Là một tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 53,65% dân số toàn tỉnh với 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 07 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm. Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố, 102 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó có 13 xã biên giới; 49 xã khu vực III, 53 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, 48 thôn ĐBKK thuộc diện đầu tư theo Chương trình 135. Vì vậy việc rèn luyện, nâng cao kỹ năng trong thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc ở vùng DTTS & MN trên địa bàn tỉnh Kon Tum có vai trò hết sức quan trọng, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ cơ sở và cộng đồng người dân; góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách trên địa bàn.
Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS & MN đạt mục tiêu đề ra đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức các cấp có năng lực, nhiệt huyết, tận tâm với công việc được coi là yếu tố đặc biệt quan trọng. Từ thực tế tại địa phương cho thấy, để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, ngoài việc phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định về vị trí việc làm thì đòi hỏi người cán bộ, công chức phải rèn luyện, trau dỗi một số kỹ năng cần thiết trong việc thực hiện các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS & MN, đó là:
Thứ nhất, Khả năng tiếp nhận, hiểu biết đúng đắn nội dung các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo
Mỗi một chương trình, dự án, chính sách ra đời đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội; được thể hiện bằng chủ trương, đường lối của Đảng và cụ thể hóa bằng các chương trình, chính sách của Nhà nước. Người cán bộ công chức nếu nhận thức đúng đắn và đầy đủ thì sẽ hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa, nội dung của các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo được ban hành để xác định được ý thức trách nhiệm của mình trong việc chủ động triển khai thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự thành công của các chương trình, chính sách.
Bồi dưỡng chuyên đề kiến thức văn hóa dân tộc cho chức danh Trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn trên địa bàn các huyện (tháng 8-2020)
Thứ hai, Kỹ năng tham mưu và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo
Muốn thực hiện các chương trình, dự án chính sách giảm nghèo đạt hiệu quả thì công tác tham mưu từ khâu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện rất quan trọng. Người cán bộ công chức muốn tham mưu tốt thì phải nắm chắc các số liệu về tình hình cơ bản của địa bàn thực hiện; căn cứ vào nội dung chương trình, dự án và nguồn vốn được phân bổ để tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện, bố trí phân bổ nguồn vốn cho các nội dung công việc phù hợp theo thứ tự ưu tiên… làm cơ sở để tổ chức thực hiện. Công tác tham mưu tốt thì các chương trình, chính sách được thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước, được sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, đảm bảo cho việc triển khai thực hiện được đồng bộ thuận lợi, đạt hiệu quả.
Thứ ba, Kỹ năng tổng hợp, phân loại đối tượng và nguyên nhân nghèo để tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình, dự án chính sách giảm nghèo
Thực hiện Quyết định 59 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận da chiều giai đoạn 2016-2020. Theo đó việc đánh giá hộ nghèo dựa trên 02 tiêu chí là thiếu hụt về thu nhập và thiếu hụt về mức độ tiếp cận 05 dịch vụ xã hội cơ bản (Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin). Vì vậy công tác tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm phải được thực hiện chính xác, đầy đủ làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp giảm nghèo và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Người cán bộ, công chức cần phải tổng hợp, phân loại đối tượng nghèo và nguyên nhân nghèo của từng hộ để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, chính sách hỗ trợ giảm nghèo cụ thể cho từng hộ theo đúng đối tượng, đúng nội dung để đạt được mục tiêu giảm nghèo. Ngoài ra còn cần phải có kỹ năng giới thiệu, tư vấn tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi xuất, bảo đảm việc làm để ổn định đời sống, thu nhập thoát nghèo bền vững.
Thứ tư, Kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các hộ nghèo tham gia và thụ hưởng các chương trình, dự án chính sách giảm nghèo trên địa bàn
Hiện nay có rất nhiều chương trình, dự án chính sách giảm nghèo đang được triển khai thực hiện trên địa bàn vùng DTTS & MN mà đối tượng thụ hưởng chủ yếu tập trung vào các hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo. Vì có quá nhiều chính sách ưu đãi nên có một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, không muốn thoát nghèo để tiếp tục được thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Nhiều hộ tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại, thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo, một số ít còn lười lao động. Do đó cần có sự đổi mới tư duy trong chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm chính sách cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, tăng cường đầu tư cho sinh kế là chính, thực hiện theo phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách nguồn lực, hướng dẫn cho đối tượng thụ hưởng chủ động vươn lên thoát nghèo nhằm nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của bà con và coi đây là biện pháp đột phá trong việc thực hiện giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS & MN.
Vì vậy người cán bộ, công chức ngoài kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các hộ nghèo trên địa bàn; cần có kỹ năng tư vấn cho các hộ nghèo xây dựng phương án thoát nghèo, tìm hiểu và giới thiệu các mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện và trình độ của người dân để xây dựng các mô hình điểm, giới thiệu và tổ chức cho người dân tham quan, học tập làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn, giúp các hộ nghèo đầu tư sản xuất đạt hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Một số ví dụ điển hình trên địa bàn tỉnh Kon Tum như: tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, cây cối, hoa màu, giải phóng mặt bằng xây dựng các tuyến tường nông thôn mới theo thiết kế mẫu trên địa bàn tỉnh; vận động đồng bào DTTS mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để trồng cây dược liệu tại các xã thuộc huyện Tu Mơ Rông; chuyển đổi từ cây sản xuất ngắn ngày sang trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su tại một số huyện, thành phố.
Để góp phần hoàn thiện, nâng cao kỹ năng cần thiết cho cán bộ, công chức trong việc thực hiện các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS & MN trong thời gian đến; một số giải pháp đề ra đó là:
Một là, Đối với công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng vùng DTTS & MN: trước hết phải xây dựng chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng cho cả giai đoạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, là cơ sở để triển khai thực hiện. Trong đó cần phân loại nhóm đối tượng (nhóm cán bộ lãnh đạo, nhóm chuyên môn nghiệp vụ; nhóm cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động; nhóm cộng đồng) để bố trí nội dung đào tạo, bồi dưỡng thiết thực gắn với công việc cán bộ đang được giao tại cơ sở, tương ứng với thời gian học cho mỗi lớp phù hợp.
Hai là, Xây dựng đội ngũ báo cáo viên có chuyên môn, năng lực và phù hợp với từng nhóm đối tượng: đối với các lớp dành cho nhóm cộng đồng có thể mời cán bộ chuyên ngành, có kinh nghiệm của các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND cấp huyện; đối với các lớp dành cho nhóm cán bộ cơ sở, đặc biệt liên quan đến công tác giám sát, đấu thầu, kế toán, quản lý dự án… có thể mời các đơn vị có chuyên môn đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến ngành và lĩnh vực, sau khóa học, học viên được cấp giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ theo quy định.
Ba là, Cần có sự tham giám sát, đánh giá của cộng đồng, người dân trong đó phát huy vai trò của ban giám sát cộng đồng xã, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể xã, thôn và người dân. Vì đây là những người trực tiếp tham gia vào các nội dung, hoạt động của chương trình và là người trực tiếp hưởng lợi từ chương trình. Muốn vậy cần phải nâng cao ý thức và sự chủ động của người dân trong việc thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức trong việc tham gia xây dựng kế hoạch và thực hiện các nội dung chương trình.
Nguyễn Thanh Hưng
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.