Kon Tum là một tỉnh miền núi, biên giới có tổng diện tích tự nhiên gần 10.000 km2, chiếm khoảng 17,7% diện tích Tây Nguyên, 3,1% diện tích toàn quốc. Dân số trung bình toàn tỉnh 540.438, người dân tộc thiểu số (DTTS) là 296.839 người chiếm 54,9%; với 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 07 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié-Triêng, Hrê, Brâu, Rơ Măm. Từ thực trạng trên địa bàn tỉnh có nhiều thành phần dân tộc thiểu số tại chỗ như vậy, việc thực hiện công tác, chính sách dân tộc gắn với qua bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum có những thuận lợi riêng cũng như những thách thức mà chúng ta cần quan tâm. Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 về công tác dân tộc nêu rõ: nhằm đảm bảo và thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc cùng chung sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc đó là thực hiện chính sách dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; đảm bảo và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc; các dân tộc có trách nhiệm tôn trọng phong tục, tập quán của nhau, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, nhiều chương trình, chính sách dân tộc đã được đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; Việc triển khai thực hiện các chương trình chính sách dân tộc luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND các cấp, công tác phối hợp tuyên truyền của Mặt trận các đoàn thể, sự nhiệt tình, đồng thuận tham gia thực hiện của người dân, được người dân nhiệt tình tham gia hưởng ứng; qua đó bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách như: Chương trình 135; Nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len; Quyết định số 755/QĐ-TTg; Quyết định 33/2013/QĐ-TTg; Quyết định 102/2009/QĐ-TTg; Quyết định số 12/QĐ-TTg; Quyết định 45/QĐ-TTg; Quyết định 2561/QĐ -TTg; Quyết định số 2085/QĐ-TTg; Quyết định số 2086/QĐ-TTg; các Đề án "Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum"; “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS giai đoạn 2015-2020 (giai đoạn I) trên địa bàn tỉnh Kon Tum”; chính sách theo Nghị quyết số 52/NQCP; Quyết định số 1557/QĐ-TTg đã góp phần tạo đà cho kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có bước phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được tập trung đầu tư, hoàn thiện góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Đề án hỗ trợ dân tộc thiểu số rất ít người BRâu và Rơ Măm giai đoạn 2016-2020, Ban dân tộc đã triển khai Hỗ trợ 6 bộ cồng chiêng dân tộc Brâu (02 bộ chiêng Tha, 02 bộ chiêng Goang) và 02 bộ cồng chiêng dân tộc Rơ Măm.
Ban Dân tộc hỗ trợ và mở lớp dạy cồng chiêng cho dân tộc BRâu tại thôn Đăk Mế xã Pờ Y
Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, vai trò quan trọng của văn hóa và công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội của địa phương nói chung, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng nói riêng. Trong những năm qua, Ban Dân tộc đã phối hợp với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động lồng ghép với việc thực hiện chính sách dân tộc để tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược lâu dài. Vì vậy thời gian qua Ban Dân tộc đã chủ động phối hợp với một số sở, ngành liên quan lồng ghép tuyên truyền công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa cồng chiêng tại các Hội nghị thuộc các Chương trình, Đề án do Ban Dân tộc quản lý trong đó tập trung vào các đối tượng lớp trẻ người DTTS. Lồng ghép tuyên truyền tại các Hội nghị tuyên truyền Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh”.
Ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tuyên truyền bảo tồn nghề truyền thống gắn với bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng cho bà con dân tộc Gié - Triêng xã Đăk Man, huyện Đăk GLei
Qua đó thấy y thức tự giác trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng các DTTS được củng cố và phát huy. Hằng năm, tổ chức các lễ hội truyền thống tại địa phương, một số tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa được trình diễn trong các chương trình nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn, kỷ niệm tại địa phương và chủ động tổ chức truyền dạy cho các thế hệ về diễn tấu cồng chiêng, xoang, sản xuất nghề truyền thống...Các bộ cồng chiêng, các vật dụng có giá trị văn hóa của các hộ gia đình, cộng đồng hiện có tại địa phương được bảo quản, giữ gìn và sử dụng hiệu quả. Các già làng, trưởng thôn, người có uy tín tại cộng đồng có tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn và truyền đạt cho thế hệ sau về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Tuy nhiên, qua viêc nắm tình hình thực tế tại các địa phương Ban Dân tộc nhận thấy:
Việc trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng của đồng bào DTTS tỉnh Kon Tum mặc dù đã được tỉnh quan tâm đầu tư tuy nhiên vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Một số địa phương (thôn, làng) các bộ công chiêng đã bị thất lạc, hư hỏng. Vì vậy trong các các sinh hoạt lễ hội theo phong tục của dân tộc mình, nhiều nơi không còn bộ cồng chiêng để sinh hoạt.
Nhận thức của một bộ phận người dân về các giá trị văn hóa tiêu biểu do chính cộng đồng mình sáng tạo nên còn có những hạn chế nhất định. Đời sống và sinh hoạt hiện đại cũng nhanh chóng làm thay đổi nhận thức về sự thiêng liêng và tính cộng đồng của văn hoá cồng chiêng. Sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí mới thu hút giới trẻ, do đó việc hướng họ theo học cồng chiêng, với các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc trở nên khó khăn.
Nét đẹp văn hóa cồng chiêng đang ngày càng mai một do ảnh hưởng của sự biến đổi của xã hội hiện đại hóa. Thực tế, nhiều hộ gia đình đã bán đi những bộ cồng, chiêng quý vì lợi ích trước mắt và vì họ không thật sự đủ hiểu giá trị để mà yêu cái cồng, cái chiêng của dân tộc mình.
Để công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum trong thời gan tới đạt hiệu quả cao, Ban Dân tộc đề xuất như sau:
Một là, tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo nguyên tắc: “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”; công khai, dân chủ, phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTT. Tiếp tục thực hiện các Đề án, Chương trình về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách về dân tộc trên địa bàn, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Hai là, Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp, các ngành và đồng bào DTTS về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tuyên truyền về lòng tự hào, ý thức gìn giữ của chính cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số về vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Phát huy tốt vai trò của đội ngũ nghệ nhân, khuyến khích việc truyền dạy Cồng chiêng, các giá trị văn hóa phi vật thể như: dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, chỉnh chiêng, ….
Ba là, Tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc để tôn vinh, giới thiệu, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS; qua đó, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Duy trì và phát triển những thiết chế văn hóa phù hợp với bản sắc văn hóa của người dân trên địa bàn, từ đó tạo sân chơi, môi trường diễn xướng rộng khắp như thông qua các lễ hội, cuộc thi, hội diễn… thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt lành mạnh.
Bốn là, tăng cường nguồn lực đối với công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng, đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các Nhà Văn hóa cộng đồng của các thôn làng đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm hỗ trợ có hiệu quả việc bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng. Tích cực vận động xã hội hóa.
Trần Thị Diệu Hằng
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.