Việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) thành 3 khu vực theo trình độ phát triển là căn cứ pháp lý quan trọng để các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đảm bảo minh bạch, trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương xây dựng tiêu chí, tổ chức phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi thành 3 khu vực, trong đó:
- Xã khu vực I: Là xã bước đầu phát triển.
- Xã khu vực II: Là xã còn khó khăn.
- Xã khu vực III: Là xã đặc biệt khó khăn.
Từ năm 1996 đến nay, vùng dân tộc thiểu số đã có 5 lần tổ chức phân định thành 3 khu vực theo trình độ phát triển tương ứng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn, bao gồm các giai đoạn: 1996-2005, 2006-2010, 2011-2015, 2016-2020 và 2021-2025.
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030. Xác định có 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ“Xây dựng, ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển đảm bảo toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm”.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 28/NQ-CP ngày 10/3/2020, trong đó thống nhất với đề nghị của Ủy ban Dân tộc về Đề án tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025; theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở báo cáo kết quả rà soát phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển của các tỉnh, thành phố theo Quyết định 33/2020/QĐ-TTg; ngày 04/6/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551; Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 Phê duyệt danh sách 2.027 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 của 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo các Quyết định trên, tỉnh Kon Tum có 92/102 xã (có từ 15% hộ đồng bào DTTS trở lên) được phân định, gồm: 35 xã khu vực I, 05 xã khu vực II, 52 xã khu vực III và 41 thôn ĐBKK. Có 10 xã còn lại không đủ tiêu chí về tỷ lệ hộ DTTS nên không tổ chức phân định. Tuy nhiên, 10 xã nêu trên được rà soát tỷ lệ hộ DTTS đối với các thôn có tỷ lệ hộ DTTS từ 15% trở lên để xác định là thôn ĐBKK.
Theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc (Văn bản số 1458/UBDT-VP135 ngày 31/12/2015) và quy định tại Điều 3 Quyết định 33/2020/QĐ-TTg: Xã khu vực III là xã đặc biệt khó khăn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc xem xét, quyết định công nhận danh sách các thôn ĐBKK thuộc vùng DTTS&MN (quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 1 Quyết định Quyết định 33/2020/QĐ-TTg). Như vậy, tỉnh Kon Tum có 52 xã ĐBKK (xã khu vực III) và 41 thôn ĐBKK thuộc xã khu vực I, II.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, nhất là việc xác định đối tượng, địa bàn xã ĐBKK, thôn ĐBKK để thực hiện các chính sách anh sinh xã hội trên địa bàn vùng DTTS&MN (như: chi trả các chế độ con em đồng bào DTTS, chính sách BHYT, hộ nghèo, cận nghèo, vay vốn ưu đãi và chính sách cho CBCC,…). Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn về mục đích ý nghĩa, phạm vi đối tượng, tiêu chí phân định các xã thành 3 khu vực và xác định địa bàn ĐBKK; định hướng thực hiện chính sách theo trình độ phát triển và tác động của chính sách đến đồng bào DTTS.
Việc phân định đơn vị hành chính cấp xã theo trình độ phát triển sẽ là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định, tổ chức thực hiện chính sách để tập trung đầu tư, khai thác tiềm năng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tạo điều kiện tốt hơn cho đồng bào DTTS tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là giáo dục, y tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; tăng cường đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Đây chính là căn cứ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 đảm bảo minh bạch, trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.
(2) Đối tượng xác định vùng dân tộc thiểu số và miền núi:
Khái niệm vùng DTTS&MN đã được quy định tại Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc: “Vùng dân tộc thiểu số là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam”. Tuy nhiên, bao nhiêu là đông, cộng đồng là thôn, xã, huyện hay tỉnh chưa được xác định rõ ràng. Trong khi đó các tiêu chí để xác định vùng dân tộc thiểu số và miền núi không có chỉ tiêu về số lượng (tỷ lệ) hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Theo đề nghị của Ủy ban Dân tộc: Lấy tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung của cả nước (hiện nay là 14,7%, lấy tròn số là 15%), làm cơ sở xác định địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống thành cộng đồng; địa bàn xác định: Địa bàn xã và thôn.
Như vậy, Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% số hộ trở lên (đối tượng áp dụng được Chính phủ thống nhất tại Nghị quyết 28/NQ-CP và quy định tại Khoản 1, 2 Điều 2 Quyết định 33/2020/QĐ-TTg).
(2) Tiêu chí phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển thành 3 khu vực và thôn ĐBKK:
Các tiêu chí cụ thể phân định các thôn, xã theo trình độ phát triển được quy định tại Điều 3, 4, 5, 6 Quyết định 33/2020/QĐ-TTg.
