng bị bệnh nặng hay nhẹ mà thầy cúng chỉ định phải cúng bằng con vật nào mới khỏi bệnh (các vật nuôi dùng để làm vật hiến sinh trong lễ cúng ốm đau thường là con gà, con heo, con bò, con trâu). Lúc này, nếu gia đình đã có sẵn vật nuôi như thầy cúng đã chỉ định thì thực hiện ngay việc giết mổ phục vụ lễ cúng; nếu gia đình chưa có, thì phải đi mua hoặc vay mượn họ hàn,...  Nếu vật hiến sinh là con trâu, thì dân làng cùng tham gia tổ chức với gia chủ. Sau khi cúng xong, một phần thịt vật hiến sinh được chia cho thầy cúng mang về nhà.

- Thứ hai, Việc cúng ốm đau theo như đã hứa với thần linh: Trường hợp này, vật hiến sinh thường là con trâu. Thời gian diễn ra không thường xuyên, không cố định và chỉ tổ chức khi thần linh đã phù hộ cho gia đình luôn khỏe mạnh, mùa màng bội thu, gia đình đã chuẩn bị vật hiến sinh,… Việc tổ chức lễ cúng này nhằm tạ ơn các thần linh đã phù hộ cho gia đinh. Quá trình tổ chức có sự tham gia của cả cộng đồng làng. Sau khi làm nghi thức lễ cúng xong, người nhà và thầy cúng ăn uống, một phần thịt của con vật hiến sinh được chia cho thầy cúng mang về nhà.

Hiện nay, một số làng đồng bào dân tộc đã loại bỏ dần. Khi có người ốm đau, đều đưa người ốm đến trạm y tế, bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, nếu điều trị tại bệnh viện không khỏi mà bệnh viện đưa về, khi về nhà họ có thể làm lễ cúng ốm đau theo truyền thống. Trường hợp này xảy ra khi trước đây người nhà có hứa với thần linh, những đến khi bị ốm nặng vẫn chưa làm lễ cúng theo như đã hứa, hoặc theo quan điểm “còn nước còn tát” với mục đích để tỏ lòng hiếu thảo với người bị ốm, thỏa lòng của người bị ốm… lỡ sau khi chết, thì không trách móc, gây hại cho người còn sống. Tập tục này, hiện nay không diễn ra thường xuyên.

Tập tục mời thầy cúng xem bệnh và chỉ định vật hiến sinh để trị bệnh là tập tục truyền thống mang tính mê tín dị đoan, dễ gây hoang mang về tinh thần cho người nhà và gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế hộ gia đình. Cần tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tập tục mời thầy cúng xem bệnh và chỉ định vật hiến sinh để cúng trị bệnh. Đưa vào nội dung, hình thức trong xây dựng hương ước, quy ước của thôn làng theo Khoản 2, Điều 3 và Khoản 1, Điều 5 Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

3. Kiêng kỵ không cho vật nuôi phóng uế, đẻ con ở dưới kho thóc; giao phối khác loài

Tập tục này có ở các làng dân tộc Giẻ-Triêng tại xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei. Người Giẻ-Triêng quan niệm: vật nuôi phóng uế, đẻ con dưới gầm kho lúa, giao phối hoặc thậm chí là đùa giỡn khác loài với nhau sẽ làm cho thần lúa giận, khi ăn lúa này gia đình sẽ bị ốm đau và không may mắn với gia đình. Vì vậy, khi vật nuôi của gia đình này phóng uế, đẻ con dưới gầm kho lúa của gia đình kia, thì gia đình kia bắt gia đình này phải kiếm thay thế bằng kho lúa mới với số lượng lúa bằng hoặc hơn số lượng lúa ở trong kho cũ; và kho lúa đã bị vật nuôi phóng uế, đẻ con dưới gầm sẽ đưa lại cho gia đình sở hữu vật nuôi sử dụng.

Đây là quan niệm mang tính mê tín, dị đoan, gây ảnh hưởng về tinh thần, mất đoàn kết trong công đồng, gây áp lực lớn về kinh tế đối với các gia đình có liên quan. Cần tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tập tục này, đưa vào nội dung, hình thức trong xây dựng hương ước, quy ước của thôn làng theo Khoản 2, Điều 3 và Khoản 1, Điều 5 Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

4. Để người chết lộ thiên trên sạp trong tang ma

Trước đây, khi có người chết bà con thường có tập tục để người chết trên sạp được đan bằng cây tre, lồ ô, người chết được đắp bằng tấm chăn thổ cẩm truyền thống cho đến khi đi chôn mới đưa vào quan tài; thậm chí đến nghĩa địa mới đưa người chết vào quan tài. Tập tục này diễn ra bởi 02 lý do sau đây:

- Thứ nhất: Quan tài của đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu làm từ thân gỗ nguyên khối, được đục đẽo rỗng bên trong, có nắp đậy, nên trọng lượng rất là nặng, nếu cho người chết vào trong quan tài thì khi đi chôn rất khó khăn trong việc di chuyển quan tài.

