Trong thời gian qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang phát huy tốt vị trí, vai trò trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia và vận động nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư... Để kịp thời động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho những người có uy tín không ngừng phát huy vị trí, vai trò quan trọng đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg; Quyết định 56/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg để thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2012-2021 trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 7.222 lượt người có uy tín được công nhận trong đó có 6.852 lượt người uy tín là nam và 370 lượt người uy tín là nữ. Qua 10 năm triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh, từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ và ngân sách địa phương bố trí, Ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã thực hiện cấp 286.925 tờ báo Dân tộc và Phát triển cho 3.918 lượt người có uy tín và cấp 31.623 tờ Báo Ảnh Kon Tum cho 1.492 lượt người; tổ chức 34 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 2.639 lượt người uy tín và tổ chức 8 đợt tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh duyên hải Miền Trung với 244 lượt người tham gia kinh phí 7.463,3 triệu đồng
Đ/c: Nông Quốc Tuấn - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng quà và chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu người có uy tín
Người có uy tín tham gia hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức
Song song với việc cung cấp thông tin và bồi dưỡng kiến thức, việc thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần người có uy tín trong thời gian quan luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành và tổ chức thực hiện của các đơn vị, địa phương. Giai đoạn 2012-2021 đã ttổ chức thăm hỏi nhân dịp tết Nguyên Đán, tết của các DTTS cho 8.123 lượt người, thăm hỏi và hỗ trợ vật chất khi người uy tín ốm đau cho 2.944 lượt người, thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn (thiên tai, hỏa hoạn): 5.771 lượt người và thăm viếng động viên khi người có uy tín, thân nhân trong gia đình (bố, mẹ, vợ, chồng, con) qua đời: 34 lượt người với kinh phí 9.360,8 triệu đồng.
Đ/C: Hà Hồng Duy – Phó trưởng Ban Dân tộc thăm hỏi và tặng quà cho người uy tín xã Ngọc Réo, Huyện Đăk Hà
Đồng thời, thực hiện các chương trình, kế hoạch của các cấp các ngành giai đoạn 2012-2021, các đơn vị, địa phương đã tổ chức cho người có uy tín tham gia lễ hội “Âm vang đại ngàn”; lễ gặp mặt người có uy tín, chức sắc chức việc tôn giáo tiêu biểu; bí thư chi bộ giỏi và chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu đi tham quan Côn Đảo, Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, dự Lễ tôn vinh Chương trình “Điểm tựa của bản làng”, dự sự kiện giao lưu Việt Nam - Lào đoàn đại biểu đi dự sự kiện giao lưu Việt Nam - Lào tại tỉnh Nghệ An....do các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức.
Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được thủ tướng Chính phủ ban hành đã tạo cơ chế rất thuận lợi để cấp uỷ, chính quyền và các ban ngành đoàn thể địa phương tranh thủ vận động và phát huy vai trò rất quan trọng của người có uy tín và với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời trong việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách trong thời gian qua người có uy tín đã thực hiện tốt vị trí, vai trò và 06 nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tại Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2019
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế:
- Việc gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, cung cấp thông tin định kỳ và đột xuất về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của địa phương cho người có uy tín ở một số nơi chưa duy trì thường xuyên;
- Công tác chỉ đạo việc rà soát, bình xét, đề xuất công nhận người có uy tín hàng năm ở một số địa phương còn chậm so với tiến độ, chưa đảm bảo về mặt thời gian theo thủ tục hành chính.
- Do ngân sách địa phương còn gặp nhiều khó khăn nên kinh phí cấp hàng năm (do ngân sách địa phương đảm bảo) để thực hiện các chế độ, chính sách cho người có uy tín như: Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tham quan, học tập kinh nghiệm... còn thấp, chưa đảm bảo theo nhu cầu.
- Chính sách ưu đãi cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Chưa có chính sách hỗ trợ hoặc phụ cấp hằng tháng cho người có uy tín trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vì vậy trách nhiệm và sức lan tỏa của người có uy tín chưa được phát huy một cách có hiệu quả.
- Một số người có uy tín thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động trong năm chưa hiệu quả, sức lan tỏa và sự tác động trong các hoạt động phong trào ở địa phương chưa sâu rộng, hiệu quả chưa cao.
Để không ngừng phát huy vai trò, vị trí và nhiệm vụ của người có uy tín trong thời gian đến cần thực hiện một số giải pháp:
Một là: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương trong việc phát huy nhiệm vụ của các của các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các chế độ chính sách đối với người có uy tín
Hai là: Tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với đẩy mạnh cung cấp, phổ biến thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh...
Ba là: Có chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, kinh phí đi lại, chế độ bảo hiểm y tế cho những người có uy tín một cách phù hợp để người có uy tín có điều kiện phát huy vai trò trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
Bốn là: Đẩy mạnh nêu các gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực và kịp thời biểu dương, khen thưởng những người có uy tín có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, vận động đồng bào tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để tạo phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh.
Mỹ Hạnh
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.