Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, có đông đồng bào các DTTS cùng chung sống xen kẽ. Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trên địa bàn tỉnh có tổng dân số là 540 ngàn người, trong đó có hơn 296 ngàn người DTTS thuộc 43 dân tộc, chiếm tỷ lệ khoảng 55%. Tỉnh có 07 DTTS tại chỗ là Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm. Nhìn chung Kon Tum vẫn còn là một tỉnh khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước, toàn tỉnh có 53 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 48 thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135.
Ảnh: Lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc gặp mặt Người có uy tín tỉnh Kon Tum
Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum trước hết là những người tiêu biểu, bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; Có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, giảm nghèo bền vững, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc; Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; Có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào DTTS trong thôn, làng mình bằng lời nói, qua việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo. Có thể nói rằng, người có uy tín là một trong những cầu nối quan trọng trong việc đưa các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống tại thôn, làng mình.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 811 người có uy tín. Trong đó Già làng 315 người, Trưởng dòng họ, tộc trưởng 13 người, Trưởng thôn 98 người, cán bộ hưu trí 38 người, Chức sắc tôn giáo 28 người, Doanh nhân, người sản xuất giỏi 69 người, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 17 người, thành phần khác 233 người. Có 228 người có uy tín là Đảng viên. Trong thời gian qua, Ban Dân tộc đã tích cực, chủ động phối hợp các Sở, ban, ngành tỉnh, các đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả chính sách đối với người có uy tín theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Uỷ ban Dân tộc và các Bộ, ngành. Đã tiến hành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và tổ chức đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh duyên hải Miền Trung; thăm hỏi nhân dịp tết Nguyên Đán, tết của các DTTS, khi người uy tín ốm đau, người uy tín gặp khó khăn, bố, mẹ, vợ, chồng, con chết do hậu quả thiên tai; cấp Báo Dân tộc và Phát triển, báo Ảnh Kon Tum; biểu dương, khen thưởng đối với người có uy tín có thành tích xuất sắc, tiêu biểu... Thông qua đó đã kịp thời khích lệ, động viên người có uy tín nỗ lực phấn đấu thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS, đồng thời kịp thời phát hiện và nhân rộng những nhân tố xuất sắc.
Người có uy tín trong đồng bào DTTS có vị trí, vai trò hết sức to lớn, là cầu nối với cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trên các lĩnh vực: tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng; phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp; bài trừ những hủ tục lạc hậu, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới, nông thôn mới... ở địa phương. Trong đó nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc chấp hành đúng các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ là một trong những nhiệm vụ được các cấp, ngành quan tâm, đề nghị đội ngũ người có uy tín tăng cường thực hiện. Thông qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã lồng ghép, hướng dẫn người có uy tín các kĩ năng cần thiết để triển khai có hiệu quả nội dung này sau khi trở về thôn, làng.
Trước thực trạng tình hình vi phạm các quy định về an toàn giao thông liên quan đến mô tô, xe máy trong vùng đồng bào DTTS, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có thể đến những vi phạm phổ biến như: điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng phương tiện giao thông đã qua độ chế, chở quá số lượng người cho phép… Riêng đối với lứa tuổi là thanh thiếu niên người DTTS còn phổ biến tình trạng vi phạm nhiều lỗi cùng lúc như sử dụng rượu, bia, điều khiển phương tiện quá số lượng người, quá tốc độ cho phép, lạng lách, đánh võng… đây là một biểu hiện thường thấy của tâm lý lứa tuổi. Đội ngũ người có uy tín đã tích cực, chủ động tham gia cùng với các cấp, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ cho nhân dân trên địa bàn thôn, làng nơi mình cư trú.
