banner
Thứ 5, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho CBCCVC trên địa bàn tỉnh Kon Tum - Những kết quả ban đầu
31-1-2021

Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao biên giới, có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu sống cư đông (trong những năm qua dao động từ 50% trở lên, theo số liệu tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019 là 296.839/540.438 người, chiếm tỷ lệ 54,9%). Tại thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án, toàn tỉnh có 18.814 CBCCVC, trong đó cấp tỉnh 6.266 người, cấp huyện 10.126 người, cấp xã 2.422 người. Đến ngày 31 tháng 3 năm 2020, tổng số cán bộ, công chức cấp huyện trở lên là 1.785 người; cán bộ, công chức cấp xã là 1.902 người; viên chức là 13.155 người.

Ảnh: đồng chí U Minh Nam, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum báo cáo chuyên đề tại lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đối tượng 3 năm 2020

Trong những năm qua, việc thực hiện công tác dân tộc luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) công tác tại vùng đồng bào DTTS và miền núi là một công tác có ý nghĩa quan trọng. Do đó, việc triển khai Đề án đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được quan tâm

Triển khai Đề án theo Quyết định 771/QĐ-TTg và hướng dẫn của Uỷ ban Dân tộc, UBND tỉnh Kon Tum đã giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương tích cực tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Ngày 23 tháng 12 năm 2019 UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 3417/KH-UBND, Ban Dân tộc làm cơ quan chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.

Kế hoạch của tỉnh đã bám sát theo hướng dẫn của Uỷ ban Dân tộc, nội dung trọng tâm của Kế hoạch là tập trung thực hiện bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho CBCCVC thuộc các nhóm đối tượng 3, 4 cấp huyện, xã; người hoạt động không chuyên trách cấp thôn (Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn). Mục tiêu đến năm 2025 tổ chức 68 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với 4.847 CBCCVC theo thẩm quyền cấp tỉnh; đề xuất cơ quan Trung ương (Học viện Dân tộc, Uỷ ban Dân tộc) tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc 1.077 người, bồi dưỡng tiếng DTTS 609 người.

Về chuẩn bị các nguồn lực, năm 2019 để phục vụ cho công tác xây dựng Kế hoạch, Ban Dân tộc đã tổ chức các buổi làm việc với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (Trường Chính trị tỉnh, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh), qua khảo sát, đánh giá, về cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu về phòng học, trang thiết bị… và phòng ngủ cho CBCCVC ở các địa phương ở xa nếu có nhu cầu; về xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, các đơn vị, địa phương đã cử 30 CBCCVC là lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, huyện, giảng viên các cơ sở đào tạo tham gia bồi dưỡng do Học viện Dân tộc tổ chức; về kinh phí, tổng kinh phí thực hiện kế hoạch là 2.818 triệu đồng, trong đó năm 2020 là 560 triệu đồng, giai đoạn 2021-2025 là 2.258 triệu đồng.

Những kết quả đạt được bước đầu

Năm 2020 là năm đầu tiên tỉnh Kon Tum tổ chức thực hiện Đề án, tổng số CBCCVC đã được bồi dưỡng kiến thức dân tộc là 487 người. Ban Dân tộc đã chủ trì tổ chức 10 lớp bồi dưỡng, trong đó có 04 lớp bồi dưỡng đối tượng 3 (là CBCCVC giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, lãnh đạo Đảng uỷ, HĐND, UBND cấp xã, Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường Tiểu học, Trung học cơ sở) với 208 người; 06 lớp bồi dưỡng đối tượng 4 (là người hoạt động không chuyên trách tại thôn, làng đồng bào DTTS, gồm có Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn) với 279 người.

Ngoài ra, trong năm 2019, Ban Dân tộc phối hợp Học viện Dân tộc tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 78 CBCCVC.

Với nội dung tài liệu bồi dưỡng được Học viện Dân tộc cung cấp, biên soạn công phu, khối lượng kiến thức thiết thực, sát với thực tiễn công tác tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, việc triển khai thực hiện bồi dưỡng đã kịp thời bổ sung, cập nhật kiến thức cho đội ngũ CBCCVC về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một trong những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2020 là tỉnh Kon Tum đã xây dựng được đội ngũ giảng viên, báo cáo viên của tỉnh là CBCCVC, giảng viên các cơ sở đào tạo giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị, có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm, có hiểu biết về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, văn hoá dân tộc, có kĩ năng đứng lớp, đã trải qua lớp bồi dưỡng báo cáo viên do Học viện Dân tộc phối hợp các cơ quan Trung ương tổ chức. Đây là nguồn giảng viên, báo cáo viên duy trì xuyên suốt trong quá trình triển khai Đề án cho cả giai đoạn.