Sau khi đã xác định danh sách các xã thuộc vùng DTTS&MN sẽ tiến hành phân định theo trình độ phát triển thành 3 khu vực để hoạch định, áp dụng và tổ chức thực hiện các chính sách. Địa bàn phân định bao gồm:
- Đơn vị hành chính cấp xã (xã có tỷ lệ hộ DTTS từ 15% trở lên): Phân định theo trình độ phát triển thành 3 khu vực: xã khu vực III, xã khu vực II và xã khu vực I.
- Tổ chức dân cư cấp thôn: Đối với cấp thôn chỉ xác định đối với các xã không thuộc diện khu vực III (ĐBKK). Tức là: Đối với xã không đạt các tiêu chí xã khu vực III (ĐBKK) thì tiến hành rà soát đến cấp thôn đối với những thôn có tỷ lệ từ 15% hộ DTTS trở lên để xem xét, xác định là thôn ĐBKK.
(3) Xác định địa bàn đặc biệt khó khăn (địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn):
Địa bàn ĐBKK, gồm: Xã khu vực III và thôn ĐBKK.
- Xã ĐBKK (xã khu vực III): Theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc tại Văn bản số 1458/UBDT-VP135 ngày 31/12/2015 và quy định tại Điều 3 Quyết định 33/2020/QĐ-TTg: Xã khu vực III là xã đặc biệt khó khăn.
- Thôn ĐBKK: Đối với xã không đạt các tiêu chí xã ĐBKK thì xem xét, xác định thôn ĐBKK. Theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 1 Quyết định Quyết định 33/2020/QĐ-TTg: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc xem xét, quyết định công nhận danh sách các thôn ĐBKK thuộc vùng DTTS&MN.
Như vậy, việc xác định thôn ĐBKK chỉ thực hiện đối với các xã thuộc khu vực I, II. Trước đây, thôn ĐBKK được xác định cả ở xã khu vực III, khu vực II và khu vực I. Tuy nhiên, đối với xã ĐBKK (khu vực III) các chính sách được áp dụng chung toàn xã, do đó việc xác định thôn ĐBKK trên địa bàn không có nhiều ý nghĩa trong thực hiện các chính sách, đôi khi gây khó khăn, lúng túng cho địa phương trong tổ chức thực hiện các chính sách. Đối với địa bàn xã quy mô lớn, có nhiều thôn ĐBKK nhưng chỉ đạt tiêu chí xã khu vực II sẽ mâu thuẫn với địa bàn xã quy mô nhỏ, ít thôn ĐBKK nhưng đạt tiêu chí xã khu vực III, gây bất cập cho phân bổ nguồn lực đầu tư.
(4) Thực hiện chính sách đối với các xã được phân định thành 3 khu vực và thôn ĐBKK
- Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 10/3/2020 xác định:
+ Địa bàn đặc biệt khó khăn (Xã khu vực III, thôn ĐBKK): Nhà nước ưu tiên, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực và tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ cơ bản, để từng bước thu hẹp khoảng cách so với vùng phát triển.
+ Địa bàn còn khó khăn (Xã khu vực II): Nhà nước tập ưu tiên thực hiện các chính sách đối với con người, hỗ trợ tạo sinh kế, đầu tư bổ sung hạ tầng còn thiếu hụt.
+ Địa bàn bước đầu phát triển (Xã khu vực I): Đối với những xã này, cơ bản để thực hiện chính sách đối với con người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
- Đối với đồng bào DTTS đang sinh sống ở các địa bàn không thuộc vùng DTTS&MN: Hiện nay, vẫn được thụ hưởng các chính sách đối với con người, ngoài ra còn đang thụ hưởng các chính sách đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác, như: Chương trình MTQG giảm nghèo và anh sinh xã hội bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ DTTS (hỗ trợ mua BHYT, ưu tiên đối với con em đồng bào DTTS).
Như vậy, đồng bào DTTS sinh sống tại các xã, thôn không tổ chức phân định theo trình độ phát triển vẫn được thụ hưởng đầy đủ các chính sách hiện hành của Đảng và Nhà nước, trừ các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào DTTS sinh sống tại địa bàn ĐBKK.
- Các xã không thuộc diện đầu tư của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 thì sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của chương trình khác (không có nghĩa là không còn được thụ hưởng chính sách gì). Mặt khác các địa phương có thể điều tiết nguồn lực trong phân bổ ngân sách tỉnh để đảm bảo tính hài hòa giữa các xã trong cùng địa phương.