- Thứ hai: Vì lòng thương nhớ, nuối tiếc khi người thân chết và để họ hàng gần xa được thấy khuôn mặt người chết lần cuối cùng. Việc đưa người chết vào quan tài đồng nghĩa với việc người chết đã được chôn xuống đất, vĩnh viễn ly biệt với người sống.

Hiện nay, đa số đồng bào đều sử dụng quan tài mua sẵn tại các cơ sở Thọ Đường Quán để chôn cất người chết. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng để người chết trên sạp, đến khi chuẩn bị đi chôn mới khâm liệm đưa vào quan tài. Việc để người chết lộ thiên trên sạp sẽ không đảm bảo vệ sinh, gây ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần cho người còn sống. Cần tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tập tục này, thực hiện khâm liệm người chết và sử dụng nắp quan tài tạm thời trong quá trình tang ma. Đưa vào nội dung, hình thức trong hương ước, quy ước của thôn làng theo Khoản 2, Điều 3 và Khoản 1, Điều 5 Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

5. Thuốc thư

Tình trạng này xảy ra ở các dân tộc thiểu số, như: Hrê, Gia rai, Giẻ-Triêng,... Theo người dân: Người biết thư thường là người già hoặc trung niên. Hình thức này tồn tại thông qua việc trao truyền và học nghề; thường là người trong dòng họ trao truyền cho nhau. Thư là hình thức thư ngải, để duy trì thuốc có hiệu quả, người sở hữu phải nuôi loại ngải này,... Người dùng thuốc thư thường để bảo vệ bản thân, khẳng địn bản thân để không bị yếu thế so với người khác và làm hại người khác khi có mâu thuẫn, tranh chấp,...; Sản phẩm của thuốc thư có nhiều loại, như: dạng muối, thủy tinh, nhựa cây, thanh sắt,... khi Thư, những loại này được gắm vào người bị hại, gây ốm đau và dẫn đến cái chết. Người sở hữu thuốc thư, ngoài việc đi hại người khác, còn có thể cứu chữa cho người bị hại khi bị người khác Thư, với điều kiện người này phải có tay nghề cao hơn.

Tình trạng này gây ảnh hưởng đến tình đoàn kết dân tộc, cộng đồng, tính mạng người khác. Cần tuyên truyền, vận động xóa bỏ hoàn toàn và đưa vào nội dung xây dựng hương ước, quy ước thôn làng theo Khoản 2, Điều 3 và Khoản 1, Điều 5 Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

6. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Mặc dù tảo hôn và hôn nhân cận huyết là những điều không được khuyến khích nhưng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều trường hợp xảy ra.

Việc này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nòi giống của người mẹ và các thế hệ sau này. Cần tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hoàn toàn; đưa vào nội dung xây dựng hương ước, quy ước theo quy định tại Phụ lục Danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng (Ban hành kèm theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ).

7. Sinh đẻ tại nhà

Tình trạng này còn diễn ra ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, cách xa cơ sở y tế. Khi sinh đẻ, thường gọi người biết đỡ đẻ đến đỡ đẻ cho sản phụ.

Việc đỡ đẻ tại nhà không đảm bảo về mặt y tế, dễ gây hậu quả nghiêm trọng đến sản phụ và trẻ sơ sinh, nhất là những ca đẻ khó. Cần tuyên truyền, vận động người dân đến cơ sở y tế gần nhất để sinh đẻ, đảm bảo an toàn cho sản phụ và trẻ sơ sinh.

8. Ngủ đầm

Thường có ở dân tộc Ba na và Xơ đăng (Nhóm Tơ đrá, huyện Kon Rẫy). Đồng bào duy trì tập tục làm rẫy đến tối và ngủ luôn tại chòi rẫy/nhà đầm để hôm sau không phải đi lại vất vả. Một số gia đình thường dẫn con cái vào rẫy ăn, ở, ngủ cùng ở chòi rẫy vài ba ngày, có khi cả tuần tùy vào công việc ruộng rẫy.

Việc này dẫn đến tình trạng không có người lớn ở nhà chăm sóc, dạy dỗ con cái. Trẻ em trong độ tuổi đến trường thì bỏ học, không được quan tâm chăm sóc, không được tiếp cận tìm hiểu môi trường xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn. Cần tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ (Luật Trẻ em 2016)./.

U Minh Nam

Số lượt xem:89588
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

Chung nhan Tin Nhiem Mang


4614460 Tổng số người truy cập: 152 Số người online:
Phát triển:TNC