Kon Tum là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái; có nhiều tiềm năng lớn về tài nguyên đất đai để trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, khai thác khoáng sản và phát triển thương mại, du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum. Trong những năm qua, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số có những nét riêng độc đáo đã tạo nên một nền văn hóa của địa phương rất đa dạng, mang nhiều màu sắc của các dân tộc. Hầu hết các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn giữ gìn các tín ngưỡng truyền thống, thờ đa thần với quan niệm vạn vật hữu linh và thờ cúng theo phong tục tập quán truyền thống của dân tộc. Theo dòng lịch sử, các tôn giáo dần hiện diện, thâm nhập và phát triển vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành các cộng đồng tôn giáo đã tác động và ảnh hưởng lớn đến mọi mặt trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và đồng bào có đạo nói riêng, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn chung, hoạt động tôn giáo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh về cơ bản theo xu hướng ổn định, tuân thủ pháp luật. Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các tôn giáo trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh, thời gian qua Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để đầu tư kinh phí triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại vùng dân tộc thiểu số như: chính sách phát triển giáo dục; chính sách y tế; chính sách đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số; chính sách phát thanh truyền hình bằng tiếng các dân tộc thiểu số; chính sách quốc phòng, an ninh; công tác xây dựng Đảng và củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng sử dụng cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo được triển khai đồng bộ và đã đạt nhiều được nhiều kết quả; đồng thời, ban hành các văn bản để tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; quan tâm, xem xét, giải quyết kịp thời, tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương về công tác tôn giáo.
Đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đến thăm, làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, năm 2022
Trong thời gian qua, đồng bào các dân tộc thiểu số có đạo nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung đã được ưu tiên thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thoát nghèo, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với đẩy mạnh hỗ trợ vốn để đồng bào các dân tộc thiểu số có nguồn lực đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm lo an sinh xã hội nhằm từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần tích cực vào việc thoát nghèo bền vững; nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thông qua các chính sách: Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025; Đề án "Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum"; Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 -2025”; Tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ; Chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu trong các lĩnh vực; Chính sách về phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016- 2020 và định hướng đến năm 2030; Chính sách thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2015-2020; .... Nhờ vậy, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có những bước phát triển tiến bộ, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều vùng được nâng lên; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm đầu tư, hoàn thiện; văn hóa, đời sống các dân tộc thiểu số được quan tâm; tự do, tín ngưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo; giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số có sự chuyển biến tiến bộ; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng; dịch bệnh được kiểm soát; chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, giữ gìn sự ổn định.
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã được đông đảo chức sắc, tín đồ tôn giáo đồng tình ủng hộ, đã khích lệ các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Đồng bào các dân tộc thiểu số có đạo cũng là một lực lượng hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, xã hội. Nhiều địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số có đạo đã phát huy và áp dụng hiệu quả tiền bộ khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất, mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực để phát triển kinh tế, mở nhiều ngành nghề truyền thống, làm dịch vụ phục vụ đời sống. Nhiều vùng giáo dân trước đây vốn còn nhiều khó khăn, nay tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo ngày càng giảm. Với nhiều mô hình kinh tế vươn lên thoát nghèo, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có đạo đã trở thành những điển hình tiêu biểu sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao trong các lĩnh vực trồng, chế biến cà phê, cây ăn quả, rau, hoa, quả, ...
Công tác xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đồng bào dân tộc thiểu số có đạo đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa mới, có nhiều hoạt động thiết thực như: gìn giữ truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Ngoài ra, những nét đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được tổ chức tôn giáo tiếp nhận và thể hiện qua các nét kiến trúc của cơ sở tôn giáo và qua thời gian các công trình tôn giáo đã trở thành nét đặc trưng văn hóa địa phương. Một số tổ chức tôn giáo tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo như: nuôi dạy trẻ em mồ côi, tổ chức khám chữa bệnh cho người nghèo, phát quà từ thiện nhân dịp lễ của các tôn giáo, ngày tết truyền thống của dân tộc, xây dựng hệ thống lọc nước sạch cho giáo dân sử dụng; đặc biệt, trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19 các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã phối hợp cùng các cấp chính quyền phát quà từ thiện, hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, ...Qua đó, đã góp phần cùng chính quyền địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Thực hiện phong trào quần chúng gìn giữ anh ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc, nhiều thôn/làng, đồng bào dân tộc thiểu số có đạo đã được các cấp, các ngành biểu dương khen ngợi. Hàng năm, có nhiều thanh niên dân tộc thiểu số có đạo tham gia nghĩa vụ quân sự, nhiều trường hợp sau khi ra quân, trở về địa phương tham gia tích cực trong các đoàn thể, các hoạt động xã hội, ...