(5) Tác động của việc phân định xã, thôn theo trình độ phát triển
- Việc thực Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433/QĐ-UBDT của Uỷ ban Dân tộc sẽ tác động rất lớn đến các chương trình, chính sách dân tộc; trong đó có công tác đảm bảo an sinh xã hội ở các xã, thôn không thuộc diện xã ĐBKK, thôn ĐBKK như: cấp thẻ BHYT, chính sách giáo dục, chính sách vay vốn; hỗ trợ sản xuất; chính sách BHYT.
Tỉnh Kon Tum có 92/102 xã, phường, thị trấn được phân định vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025. Kết quả phân định giai đoạn 2021-2025 toàn tỉnh có 52 xã khu vực III - Là xã ĐBKK (tăng 3 xã, có 02 thị trấn được xác định khu vực III là TT. Đăk Glei và TT. Đăk Rve); 05 xã khu vực II (giảm 23 xã); 35 xã khu vực I (tăng 10 xã); 41 thôn ĐBKK (giảm 7 thôn) so với giai đoạn 2016-2020. Còn lại 10 xã không tổ chức phân định do không đạt tiêu chí có từ 15% hộ DTTS trở lên, tuy niên 10 xã này được rà soát tỷ lệ hộ DTTS đến thôn, kết quả có 10 thôn tỷ lệ hộ DTTS trên 15% được xác định là thôn ĐBKK.
Về mặt tích cực: Đưa tỷ lệ hộ DTTS vào tiêu chí phân định sẽ phản ánh thực chất hơn chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Trong lúc nguồn lực còn có hạn, nhu cầu đầu tư lớn; giảm dần số xã ĐBKK sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực cho xã khó khăn hơn; đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.
Về tác động không mong muốn: Số xã trong vùng DTTS&MN giảm 10 xã do không đạt tiêu chí về số lượng và tỷ lệ người DTTS từ 15% trở lên; số xã khu vực II giảm 23 xã, khu vực I tăng 10 xã, có 26 thôn ra khỏi thôn ĐBKK so với giai đoạn 2016-2020. Như vậy, sẽ không tránh khỏi tâm tư của địa phương, đồng bào DTTS vì muốn được nhận đầu tư, hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước.
- Tại Điều 3 Quyết định 861/QĐ-TTg, quy định “Các xã khu vực III, II đã được phê duyệt tại Quyết đinh này nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày Quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực”.
Theo chỉ tiêu, kế hoạch đến cuối năm 2021, tỉnh Kon Tum phấn đấu có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 6 xã khu vực III, 01 xã khu vực II, 01 xã khu vực I). Khi áp dụng Điều 3 Quyết định 861/QĐ-TTg sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến phạm vi, đối tượng, địa bàn thụ hưởng chính sách; việc cắt giảm ngay các chế độ, chính sách đối với các xã này, trong đó có chính sách an sinh xã hội, chính sách vay vốn cho xã, thôn ĐBKK, hỗ trợ sản xuất, chính sách BHYT đối với người dân, người DTTS sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý đối tượng thụ hưởng; trong khi thực tế đời sống người DTTS, người dân của các xã này vẫn còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của tỉnh Kon Tum nói riêng, cả nước nói chung. Đây là một thách thức lớn đối với chính quyền và toàn thể nhân dân tỉnh Kon Tum, nhất là trong điều kiện đời sống nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như giai đoạn hiện nay.
(6) Đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động không mong muốn
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các địa phương, người dân nắm được ý nghĩa, bản chất của việc phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN hiệu quả nhất; từ đó người dân hiểu, cùng nhau chia sẻ với khó khăn chung (cùng khó khăn thì dành cho nơi khó khăn hơn).
- Uỷ ban Dân tộc cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể nội dung thực hiện Điều 3 Quyết định số 861/QĐ-TTg, để trong thời gian tới các địa phương có xã đạt nông thôn mới có cơ sở thực hiện và có cơ sở trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đề nghị đối với các xã được công nhận hoàn thành nông thôn mới thì tiếp tục cho thụ hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, II đến 31/12 của năm.
- Ủy ban Dân tộc cần xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương kéo dài thời gian thực hiện đến hết 31/12/2021 các chính sách theo dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đối với các xã, thôn ĐBKK giai đoạn 2016-2020 nay không còn thuộc diện ĐBKK, đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội, chính sách BHYT, chính sách giáo dục đào tào, chính sách vay vốn cho xã, thôn ĐBKK; hỗ trợ sản xuất./.
U Minh Nam
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.