Những khó khăn, vướng mắc và tồn tại

Về tiến độ ban hành Kế hoạch, Đề án được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 6 năm 2018, tuy nhiên đến ngày 17 tháng 5 năm 2019 mới có văn bản hướng dẫn triển khai của cơ quan Trung ương, sau khi có hướng dẫn tỉnh cần rà soát nhu cầu, kinh phí triển khai Đề án do đó đến ngày 23 tháng 12/2019 UBND tỉnh mới hoàn thành việc ban hành kế hoạch.

Về nguồn lực, Kon Tum là tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối đủ kinh phí thực hiện Đề án (bố trí kinh phí thực hiện 03 ngày/lớp bồi dưỡng, ít hơn 02 ngày so với yêu cầu, hướng dẫn của Trung ương), ảnh hưởng không ít đến chất lượng, hiệu quả của công tác bồi dưỡng. Riêng năm 2020, tỉnh Kon Tum đã thực hiện lồng ghép kinh phí triển khai Đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định 124/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm2 014 của Thủ tướng Chính phủ.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 năm 2020 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến công tác tập trung CBCCVC để tổ chức lớp bồi dưỡng; Tỷ lệ triệu tập học viên dự các lớp bồi dưỡng đạt tỉ lệ thấp, nhất là các lớp đối tượng 4 là người hoạt động không chuyên trách cấp thôn.

Về chế độ đối với đối tượng 4 là người hoạt động không chuyên trách cấp thôn khi tổ chức lớp tại trung tâm huyện có nhiều điểm bất cập: Một số học viên cư trú tại thôn có khoảng cách đến trung tâm huyện là rất xa (Thôn 9, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai, trên 40km…), tuy nhiên chế độ đi lại và ngủ theo quy định hiện hành chỉ thực hiện theo khoảng cách tính từ trung tâm xã đến nơi bồi dưỡng (từ xã Ia Tơi đến trung tâm huyện Ia H'Drai là 07km), do đó học viên không được hưởng chế độ để chi phí theo thực tế; Việc phân cấp chế độ tiền ăn cho học viên được thực hiện không thống nhất giữa các địa phương (có huyện giao về xã, hoặc giao cho nhiều phòng ban chuyên môn khác nhau), ngoài ra việc chi tiền ăn cho học viên được thực hiện sau khi hoàn thành lớp bồi dưỡng ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ triệu tập học viên.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án năm 2021 và các năm tiếp theo

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã ban hành kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho các nhóm đối tượng với 06 lớp đối tượng 4 là CBCCVC cấp huyện, xã; 03 lớp đối tượng 3 là CBCCVC cấp huyện, xã. Chỉ tiêu được UBND tỉnh giao là 630 người.

Để thực hiện tốt mục tiêu Đề án đã đề ra, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum xác định một số nhiệm vụ trọng tâm là: thường xuyên phối hợp các đơn vị, địa phương tiến hành rà soát số lượng CBCCVC khi có sự thay đổi chức danh, chức vụ, sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính; Nghiên cứu, rà soát bố trí nguồn lực thực hiện, trong đó chú ý việc lồng ghép từ nguồn kinh phí các đề án, dự án khác có liên quan; Tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; trên cơ sở những tồn tại, hạn chế kịp thời điều chỉnh, khắc phục để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc; Tiếp tục cử cán bộ, công chức tham gia các lớp bồi dưỡng giảng viên, báo cáo viên do Học viện Dân tộc tổ chức nhằm nâng cao số lượng, chất lượng, trình độ đội ngũ giảng viên, báo cáo viên giảng dạy kiến thức dân tộc của tỉnh; phục vụ chung cho công tác giảng dạy, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tác động về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc… đến thôn, làng và mỗi người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng là không thể tránh khỏi, đây vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với việc thực hiện công tác dân tộc.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ: "Tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030"; "Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc, nhất là giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất, 20% trở lên hộ dân tộc thiểu số  tham gia vào hợp tác xã; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân".

Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho CBCCVC trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Bùi Văn Thắng

Số lượt xem:6311
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

Chung nhan Tin Nhiem Mang


4616189 Tổng số người truy cập: 199 Số người online:
Phát triển:TNC