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực hoạt động tôn giáo đối với đời sống xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì còn có một số tổ chức, chức sắc, chức việc tổ chức các hoạt động trái pháp luật như truyền đạo, xây dựng, sử dụng đất đai, ...; một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số có đạo có quan niệm “mọi việc do chúa trời định đoạt, không phải do Nhà nước; “ru ngủ” bản thân lý giải việc nghèo đói là do số phận nên chờ đợi sự hỗ trợ, mất đi khả năng chủ động, sáng tạo, ...
Trong thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới và khu vực phục hồi đà tăng trưởng nhưng tốc độ còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kinh tế từng bước thoát khỏi tình trạng suy giảm, lấy lại đà tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỉnh Kon Tum nằm ở ngã ba Đông Dương, là trung tâm của vùng Tam giác phát triển; có lợi thế về kinh tế cửa khẩu; có tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc...Vì vậy, việc triển khai thực hiện chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc đặt ra những vấn đề cụ thể như sau:
- Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn; tình trạng di cư tự do, tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chưa được giải quyết thấu đáo; khoảng cách giàu nghèo giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn so với vùng phát triển có xu hướng gia tăng; vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là vùng được hưởng lợi từ thành quả đổi mới ít hơn, dễ bị tổn thương hơn trong cơ chế thị trường và biến đổi khí hậu, rất cần được sự quan tâm đầu tư để phát triển hơn nữa.
- Biến đổi khí hậu, cùng với sự diễn biến bất thường của thời tiết gây nên thiên tai bão lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn tác động xấu đến vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số phải di dời nhà cửa, ruộng vườn để xây dựng các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi, giao thông, công trình trọng điểm quốc gia chưa được ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn.
- Một số tệ nạn xã hội như “cờ bạc”, “ma túy”, “rượu chè”, và phong tục tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ như “làm ma to”, tảo hôn... tác động xấu đến đời sống nhất là suy thoái giống nòi và giảm chất lượng dân số.
- Địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn là nơi xa xôi cách trở, biên giới thuận lợi cho các loại tội phạm ma túy, buôn bán người hoạt động; đối tượng phạm tội nguy hiểm lẩn trốn, gia tăng nguy cơ mất an ninh, an toàn cho người dân sinh sống ở vùng này.
- Chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được ban hành nhiều, khá đồng bộ, bao phủ hết các mặt của đời sống xã hội nhưng thiếu nguồn lực thực hiện, không đạt được mục tiêu đề ra, tác động đến tâm lý của đồng bào dân tộc thiểu số, xuất hiện ý kiến cho rằng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số chưa thật sự được quan tâm.
Từ những phân tích nguồn lực và thực trạng về tôn giáo, dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum như trên, đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước trong công tác tôn giáo, dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phát huy nguồn lực các tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum như sau:
Một là, Tiếp tục tập trung nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vấn đề dân tộc, tôn giáo; trong đó, đặc biệt chú ý đến sự thống nhất về nhận thức và phối hợp hành động trong việc giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong vùng dân tộc thiểu số.
Hai là, Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quản lý, điều hành các chính sách dân tộc; phát huy hiệu quả các chương trình, dự án; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật và các chính sách dân tộc; giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của Nhân dân ngay từ cơ sở.
Ba là, Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động các thế lực thù địch đối với vùng dân tộc thiểu số; Chú trọng tình hình quần chúng, thái độ, dư luận của dân tộc thiểu số với việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước ở vùng dân tộc thiểu số như vấn đề dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, đất đai, tái định cư, bức xúc nổi cộm tồn tại trong quần chúng…
Bốn là, Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng và phát huy vai trò người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, đồng thời giải quyết triệt để các nhân tố khác, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở các vùng đồng bào `dân tộc thiểu số.
Năm là, Tăng cường công tác quốc tế trong công tác đảm bảo an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các nước giáp biên, các nước láng giềng theo định hướng, tham gia tích cực hơn nữa các thể chế đa phương của khu vực ASEAN… nhằm thiết lập, củng cố phòng tuyến biên giới lãnh thổ, phối hợp xây dựng thế trận an ninh trong - ngoài lãnh thổ vững chắc.
Sáu là, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với tổ chức bộ máy làm dân tộc và cả hệ thống chính trị.
Thanh Phước
|
|
|
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban.
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này.