Có thể khẳng định rằng, với số lượng lớn người có uy tín là Già làng, Trưởng dòng họ, tộc trưởng, Trưởng thôn, là những người có tiếng nói cực kì quan trọng trong cộng đồng, đặc biệt là số lượng hơn 300 già làng. Trước đây, trong xã hội truyền thống, mỗi làng của đồng bào Tây Nguyên, già làng giữ vai trò trung tâm và là linh hồn của cộng đồng, là những người có vị trí cực kỳ to lớn trong tiến trình tồn tại và phát triển của cộng đồng. Họ chính là người tổ chức cộng đồng mở núi, mở rừng, thành lập thôn, làng, tổ chức sản xuất để nuôi sống cộng đồng, điều hòa các mối quan hệ cho cộng đồng phát triển, tổ chức phòng vệ để bảo vệ thôn, làng, bảo tồn văn hóa truyền thống và chuyển tải văn hóa đó cho các thế hệ tiếp theo. Với sự nỗ lực, tích cực của đội ngũ người có uy tín trong công tác tuyên truyền an toàn giao thông liên quan đến mô tô, xe máy trong vùng đồng bào DTTS đã góp phần to lớn trong việc hạn chế những vi phạm cũng như hạn chế tai nạn liên quan đến lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên theo ghi nhận của các cấp, ngành chức năng, tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến đồng bào DTTS do điều khiển mô tô, xe máy còn xảy ra nhiều. Theo số liệu thống kê của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2020, có 124 vụ tai nạn giao thông; trong đó liên quan đến vùng đồng bào DTTS 62 vụ, chiếm 50%; trong đó, có liên quan đến thanh, thiếu niên DTTS 59 vụ, chiếm 95,2%.
Những tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là: Địa bàn tỉnh Kon Tum có cơ sở hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều khó khăn, không đồng đều giữa các khu vực, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa hạ tầng đã xuống cấp tuy nhiên vẫn chưa có các nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng; địa hình tỉnh Kon Tum bị chia cắt với nhiều đèo, dốc, chủ yếu là đồi núi, vực sâu... nên dễ dẫn đến tai nạn giao thông cho người tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe máy. Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum là một tỉnh còn có nhiều khó khăn, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp so với mặt bằng chung, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh có xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí còn có mặt còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa có sự hiểu biết nhiều về pháp luật an toàn giao thông; nhiều nơi còn duy trì, chưa thay đổi được một số phong tục, tập quán, thói quen không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như an toàn giao thông đó là thói quen thường xuyên uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông nên có nhiều trường hợp dẫn đến tai nạn giao thông...
Để tiếp tục phát huy vị trí, vai trò trách nhiệm của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành tốt quy định của pháp luật về an toàn giao thông tại địa phương, thời gian tới Ban Dân tộc tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS. Củng cố, phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả vận động Nhân dân của người có uy tín, già làng mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đặc biệt, trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành thực hiện pháp luật về an toàn toàn giao thông.
Hai là, thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội cho người có uy tín, chú trọng những quy định của pháp luật, các hình thức xử phạt, mức phạt.... về vi phạm trật tự an toàn giao thông. Thông qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết của người có uy tín để họ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình trong tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đường bộ.
Ba là, phối hợp với Cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò người có uy tín; có biện pháp thiết thực, cụ thể giúp đỡ, tạo điều kiện để người có uy tín phát huy vai trò, ảnh hưởng tích cực của mình trong cộng đồng.
Bốn là, hàng năm xây dựng kế hoạch đánh giá công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS. Kịp thời biểu dương khen thưởng những người có uy tín có thành tích trong lao động, sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Năm là, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung một số nội dung thực hiện chính sách đối với người có uy tín như: có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí hàng tháng (xăng xe đi lại, chi phí điện thoại) để động viên, khuyến khích, tiếp thêm động lực để người có uy tín tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ được giao; định kỳ 5 năm/lần (đối với Trung ương), 02 năm/lần (đối với địa phương) tổ chức Hội nghị biểu dương đánh giá công tác phát huy vị trí, vai trò của người có uy tín để động viên kịp thời những người có uy tín và tạo cơ hội để những người có uy tín được giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Hà Hồng Duy
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.